Trung Quốc sẽ hợp nhất các cơ quan giám sát biển

TP - Ngày 10-3, chính phủ Trung Quốc tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc nội các lớn nhất từ năm 1998, theo đó hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, giải thể Bộ Đường sắt, lập một số siêu bộ…

> TQ bác tin tàu hải giám nhắm bắn tàu cá Nhật
> Tàu hải giám Trung Quốc ‘xông đất’ Điếu Ngư/Senkaku

Cục Hải dương Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên lãnh thổ, hiện quản lý lực lượng giám sát biển - hải giám, sẽ nắm quyền quản lý cả lực lượng cảnh sát biển - hải cảnh (Bộ Công an), tuần tra hàng hải - hải tuần (Bộ GTVT), thực thi pháp luật ngư nghiệp - ngư chính (Bộ Nông nghiệp), chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

Việc hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhằm “đảm bảo quyền lợi quốc gia”, trong bối cảnh “hiệu quả thực thi pháp luật và năng lực bảo vệ quyền lợi không cao”, Ủy viên Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc, ông Ma Kai, phát biểu tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

Kế hoạch hợp nhất được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản mấy tháng gần đây gia tăng căng thẳng về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc cũng đang va chạm với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Ông David Goodman, một chuyên gia về Trung Quốc đang công tác tại Đại học Sydney (Úc), cho rằng, việc hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên biển nhằm quản lý tốt hơn các chính sách của nước này về tranh chấp biển đảo. “Họ muốn có sự phối hợp tốt hơn, kiểm soát tốt hơn những gì đang diễn ra”, ông Goodman nói.

Ngày 10-3, Cục Ngư nghiệp Nam Hải (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) thông báo, nước này mới đây thực hiện các chuyến tuần tra ngư chính thường kỳ trên biển Đông, với sự tham gia của 21 tàu ngư chính cùng hơn 3.000 nhân viên.

Một số tàu đang tuần tra ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hôm 9-3, một đội tàu hải giám ngang nhiên đồn trú tại cái gọi là thành phố Tam Sa, mà thực chất bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam kịch liệt phản đối mọi hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Bỏ Bộ Đường sắt

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Ma Kai cũng thông báo kế hoạch tái cấu trúc nội các Trung Quốc, theo hướng giảm số bộ và cơ quan ngang bộ từ 27 xuống 25, tăng quy mô, quyền lực của một số bộ, ngành như y tế, thực phẩm… “Hệ thống hành chính vẫn có nhiều lĩnh vực không phù hợp yêu cầu của nhiệm vụ và hoàn cảnh mới”, một số lĩnh vực thiếu người quản lý, nhưng một số khác lại có “quá nhiều đầu bếp trong một nhà bếp”; việc giám sát lỏng lẻo dẫn tới “công việc dang dở hoặc lộn xộn, lạm dụng quyền lực và tham nhũng”, ông Ma Kai (Mã Khải) nói.

Vì thế, Bộ Đường sắt sẽ bị giải thể; chức năng hành chính sẽ được chuyển cho Bộ GTVT, còn chức năng thương mại sẽ thuộc về một doanh nghiệp mới là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Chính phủ đã cam kết mở cửa ngành đường sắt cho đầu tư tư nhân với quy mô chưa từng có.

Ông Ma Kai thông báo, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình sẽ sáp nhập vào Bộ Y tế, Tổng cục Báo chí và Xuất bản và Cục Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Nhà nước sẽ hợp nhất, Cục Năng lượng Quốc gia sẽ được tái cấu trúc… Trong khi đó, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm có vai trò lớn hơn, nhằm ngăn ngừa, xử lý các vụ bê bối thực phẩm như sữa độc, thịt bẩn gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước thời gian qua.

Theo số liệu do giới chức kiểm sát công bố ngày 10-3 tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, năm 2012, số vụ truy tố về sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm độc là hơn 8.000, cao gấp hơn 5 lần so với năm 2011.

Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành đường sắt nước này dính vô số scandal chi tiêu sai, lãng phí, tham nhũng, nợ nần. Bộ Đường sắt có 2,1 triệu nhân viên, năm ngoái chi tiêu hết tổng cộng 630 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD), gần bằng ngân sách quốc phòng.

Bộ này từng có tòa án, lực lượng cảnh sát riêng. Bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun (Lưu Chí Quân) mất chức năm 2011, sau đó bị khai trừ khỏi đảng, hiện đang chờ hầu tòa với cáo buộc tham nhũng. Ông này còn bị cáo buộc có tới 18 nhân tình.

Tháng 7-2011, hai tàu hỏa cao tốc đâm nhau ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, khiến 40 người thiệt mạng, 177 người bị thương. Dư luận Trung Quốc cho rằng, để đẩy nhanh việc mở rộng mạng lưới đường sắt, các quan chức trong ngành đã vi phạm quy định về an toàn.

Một cuộc điều tra cho thấy, hầu hết tuyến được sắt trị giá 260 triệu USD ở vùng đông bắc phải làm lại, vì các nhà thầu phụ đã nhồi đá và cát vào móng cầu, thay vì bê tông.

Sẽ bãi bỏ chính sách một con?

Sắp tới, cơ quan giám sát chính sách một con của Trung Quốc sẽ bị sáp nhập vào Bộ Y tế. Những năm qua, quan chức dân số - kế hoạch hóa gia đình ở một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc ép phụ nữ nạo phá thai để địa phương mình đạt được chỉ tiêu về tỷ lệ sinh.

Năm ngoái, báo chí Trung Quốc đưa tin một phụ nữ ở tỉnh Thiểm Tây bị ép phá thai dù đang mang bầu tháng thứ 7. Vụ việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Trung Quốc.

Sau khi Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình biến mất, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (hiện chuyên về hoạch định kinh tế) sẽ phụ trách chính sách dân số quốc gia.

Do chính sách một con áp dụng từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, lực lượng lao động của Trung Quốc đang suy yếu dần. Tuy nhiên, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo mới đây nói trước Quốc hội rằng, chính sách một con vẫn được áp dụng, ít nhất là trong năm nay.

Về kế hoạch tái cấu trúc nội các Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho rằng, tính hiệu quả sẽ không cao. Theo chuyên gia David Goodman, chỉ tái tổ chức không thôi thì không thể chống được tham nhũng.

“Đó là những cải cách rất nghiêm túc. Nhưng chúng không đi thẳng vào vấn đề là buộc các quan chức phải có trách nhiệm lớn hơn”, ông Goodman nói.

Điều tra hơn 30 quan chức cấp cao

Theo báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc trình bày trước Quốc hội ngày 10-3, năm năm qua, có hơn 30 quan chức từ cấp bộ trở lên bị điều tra về tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Từ năm 2008, khoảng 13.000 quan chức từ cấp huyện trở lên bị điều tra do dính líu các hành vi phạm pháp liên quan chức vụ, công việc.

Phương Anh
Theo China Daily, Xinhua, AP, CNN

Theo Báo giấy