Chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con” được thực thi trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đến năm 2015 đã được nới lỏng ở một số nơi, cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhưng quyết định này có vẻ không được chào đón.
Một bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con, kêu gọi các động thái chính thức từ chính quyền tạo hành lang luật pháp để người trẻ sớm kết hôn.
Bài xã luận cả trang có tựa đề “Sinh con là vấn đề của gia đình, cũng là vấn đề của quốc gia” cảnh báo rằng “ảnh hưởng từ tỷ lệ sinh con thấp đối với kinh tế xã hội bắt đầu bộc lộ”. Bài báo, thu hút nhiều triệu bình luận trên mạng, xuất hiện cùng thời điểm chính phủ công bố một con tem chính thức mới, có vẻ là một chỉ dấu cho thấy họ có thể bỏ nốt những hạn chế về số con một gia đình có thể có.
Con tem này, nhằm đánh dấu năm Hợi sắp đến, thể hiện một cặp vợ chồng lợn với ba chú lợn con. Một con tem tương tự đánh dấu năm 2016 (năm con khỉ) thể hiện hình ảnh một mẹ, hai khỉ con, được xem như dấu hiệu cho thấy đó là cái gật đầu với việc bỏ chính sách một con.
Rõ ràng, Trung Quốc đang dần từ bỏ chính sách một con gây tranh cãi bởi theo chính sách này, nhiều phụ nữ phải phá thai bắt buộc, chịu phạt nặng, thậm chí là kết án nếu có con thứ hai. Việc ít trẻ em trong thời gian dài đã gây ra các vấn đề dân số và tình trạng này ngày càng trầm trọng. Lực lượng lao động ở Trung Quốc ngày càng thu hẹp, trong khi nhiều người trẻ phải nuôi dưỡng cha mẹ và ông bà nội-ngoại, ở một quốc gia mà hệ thống an sinh xã hội dành cho người già vẫn rất thiếu thốn. Trong năm 2017, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc là 1,6 trẻ/phụ nữ, trong khi tỷ lệ cần thiết để giữ dân số Trung Quốc ổn định là 2,1 trẻ/phụ nữ.
Chỉ đơn giản xóa bỏ chính sách cũ là không hiệu quả, bởi tầng lớp trung lưu thành thị nay học theo các nước phương Tây, chỉ thích sinh ít con, cùng một phần bởi sức ép từ yếu tố kinh tế khi nuôi nhiều con trong môi trường đô thị.