Nhóm phi hành gia Trung Quốc. Ảnh CCTV. |
Không gian là vùng đất chiến lược cuối cùng của các cường quốc quân sự trên thế giới, theo Brandon J. Weichert, nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng người Mỹ, tác giả cuốn sách "Chiến thắng không gian: Cách nước Mỹ duy trì vị thế siêu cường".
Nếu ai đó kiểm soát không gian thì người đó hoàn toàn có thể thống trị Trái đất. Weichert cảnh báo: Ngày nay, Trung Quốc đã sẵn sàng để chinh phục các quỹ đạo xung quanh Trái đất và thống trị Mặt trăng, trong nỗ lực soán ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.
Người Mỹ, theo ông Weichert - mặc dù đã giành chiến thắng trong cuộc đua không gian ban đầu với Liên Xô, hiện nay dường như vẫn chưa kịp nhận ra một cuộc chạy đua không gian mới, với một đối thủ mới (Trung Quốc) đang ở ngay trước mắt họ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang đang áp dụng các nguyên tắc địa chính trị cổ điển vào cuộc chạy đua không gian vào thời điểm mà chương trình không gian của họ đang đạt được những thành tựu phi thường.
Mới đây, Trung Quốc tuyên bố chế tạo hệ thống tên lửa có thể đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2026. Theo Space, tên lửa sẽ được thiết kế để phóng tàu vũ trụ 27,6 tấn vào quỹ đạo Mặt trăng do tên lửa Trường Chinh 5 - tên lửa lớn nhất của Trung Quốc chưa thể đáp ứng nhu cầu này. Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc ở quỹ đạo thấp của Trái Đất cũng không thể hạ cánh xuống Mặt trăng.
Tàu thăm dò Hằng Nga-4 đổ bộ Mặt trăng vào ngày 1/1/2019. Ảnh AP. |
Theo ông Weichert, đây không phải là một mục tiêu xa vời đối với Trung Quốc. Người Trung Quốc đã đạt được hoặc tiến rất gần đến việc hoàn thành các mục tiêu không gian tưởng chừng như quá tầm với của họ kể từ đầu thế kỷ này.
Tên lửa mà Trung Quốc đang cố chế tạo để đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2026 về cơ bản cũng tối tân như tên lửa của SpaceX.
Nhưng chương trình không gian của Trung Quốc có khả năng vượt qua chương trình không gian của Mỹ trừ khi Washington bắt đầu tiến hành những thay đổi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, NASA đã thông báo rằng sứ mệnh quay trở lại Mặt Trăng của họ hiện đã bị lùi lại vào những năm 2030. Đây được cho là một tin tức đáng thất vọng.
Theo ông Weichert, các nhà lãnh đạo chính sách không gian của Mỹ dường như không quan tâm hoặc quá thờ ơ dù cho Bắc Kinh đã nói rõ ý định thống trị không gian trước khi người Mỹ có thể đồng thời loại Mỹ ra khỏi lĩnh vực quan trọng này.
Chương trình không gian hiện nay của Mỹ được cho là mơ hồ, không xứng tầm và rối rắm.
Bằng chứng cho sự thờ ơ của các lãnh đạo Mỹ đối với cuộc chạy đua không gian là việc phải mất gần một năm, Phó Tổng thống Kamala Harris mới có thể triệu tập được cuộc họp của Hội đồng Không gian Nhà Trắng. Vào đầu tháng 12/2021, bà Harris cuối cùng đã dẫn đầu cuộc họp đầu tiên của hội đồng này.
Tại cuộc họp, bà Harris thề rằng chương trình không gian của Mỹ sẽ tập trung vào việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và hợp tác nhiều hơn với các quốc gia khác trong không gian.
Tuy nhiên, theo ông Weichert, Trung Quốc không cần hợp tác nhiều hơn với Mỹ trong lĩnh vực không gian và ngược lại. Điều Trung Quốc khao khát là đánh bại Mỹ trong cuộc đua không gian mới. Trung Quốc được cho là có thể đạt được mục tiêu nếu được Moscow hợp tác trong không gian.
Trung Quốc thì có tiền mặt nhiều vô kể. Còn Nga có công nghệ vũ trụ và kiến thức vũ trụ vô cùng dày dặn - thứ được cho là vô giá đối với khát vọng chinh phục Mặt trăng của Trung Quốc trước khi người Mỹ có thể làm điều đó.
Thế nhưng NASA, thay vì ráo riết tiến hành sứ mệnh Mặt trăng, lại chi tới 200 triệu USD kể từ năm 2009 cho việc phát triển một bộ đồ phi hành gia mới, nhằm đảm bảo phụ nữ cũng mặc được chúng...
Do vậy, theo Weichert, trong khi Trung Quốc đã sẵn sàng chinh phục Mặt trăng, thì người Mỹ vẫn tiếp tục chế bộ đồ phi hành gia hoàn hảo bất chấp nguy cơ liên minh Trung-Nga có thể thiết lập các hệ thống vũ khí nhằm "vô hiệu hóa nước Mỹ" từ trên không.
Theo Weichert, Mỹ hiện đang thua trong cuộc đua không gian mới với Trung Quốc và tương lai có thể vẫn thua nếu không chịu thức tỉnh ngay bây giờ.