Trung Quốc muốn Nhật thừa nhận có tranh chấp

Trung Quốc muốn Nhật thừa nhận có tranh chấp
TP - Giới phân tích quân sự cho rằng, hiện nay thực sự Trung Quốc không muốn dùng vũ lực để đánh chiếm đảo Điếu Ngư/Senkaku, mà muốn đạt được mục đích thông qua đàm phán.

> Trung Quốc: Tập trận ở Hoa Đông, điều tàu chiến tới biển tranh chấp

Điều họ muốn đạt được là bắt chính phủ Nhật thừa nhận có tranh chấp về chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc và ngồi vào bàn đàm phán với họ.

Ngày 19-10 vừa qua, Quỹ Nippon của Nhật đã tổ chức họp báo, thông báo việc họ quyết định huỷ bỏ kế hoạch tổ chức cuộc gặp gỡ giao lưu sĩ quan cấp Tá quân đội hai nước dự định tiến hành từ ngày 23-10 tới đây và bãi bỏ hoạt động giao lưu đã trở thành truyền thống kể từ năm 2001.

Đây là diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á này đang trở nên tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1972.

Trung Quốc hoãn, Nhật hủy

Ông Sasakawa, Chủ tịch Quỹ cho biết, hôm 15-10 đã nhận được thư của Hội Chiến lược quốc tế Trung Quốc, trong đó viết: do chính phủ Nhật Bản quốc hữu hoá các đảo Điếu Ngư/Senkaku nên quan hệ Trung-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hàng loạt hoạt động giao lưu hai bên.

Trong tình hình đó, Trung Quốc thấy có khó khăn trong việc cử đoàn quân đội sang thăm Nhật, nên đề nghị hoãn cuộc gặp gỡ giao lưu. Ngày 17-10, phía Nhật đã trả lời: Không phải là hoãn mà quyết định huỷ hỏ kế hoạch, đồng thời bãi bỏ hạng mục giao lưu này.

Ông Sasakawa cho rằng, cuộc gặp gỡ này là hoạt động dân sự, cần loại bỏ các yếu tố chính trị để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, việc phía Trung Quốc đề nghị hoãn đã đi ngược lại tôn chỉ ban đầu của loại hình hoạt động này.

Sau khi quân đội Mỹ - Nhật tiến hành diễn tập đánh chiếm đảo tại Guam, từ ngày 18-10, Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã phối hợp với lực lượng Hải giám, Ngư chính tổ chức cuộc diễn tập lớn mang tên “Đông Hải hiệp tác-2012” với chủ đề “quân dân liên hợp thực duy trì luật pháp trên biển”.

Hình thức và nội dung diễn tập là giả tưởng tàu thuyền dân sự Trung Quốc bị tàu thuyền nước ngoài xô đẩy gây hư hại trên biển Đông Hải (Hoa Đông), hải quân phái tàu chiến và máy bay trực thăng ra ứng cứu.

Cuộc tập trận này rõ ràng là nhằm gửi tới phía Nhật thông điệp: Nếu các tàu Hải giám hay Ngư chính của Trung Quốc tiếp tục bị ngăn cản ở vùng biển gần Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng hải quân…

Phía Nhật lập tức trả lời bằng việc thông báo đầu tháng 11 tới sẽ tổ chức tại Okinawa cuộc diễn tập bảo vệ đảo chung với Mỹ.

Đây là lần đầu tiên quân đội hai nước Mỹ-Nhật tiến hành chung một cuộc diễn tập với nội dung giành lại đảo đã bị nước ngoài đánh chiếm và cũng là lần đầu tiên quân đội hai nước diễn tập đánh chiếm đảo dùng thực binh, bắn đạn thật.

Những động thái này đã thực sự phủ bóng đen lên cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku giữa hai nước.

Trung Quốc muốn Nhật thừa nhận có tranh chấp ảnh 1

Ăn miếng, trả miếng

 Không phải là hoãn mà quyết định huỷ hỏ kế hoạch, đồng thời bãi bỏ hạng mục giao lưu này.” 

Nhìn lại vấn đề tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, người ta thấy, từ trước đến nay Nhật Bản không thừa nhận có vấn đề tranh cãi chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku, còn phía Trung Quốc ra sức gia tăng sự có mặt của họ ở vùng biển này.

Cách đây ít lâu, Trung Quốc đã đưa ra quốc tế tài liệu đòi hỏi chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku; phía Nhật thì liên tiếp cử các đoàn quan chức ngoại giao sang Anh, Pháp, Đức du thuyết, tuyên truyền về chủ quyền của họ.

Trước tình thế Trung Quốc đại lục và Đài Loan liên kết với nhau trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản đã khởi động lại cuộc đàm phán về nghề cá Nhật - Đài mà đã bị gián đoạn 3 năm trước.

Tóm lại, hai bên Nhật, Trung luôn ăn miếng trả miếng: anh có chủ trương thì tôi cũng có, anh có mặt ở Điếu Ngư/Senkaku thì tôi cũng đến, anh đưa tàu vào vùng biển bên trong 12 hải lý thì tôi cũng làm, anh húc tôi, tôi sẽ húc trả…

Về phía Nhật, dù Đảng Dân chủ Tự do hay Đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo đều có chung lập trường là “chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku không thể tranh cãi”, không thừa nhận có tranh chấp về chủ quyền đối với Trung Quốc.

Phía Trung Quốc hy vọng vào sự thay đổi lập trường của phía Nhật. Báo chí Trung Quốc cho rằng, việc Nhật ngồi vào bàn đàm phán hôm 11-10 vừa qua dù chưa đem lại kết quả nào tích cực nhưng đó được coi là tín hiệu tốt vì cả hai bên đều bày tỏ không muốn thấy quan hệ hai nước tan vỡ vì Điếu Ngư/Senkaku.

Với những động thái mới diễn ra gần đây, việc hai bên xuống thang để đạt tới một thoả thuận có thể chấp nhận được là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Thu Thuỷ
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG