Được Washington mô tả là tên lửa tầm xa nhất thế giới, DF-41 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Với tầm xa lên đến 14.500km, hệ thống DF-41 sẽ lần đầu được trang bị cho một lữ đoàn thuộc lực lượng tên lửa có căn cứ tại thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence đưa tin.
Từ căn cứ này, tên lửa có thể vươn đến tận Mỹ trong vòng nửa giờ bằng cách bay qua Bắc Cực hoặc hơn 30 phút nếu bay qua Thái Bình Dương. Các nhà phân tích quốc phòng nói rằng, họ vẫn chưa rõ DF-41 có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương hay không.
“Không ai nghi ngờ tầm xa lớn nhất của DF-41 lên đến gần 15.000km. Nhưng chỉ vài phút sau khi được phóng, nó có thể bị hệ thống phòng thủ của Mỹ tại căn cứ hải quân ở đảo Guam chặn lại”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS He Qisong, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại ĐH Luật và Chính trị Thượng Hải.
DF-41 đã được thử nghiệm ít nhất 5 lần kể từ tháng 7/2014, trang tin Mỹ Washington Free Beacon đưa tin. Các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc thử nghiệm DF-41 trên bệ phóng di động có đường ray vào ngày 5/12/2015. Bắc Kinh đang tiến tới việc chế tạo và triển khai DF-42 trên tàu tự hành.
Tổng biên tập tạp chí Kanwar, ông Andrei Chang, nói rằng, mức độ tấn công thành công của DF-41 sẽ tốt hơn sau năm 2020 khi Trung Quốc hoàn thiện hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, giúp quân đội Trung Quốc không còn phải phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Nhưng ông Chang nói rằng, Mỹ có thể phát triển công nghệ làm nhiễu tín hiệu của hệ thống Bắc Đẩu.
Trung Quốc vẫn không chấp nhận THAAD
Ngày 30/3, Trung Quốc bác bỏ lời đề nghị của Mỹ về việc tham gia đối thoại về các vấn đề kỹ thuật liên quan khả năng Washington đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc, Xinhua đưa tin. “Việc Mỹ theo đuổi việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc không phải vấn đề kỹ thuật đơn giản… Nó vượt xa yêu cầu phòng vệ thực sự của bán đảo Triều Tiên và sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích an ninh và chiến lược của Trung Quốc”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các phóng viên.
Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói Bắc Kinh phản ứng mạnh như vậy phản ánh lo ngại của họ rằng, bước đi này của Washington là nhằm phản ứng với những hoạt động của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và biển Đông, và cuối cùng sẽ đoàn kết Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong một liên minh quân sự. Với radar có thể vươn xa 4.000km, THAAD sẽ đe dọa nghiêm trọng vùng nhận diện phòng không gây tranh cãi của Trung Quốc.
Ngoài ra, “THAAD sẽ đưa Hàn Quốc và Nhật Bản gần hơn hệ thống phòng thủ của Mỹ, tiếp theo là một khối quân sự nhằm vào Trung Quốc và Nga”, New York Times dẫn lời GS Chu Shulong công tác tại ĐH Thanh Hoa.