Vệ tinh "Thần Châu - 9" trên bệ phóng. |
TPO giới thiệu bài viết góp phần bóc mẽ tham vọng của Trung Quốc.
Đây là một chiến lược toàn diện, thách thức các lợi ích ưu thế của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Đồng thời, bằng cách tăng sự phủ thuộc của các quốc gia ven Ấn Độ Dương đối với Trung Quốc, chiến lược này là thông điệp đối với Ấn Độ rằng, Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã giúp các nước trong vùng phát triển các trung tâm hàng hải chiến lược. Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều nước xây dựng các hạ tầng cơ sở mới, cải tạo các công trình cũ trên biển. Trung Quốc nỗ lực phát triển các hạ tầng cơ sở hàng hải khác nhau, xây dựng các cảng nước sâu, các căn cứ hải quân, phát triển các dự án thông tin liên lạc và gây dựng bộ máy thu thập thông tin tình báo. Bằng cách này, Trung Quốc tăng cường, mở rộng can dự vào nhiều nước láng giềng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.
Lợi ích của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong việc trở thành một cường quốc hàng hải. Trung Quốc còn quan tâm mở rộng ảnh hưởng trong các lĩnh vực như không gian mạng và không gian vũ trụ. Riêng trong lĩnh vực vũ trụ, Trung Quốc đã đầu tư mạnh và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành tựu mà họ tự ca tụng.
Trung Quốc đã hợp tác với nhiều quốc gia tại nhiều vùng trên thế giới trong lĩnh vực vũ trụ, coi đây là một công cụ đầy sức mạnh nhằm gây ảnh hưởng đối với các nước này. Dường như Trung Quốc cũng đang thực hiện một học thuyết “chuỗi ngọc trai” trong không gian vũ trụ.
Từ lâu Trung Quốc đã hỗ trợ các nước châu Phi và Mỹ Latinh trong lĩnh vực vũ trụ. Trung Quốc đầu tư các dự án lớn tại Brazil, Nigeria và Venezuela. Đầu tư của Trung Quốc có động cơ chính trị rõ ràng. Dường như chính công nghệ vệ tinh đã được Trung Quốc sử dụng như là một phương tiện để gây ảnh hưởng khiến các nước này thay đổi chính sách đối với Đài Loan. Sự hỗ trợ trong lĩnh vực vũ trụ đối với các nước này có thể coi là công cụ chính sách “Sức mạnh mềm” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự hợp tác với các nước châu Á, đặc biệt là các nước lân cận với Ấn Độ thì khác. Tại châu Á, Trung Quốc đang hỗ trợ lĩnh vực vũ trụ đối với nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Mông Cổ, Lào và Thái Lan.
Đặc biệt, trong vài năm qua, Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng của Ấn Độ. Tháng 8/2011, Trung Quốc phóng vệ tinh liên lạc cho Pakistan. Vệ tinh viễn thám tiếp theo của Pakistan dự kiến cũng sẽ được phóng vào năm 2014.
Tháng 12/2012, Trung Quốc công bố hệ thống định vị toàn cầu Beidou có phạm vi hoạt đông tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tới nay, Cơ quan vũ trụ của Pakistan đã thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về việc sử dụng hệ thống này. Dù thỏa thuận này chỉ đối với mục đích dân dụng, nhưng không loại trừ khả năng hệ thống này thuộc loại lưỡng dụng (dual uses – dùng với cả mục đích dân sự và quân sự).
Bên cạnh đó, Trung Quốc hướng tới thành lập một Tổ chức Hợp tác Vũ trụ châu Á- Thái Bình Dương (APSCO). Thông qua cơ chế hợp tác này, Trung Quốc có thể can dự vào các nước láng giềng của Ấn Độ theo kênh đa phương. Các quốc gia tham gia tổ chức này gồm các nước như Pakistan, Bangladesh, Mông Cổ, Thái Lan… Các cường quốc vũ trụ khác ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản sẽ không thuộc tổ chức này.
Rõ ràng Trung Quốc đang sử dụng con đường ngoại giao công nghệ vũ trụ như là một công cụ hợp tác song phương và đa phương đắc dụng. Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với các công ty tư nhân với bình phong mục đích kinh tế.
Trung Quốc tập trung nỗ lực vào một số nước cụ thể nhằm phát triển một “mạng lưới vũ trụ” và bằng cách này, tăng nhanh số vệ tinh trong không gian. Đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở trên mặt đất và các cơ sở đào tạo cũng như cung cấp các khoản vay cho thấy đây thực sự là mối quan tâm lâu dài của Trung Quốc. Bởi nhiều vệ tinh có tuổi đời khoảng 15 năm, nên đòi hỏi các nước đối tác sự hợp tác dài hạn với Trung Quốc.
Đỗ Tuấn
theo Pakistan Defence