Đại diện 50 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Úc và Hàn Quốc, tham gia lễ ký để góp vốn cho ngân hàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng ở châu Á. Bảy quốc gia khác sẽ ký vào cuối năm nay. Hầu hết các nước châu Á (trong đó có Việt Nam), Trung Đông và Mỹ Latin đều tham gia AIIB, và lễ ký kết được ca ngợi như một thắng lợi chiến lược và ngoại giao của Trung Quốc.
Nhật Bản và Mỹ là hai nước nổi bật nhất trong số các quốc gia đứng ngoài định chế tài chính mới này. Mỹ vẫn bày tỏ nghi ngờ về các tiêu chuẩn quản trị của AIIB, tổ chức được coi là sự lan tỏa quyền lực mềm của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Úc là nước đầu tiên ký các điều khoản thiết lập khuôn khổ pháp lý của AIIB, theo sau là 49 nước khác. AIIB sẽ bắt đầu với số vốn 50 tỷ USD, sau đó tăng lên 100 tỷ USD. Trung Quốc nắm giữ 30-34% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của AIIB. Do đó, Trung Quốc sẽ có 26,6% quyền bỏ phiếu trong định chế tài chính đa phương này. Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai, với 10-15% cổ phần, còn Đức và Nga đứng vị trí thứ ba và thứ tư. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ hôm qua bày tỏ tự tin AIIB có thể bắt đầu hoạt động trước cuối năm nay.