Trung Quốc ngang nhiên giành giật lưới của ngư dân miền Trung

Thuyền trưởng Nguyễn Leo trở về với những tấm lưới rách toang.
Thuyền trưởng Nguyễn Leo trở về với những tấm lưới rách toang.
TP - Liên tục trong những ngày qua, tàu tuần tra Trung Quốc đã cắt lưới, ném đá, rượt đuổi, chặn đường mưu sinh của ngư dân Quảng Ngãi.

Ngư dân Nguyễn Leo, thuyền trưởng tàu cá QNg 95905 quê ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã thốt lên như vậy khi nói về chuyện lính Trung Quốc ngang nhiên giành giật lưới của ngư dân. Tàu của ông Leo cập cảng  Sa Kỳ vào nửa đêm ngày 2/6. Các ngư dân trên tàu đành bỏ dở phiên biển vì bị lính Trung Quốc quấy rối.

Thuyền trưởng Nguyễn Leo thuật lại, tàu mới ra khơi được 10 ngày, đánh lưới ở khu vực bãi Bình Sơn ở Hoàng Sa. Trong những ngày trước, ngư dân thường chứng kiến tàu tuần tra Trung Quốc màu trắng mang số 46002 lượn lờ gần tàu của bà con. Thời điểm đó, các ngư dân làm nghề lặn đã lên Icom và liên tục thông báo “đồng nghiệp chú ý, chúng ném đá như mưa”. Ông Leo và các ngư dân phập phồng vì tin dữ. Đến đêm 1/6, con tàu này tới và bắt đầu hành sự. Các ngư dân nhìn sang và la hét coi chừng bị lính Trung Quốc ném đá. Tàu Trung Quốc cập sát vào tàu ngư dân Việt Nam, hàng chục lính Trung Quốc lăm le đá san hô trên tay. Trong lúc đó ngư dân đang dàn hàng ngang trên be và không thể di chuyển vào ca bin vì đang kéo lưới.

Tàu tuần tra Trung Quốc chạy vòng quanh vào kéo lên 4 phao lưới. Lính trên tàu thò móc sắt dài để tranh thủ rút lưới của bà con. Theo các ngư dân, tổng cộng 40 tấm lưới bị Trung Quốc kéo qua tàu. Do ngư dân kéo lưới quá nhanh lên giàn lưới bị rối tung. Thuyền trưởng Nguyễn Leo quyết định cho tàu chạy vào đất liền, trong khi trên tàu chưa được 1 tấn cá chuồn.

Tại Cảng Sa Kỳ, tàu cá QNg 90503 của thuyền trưởng Nguyễn Hữu Quang ở thôn Phú Quý xã Bình Châu vừa đưa các ngư dân cập bến. Ông Quang cho biết, từ ngày 10/5 đến nay, tàu của Trung Quốc đổ ra mọi hướng và chặn tàu ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa. Tàu nào cũng chở đá ném tàu Việt Nam. Riêng tàu của ông Quang nếu thu gom thì cả tạ đá san hô.

Trung Quốc ngang nhiên giành giật lưới của ngư dân miền Trung ảnh 1 Tàu Trung Quốc 46002 đang đuổi theo tàu của ngư dân chiều 8/5.

Tại đảo Hoàng Sa, cứ 17 giờ 30, các ngư dân hành nghề lặn đêm bắt đầu cho tàu hướng mũi về hướng gần đảo Phú Lâm để vào phiên lặn. Trung Quốc bố trí 4 tàu ngăn tàu ngư dân Việt Nam. Trước tình hình trên, các tàu của bà con đều mở hết các máy Icom để sẵn sàng thông báo tọa độ ứng cứu, đặt thúng sẵn sàng trước boong tàu để ngư dân thoát hiểm.

Đồng hành cùng ngư dân thì mới thấy, tất cả các tàu cá hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa thì chỉ có nghề lặn đêm là vào cận đảo. Buổi chiều, ngư dân lên Icom hội ý về hướng đánh bắt. Nếu tàu chở theo ca nô thì tỏa đi hướng đảo Tây, đảo Cây, Bom Bay và Bạch Quy. Còn các tàu cho ngư dân xuống lặn trực tiếp thì vào đảo Xà Cừ và Phú Lâm. Tàu này vào cách Phú Lâm 1.000 mét thì tàu chạy sau chen ngang, vào cách 800 mét. Cứ như vậy, tàu cuối cùng vào cách đảo chưa tới 100 mét.

Từ vị trí này, các ngư dân phát hiện Trung Quốc tăng cường máy bay chiến đấu hạ cánh xuống sân bay liên tục, nhất là vào những ngày đầu tuần. Mỗi tuần, tàu Chang Le Gong Zhu HNSS tổ chức tour du lịch trái phép và đưa khách ra các đảo và hạ trại tại khu vực đảo Xà Cừ, Duy Mộng. Bên cạnh đó, một biểu hiện bất thường khác, đó là tại đảo Linh Côn, tọa độ 16 độ 40 độ vĩ bắc, 112 độ 44 phút kinh đông, Trung Quốc tắt tất cả đèn tín hiệu, chỉ để một đèn chớp đỏ và không cho tàu cá tiến vào ở phạm vi từ 7 hải lý. Trong khi trước đó một tháng, các ngư dân vẫn vào đảo này làm ăn bình thường.

Sáng ngày 3/6, tàu cá QNg 90648 do ngư dân Tiêu Việt Linh làm thuyền trưởng cập bến Sa Kỳ và báo cáo với Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ về việc đi hành nghề bị lính Trung Quốc ném đá. Tại hiện trường trên tàu, các ngư dân gom một bao đá nộp cho biên phòng, còn một ít mang ra cho anh em nhà báo chứng kiến. Cửa sổ kính ca bin tàu bị đá ném vỡ, thuyền trưởng bị đá ném trúng tay gây xây xát nhẹ. Ngư dân Trần Duy Nở kể lại, trong lúc bị tàu Trung Quốc đuổi theo, anh đã chui vào ca bin sử dụng điện thoại quay phim để mang chứng cứ về báo cáo cho các nhà chức trách. 

Theo lời kể của các ngư đân, đêm 27/4, tàu Trung Quốc mang số 46001 đuổi tàu ngư dân ném đá và tạo tình huống nguy hiểm như: xỉa mũi, áp sát tàu. Lúc đó ông Linh đã mở Icom trực tuyến và thông báo gấp gáp với các tàu đang làm ở Phú Lâm: “Anh em để máy, khi nào đồng đội kêu cứu hoặc không liên lạc được thì tới kiếm người liền”.

Ông Dương Diên, phụ trách Nghiệp đoàn nghề cá vạn chài Định Tân cho biết, một số tàu cá ở thôn bị Trung Quốc cắt phá lưới khi về địa phương đã báo cáo với biên phòng. Nghiệp đoàn sẽ thăm hỏi và báo cáo lên cấp trên. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết đã nhận được phản ảnh của bà con và đề nghị các cơ quan liên quan cần lên án hành vi của Trung Quốc để bảo vệ ngư dân. 

MỚI - NÓNG