Hôm qua, PLA Daily (Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) hôm qua đưa tin, máy bay của hải quân nước này hạ cánh xuống đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh đã cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo, để đón 3 công nhân xây dựng bị ốm nặng và đưa về đảo Hải Nam chữa trị. Máy bay hạ cánh khẩn cấp khi đang bay tuần tra ở khu vực. Hải quân Trung Quốc đã cử máy bay này đến sau khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ công trường xây dựng trên đá Chữ Thập. Ba công nhân cần được chữa trị bằng thiết bị y tế hiện đại.
Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập kể từ khi đường băng trên bãi đá này được hoàn thành vào tháng 1. Bắc Kinh cũng đã đưa máy bay dân sự hạ cánh thử nghiệm xuống đường băng này.
Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng, hoạt động của chiếc máy bay tuần tra Y-8 tới đá Chữ Thập chứng tỏ đường băng và nhà ga ở đó đã sẵn sàng để sử dụng cho mục đích quân sự, báo Global Times (thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc) dẫn lời ông Wang Yanan, thư ký tòa soạn tạp chí Trung Quốc Aerospace Knowledge, nhận định. Ông này cũng cho rằng, Trung Quốc giờ đây đã kiểm soát được vùng trời có phạm vi lên đến 1.000km của khu vực.
Bắc Kinh 3 lần vượt giới hạn đỏ
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Daniel Wei Boon Chua ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Kỹ thuật Nanyang (Singapore) vừa có bài viết liên quan vấn đề biển Đông đăng trên tạp chí National Interest. Ông cho rằng, chiến tranh dường như không phải một lựa chọn được cân nhắc trong chính sách ngoại giao, ít nhất đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nên bất kỳ hành động có thể dẫn đến chiến tranh đều trở nên không chấp nhận được. Nhưng không may là, một nền hòa bình dễ vỡ như vậy không chỉ đe dọa lợi ích của các nước đối tác nhỏ hơn của Mỹ mà còn làm xói mòn mức độ tín nhiệm dành cho Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nhà nghiên cứu Daniel viết.
Máy bay tuần tra Y-8 của Trung Quốc bay từ đá Chữ Thập vừa hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Ảnh: CCTV
Ông Daniel cho rằng, việc Mỹ nhấn mạnh quá nhiều vào việc tránh chiến tranh và xung đột khiến Trung Quốc mạnh dạn thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp, thiết lập một hiện trạng mới cho các tuyên bố chủ quyền của họ. Vì phản ứng của Mỹ đối với việc Trung Quốc gia tăng cải tạo, bồi đắp trên biển Đông chỉ giới hạn ở lời lẽ lên án và các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải, nên Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục các hoạt động trái phép của họ. Đến nay Washington chưa làm gì để làm chậm tốc độ Bắc Kinh cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự ra khu vực tranh chấp trên biển Đông. Ngày càng có nguy cơ Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Đông.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người luôn ủng hộ Washington phản ứng mạnh mẽ hơn trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trên biển Đông, vừa nói rằng, đã đến lúc Mỹ phải thể hiện sức mạnh, vì Trung Quốc đã vượt qua 3 giới hạn đỏ mà chính quyền của ông Obama đặt ra. Ông McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói rằng, 3 giới hạn đó gồm bồi đắp bãi đá để xây đảo nhân tạo, quân sự hóa và sử dụng biện pháp cưỡng bức.
Trên báo Anh Financial Times, ông McCain viết rằng, Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt một phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines trước tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc. Và có thể Trung Quốc sẽ “bảo vệ những gì đã đạt được và thực hiện một dạng cưỡng bức mới để mở rộng các bãi đá, các đảo trong những tháng tới”, ông McCain nhận định. Theo ông, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các thực thể chiến lược, bao gồm bãi cạn Scarborough, hoặc tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên khu vực tranh chấp. Mỹ phải chuẩn bị để có thể ngay lập tức thách thức bất kỳ bước đi nào như vậy, và thực hiện những chiến dịch tự do hàng hải mạnh mẽ để tăng quy mô, mức độ tàu Mỹ tiến sát những thực thể trên biển mà Trung Quốc đang kiểm soát, ông McCain viết.
Ngày 18/4, PLA Daily đưa tin, các hạm đội của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp gần đây tập trận với các phương pháp cải tiến sao cho giống điều kiện thực tế, nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu. Theo Reuters, đường băng trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa có khả năng tiếp nhận các máy bay vận tải, máy bay ném bom tầm xa cũng như máy bay chiến đấu tốt nhất của nước này.