Trung Quốc muốn cài đặt lại quan hệ với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ảnh: Xinhua
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ảnh: Xinhua
TP - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua kêu gọi Bắc Kinh và Washington khôi phục đối thoại để cài đặt lại quan hệ sau nhiều tháng thù địch, trong bối cảnh tổng thống đắc cử Joe Biden sắp tiếp quản chính quyền. 

Phát biểu của ông Vương Nghị tại đối thoại trực tuyến cùng Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung (USCBC) nêu ra nhiều gợi ý để cải thiện quan hệ song phương, bao gồm đẩy mạnh trao đổi ở các cấp và mở rộng lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác chống đại dịch COVID-19.

USCBC đại diện cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc và luôn muốn thúc đẩy thương mại song phương.

“Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là hai bên cần làm việc với nhau để loại bỏ tất cả rào cản nhằm đạt được sự chuyển đổi suôn sẻ trong quan hệ Trung - Mỹ. Trong khi đó, vì lợi ích của hai nước, chúng ta cần nỗ lực khởi động lại đối thoại, trở lại con đường đúng đắn và xây dựng lại lòng tin cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ ”, ông Vương Nghị nói. Bài phát biểu của ông Vương được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Chính quyền Biden sẽ dùng các cơ chế đa phương hiện có để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn, thông qua WHO, G20, Ngân hàng Thế giới…thay vì kiểu đàm phán của ông Trump”, ông O’Neill

Bắc Kinh và Washington đang mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến nhân quyền và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra sau khi Washington áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Dự kiến sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt mới được công bố trong tuần này. Bloomberg hôm qua đưa tin Mỹ đang chuẩn bị trừng phạt hàng chục quan chức Trung Quốc bằng cách đóng băng tài sản vì vai trò của họ trong việc tước bỏ tư cách của các nghị sĩ đối lập ở Hong Kong.

Quan hệ của Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ, nhất là Úc, cũng lao dốc, gần đây nhất là vì vụ một quan chức ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh đồ hoạ lính Úc kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan. Nhưng quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nói giọng ôn hoà hơn thường thấy của các quan chức ngoại giao nước này. Ông Vương Nghị nói rằng hai bên nên làm việc với nhau để “mở rộng đồng thuận” và hợp tác.

“Với những vấn đề không thể giải quyết ngay, chúng ta cần duy trì thái độ tích cực để quản lý tình hình nhằm tránh gây căng thẳng và leo thang cho quan hệ Trung - Mỹ”, ông Vương nói.

Ông Vương kêu gọi hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng ông cũng nhắc lại giới hạn của Bắc Kinh rằng Mỹ chớ “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc” - cách nói của Bắc Kinh khi bị Mỹ chỉ trích và trừng phạt vì những hành động ở Tân Cương hay Biển Đông.

Sức mạnh tập thể

Ông Biden dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, kế thừa một giai đoạn nhiều sóng gió trong quan hệ Mỹ - Trung sau khi Tổng thống Donald Trump tiến hành cuộc chiến thương mại và nhắm vào tham vọng toàn cầu của các tập đoàn Trung Quốc như Huawei.

Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Biden sẽ thực hiện lời hứa lúc tranh cử là tận dụng các tổ chức đa phương hiện nay để tạo nên sức mạnh tập thể khi đối phó với Bắc Kinh.

“Có một sự đồng thuận rất mạnh mẽ của cả hai đảng ở Mỹ về Trung Quốc. Bất kỳ điều gì mà tổng thống đắc cử Biden làm với Trung Quốc về chính trị cũng có thể bị đảng Cộng hoà cho là quá mềm yếu”, Heather Conley, phó chủ tịch phụ trách châu Âu, Âu - Á và Bắc cực tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, nói với Business Insider.

Ông Conley cho rằng nếu chính quyền Mỹ mới cũng cứng rắn với Trung Quốc như chính quyền Trump, cam kết của ông Biden về chủ nghĩa đa phương và các đồng minh truyền thống có thể trở thành công cụ hiệu quả hơn so với cách làm một mình của ông Trump và tương đồng với cách làm của châu Âu trong mâu thuẫn về thương mại với Trung Quốc. Châu Âu luôn nhấn mạnh cần đàm phán các căng thẳng thương mại thông qua những tổ chức như WTO và G20, nhằm tạo ra sức mạnh đàm phán tập thể của EU và Mỹ để đối phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

“Ấn tượng của tôi là thái độ của chính quyền mới với Trung Quốc cơ bản sẽ không thay đổi. Cái thay đổi chỉ là phương thức của sự cạnh tranh này”, Business Insider dẫn lời ông Ferdinando Nelli Ferrucci, một cựu uỷ viên Hội đồng châu Âu và là chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế của Ý.

Jim O’Neill, chủ tịch viện nghiên cứu Chatham House của Anh, nói với CNBC rằng Trung Quốc có thể cảm thấy e ngại với chính quyền Biden hơn chính quyền Trump, dù ông Trump thường xuyên có những phát biểu căng thẳng và thù địch với Bắc Kinh.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.