Trung Quốc ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp châu Âu

Một mẫu xe hybrid của PSA Peugeot Citroen. Ảnh: GM
Một mẫu xe hybrid của PSA Peugeot Citroen. Ảnh: GM
TP - Theo báo cáo mới đây của Cty đa quốc gia Ernst & Young (trụ sở chính ở Anh), các nhà đầu tư Trung Quốc năm ngoái mua một lượng kỷ lục 120 doanh nghiệp của châu Âu, trong đó có nhiều hãng nổi tiếng của Đức, Anh và Pháp.

Năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc mua tổng cộng 25 Cty Đức và Anh, 15 Cty Pháp, 7 Cty Ý, 7 Cty Thụy Điển… Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Đức, sau Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Pháp và Áo.

Các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và bất động sản với 55 trong tổng số 120 doanh nghiệp được mua thuộc ba lĩnh vực này.

Ông Sun Yi làm việc tại Ernst & Young nói rằng, Trung Quốc đang ra sức thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu, vì muốn tăng cường khả năng sáng tạo và công nghệ thông qua thị trường châu Âu. Lĩnh vực sản xuất xe hơi của Đức rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đặc biệt chú tâm vào các ngành công nghiệp triển vọng, như ngành ô tô. Theo ông Sun, các hãng ô tô Trung Quốc đang muốn vươn ra thị trường toàn cầu. Vấn đề cải tiến công nghệ, tận dụng nhân công chất lượng cao và thiết lập các kênh bán hàng thông qua các chi nhánh tại châu Âu rất cần thiết đối với sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ săn lùng không chỉ các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu lửa, khí đốt mà cả những lĩnh vực mới nổi như y sinh, internet…

Với việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc kỳ vọng thâm nhập thị trường Đức và các quốc gia châu Âu khác trong năm nay, ông Sun nói. Một đối tác tại công ty PricewaterhouseCoopers cho biết, các thương vụ mua bán, sáp nhập liên quan doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài có khả năng tăng ít nhất 25% trong năm 2014.

Báo Pháp Les Echos nhận xét, tháng 2 sẽ là tháng Trung Quốc tại Pháp. Ngày 19/2 sẽ diễn ra thương vụ tập đoàn ô tô Dongfeng (Trung Quốc) đầu tư vào hãng xe hơi Peugeot nổi tiếng của Pháp.

Tập đoàn PSA Peugeot Citroen đã chấp thuận về nguyên tắc bán cổ phần cho nhà nước Pháp và Dongfeng theo tỷ lệ gia đình Peugeot, nhà nước Pháp và Dongfeng mỗi bên sẽ nắm giữ 14% cổ phần. Trong tuần này, tòa án sẽ cho ý kiến về việc mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào hai doanh nghiệp có tiếng khác của Pháp.

Nhiều vụ đầu tư trực tiếp khác từ Trung Quốc cũng đang trong quá trình đàm phán, chuẩn bị. Ngân hàng lớn thứ tư Trung Quốc là China Construction Bank sắp khai trương chi nhánh tại Paris, sau Bank of China, ICBC và Exim Bank.

Sau chuyến thăm của người sáng lập tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ (Huawei) Nhậm Chính Phi hồi tháng 11/2013, hãng này đã quyết định đầu tư vào Pháp. Paris cũng đang chờ đợi kết quả chuyến thăm của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trung Quốc hồi tháng 6/2013.

Hoạt động đầu tư trở nên nhộn nhịp sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 4/2013.

Ông Hollande tuyên bố Pháp đã sẵn sàng “dỡ bỏ mọi rào cản” đối với nhà đầu tư Trung Quốc, miễn sao họ góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển.

Thông điệp trên được chính phủ Pháp nhắc lại trong suốt cả năm 2013 và được các nhà đầu tư Trung Quốc hưởng ứng. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chỉ xếp thứ 8 trong danh sách các quốc gia đầu tư vào Pháp với 4% lượng vốn đầu tư, thua xa Mỹ (23%) và Đức (16%).

Theo Theo Echos, Want China Times
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.