Trung Quốc phê bình văn hóa 'fan cuồng'

0:00 / 0:00
0:00
Trang chủ Weibo
Trang chủ Weibo
TP - Trang mạng xã hội nổi tiếng nhất Trung Quốc đã quyết định xóa danh sách người nổi tiếng của họ, sau khi chính phủ cho biết trẻ em đang trở thành nạn nhân chính của những kẻ lợi dụng ngành giải trí.

Vào thứ Sáu (6/8), Weibo tuyên bố họ sẽ xóa bỏ danh sách các ngôi sao âm nhạc và truyền thông được xếp hạng theo số lượng người theo dõi và bài đăng của họ trên trang mạng. Quyết định được đưa ra sau khi tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bài xã luận chỉ trích các mạng xã hội đang ưu tiên lượng truy cập mỗi ngày hơn lợi ích của giới trẻ.

Tờ báo cho rằng các nền tảng trực tuyến cần “tăng cường quản lý các chương trình phát triển thần tượng và tìm kiếm tài năng” bằng cách kiểm soát chặt chẽ cơ chế bầu chọn, đánh giá và các bình luận.

Mặc dù bài báo không nêu tên bất kỳ mạng xã hội cụ thể nào, Weibo cho biết quyết định loại bỏ “Danh sách xếp hạng quyền lực ngôi sao” một phần là do “sự ủng hộ phi lý” mà một số fan dành cho những người nổi tiếng. Công ty cho biết danh sách này khuyến khích sự tương tác không lành mạnh giữa các ngôi sao và người hâm mộ.

Vào tháng Năm, tờ Nhân dân Nhật báo cũng đăng một bài xã luận lên án “hành vi săn đuổi ngôi sao khiến con người dần trở nên mất trí”. Trong bài có ghi: “Đặc biệt, nhiều người hâm mộ nhỏ tuổi không chỉ chưa có khả năng kiếm tiền, mà còn có đầu óc non nớt. Họ thường xuyên rơi vào cái bẫy “tiêu xài quá mức” và “vay mượn để tiếp tục theo đuổi các ngôi sao”.

“[...] Xét một cách khách quan, vì tình yêu, người hâm mộ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc, sức lực để ủng hộ thần tượng, đó là lựa chọn cá nhân. Tuy nhiên, theo logic của một số fan cực đoan, tiền bạc tương đương với tình yêu, và việc bạn yêu thích thần tượng bao nhiêu chỉ có thể thể hiện qua số tiền bạn tiêu. Nếu chi tiêu ít hơn, bạn sẽ cảm thấy bị trừng phạt về mặt đạo đức và bị công kích là “không đáng được yêu thương”. Vì vậy, tất cả những lượt thích và ủng hộ đã trở thành thương hiệu của ngôi sao, tạo nên các danh sách không hồi kết”.

Tháng trước, cơ quan giám sát internet của Trung Quốc cho biết họ đã phạt tiền Weibo, cũng như các nền tảng trực tuyến do công ty thương mại điện tử Alibaba và công ty trò chơi Tencent điều hành, vì quảng cáo nội dung không lành mạnh liên quan đến trẻ em. Theo Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc cho biết bố, Weibo, trang mua sắm Taobao, ứng dụng nhắn tin Kuaishou, và dịch vụ thương mại điện tử Xiaohongshu đã phát tán những “nhãn dán” và video ngắn liên quan đến trẻ em trong tư thế nhạy cảm. Các công ty đã được lệnh phải khắc phục vấn đề và cấm các tài khoản sử dụng nội dung liên quan đến trẻ em để thu hút lượt “click”.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã xuất bản một số bài xã luận kêu gọi hạn chế các ngành công nghiệp như trò chơi điện tử - điều họ lên án là “thuốc phiện tinh thần” đối với thanh thiếu niên.

Sự chỉ trích, được hỗ trợ bởi các dữ liệu rằng trẻ em đang ngày càng nghiện trò chơi điện tử - một học sinh nói rằng em hay chơi game tới tám tiếng mỗi ngày - đã dẫn đến việc các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu trong lĩnh vực trò chơi.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, công ty Tencent cho biết họ đang giới thiệu các biện pháp để quản lý thời gian trẻ em có thể chơi trực tuyến, sau khi các nhà chức trách yêu cầu các công ty thực hiện “trách nhiệm xã hội” của họ trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Đồng thời, Tencent cũng đã cấm trẻ em dưới 12 tuổi có thể mua hàng trong các trò chơi của họ.

MỚI - NÓNG