Trung Quốc mở thầu 33 lô dầu khí, Việt Nam sẽ xác minh

Philippines nói rằng, Trung Quốc đang xây đường băng trên bãi đá Gạc Ma. Nguồn: South China Morning Post
Philippines nói rằng, Trung Quốc đang xây đường băng trên bãi đá Gạc Ma. Nguồn: South China Morning Post
TP - Việt Nam “sẽ xác minh” xem trong 33 lô dầu khí mới mà Cty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc vừa mở thầu có lô nào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm qua.

Sau khi xác minh, Việt Nam sẽ “có phản ứng phù hợp”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/9.

Về vấn đề Trung Quốc đang xây dựng trái phép một số công trình trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. 

Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông và khu vực”.

Ông Lê Hải Bình thông báo, nhận lời mời của chính phủ Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội chợ ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 11 tại Nam Ninh (Quảng Tây) từ ngày 14 đến 16/11. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị và hội chợ lần này nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN - Trung Quốc. 

Đây cũng là sự khẳng định ủng hộ của chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác thị trường ngoài nước, trong đó có thị trường Trung Quốc.   

Trước câu hỏi liệu Việt Nam có trao đổi với lãnh đạo Campuchia về việc nhóm Khmer Krom ở Campuchia gần đây tuyên bố rằng, tháng 10 sẽ tổ chức biểu tình phản đối một số phát ngôn từ phía Việt Nam và đề nghị chính phủ Campuchia tạm dừng quan hệ với Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Lập trường của chính phủ Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị chính quyền Campuchia có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hoạt động sai trái, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước”.

Vatican ghi nhận tiến bộ trong chính sách tôn giáo Việt Nam'

Trả lời câu hỏi về kết quả phiên làm việc chung mới đây của đại diện Việt Nam và đoàn Vatican, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, cuộc họp vòng 5 Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 11/9, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Trưởng đoàn Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri - Trưởng đoàn Tòa thánh.

Phía Vatican đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm mà chính quyền các cấp của Việt Nam đã dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian qua để hoàn thành sứ mệnh của mình; ghi nhận những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi 2013. Đặc phái viên không thường trú Tòa thánh, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đã được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thực hiện các chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam. 

Phía Vatican khẳng định, Tòa thánh coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, thể hiện ở các chuyến thăm châu Á của Giáo hoàng tới châu lục này thời gian qua và trong tương lai. 

Tòa thánh khẳng định mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cùng Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam thông qua các lĩnh vực mà Giáo hội có thế mạnh như y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo. 

Phía Việt Nam khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân; ủng hộ Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước.

Phía Vatican cho biết, Giáo hoàng Francis luôn theo sát tình hình phát triển quan hệ Việt Nam - Tòa thánh và khuyến khích cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp vào công việc chung của đất nước. 

Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Tòa thánh đã có bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc ở các cấp, việc tổ chức các cuộc họp Nhóm Công tác Hỗn hợp cũng như hoạt động của Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG