Trung Quốc khiến châu Á tăng tốc chạy đua vũ khí

Xe quân sự chở tên lửa đi qua Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thế chiến II kết thúc tại châu Á. Ảnh: Reuters
Xe quân sự chở tên lửa đi qua Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thế chiến II kết thúc tại châu Á. Ảnh: Reuters
Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, tăng gây hấn trong tranh chấp chủ quyền kéo các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt.

Bất chấp tình hình kinh tế có phần ảm đạm, 6 trong 10 nước nhập khẩu thiết bị quốc phòng nhiều nhất 5 năm qua đều nằm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Wall Street Journal dẫn báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất, Arab Saudi đứng thứ hai và xếp ngay sau đó là Trung Quốc.

Thông thường, chi tiêu quốc phòng của một nước sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức cao dù kinh tế khó khăn.

"Sự suy giảm nhẹ của nền kinh tế hầu như không ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng của các nước khu vực trong năm 2015", Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (IISS) kết luận trong một báo cáo mới đây.

Sản xuất kinh tế sụt giảm khiến tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á tăng lên mức 1,48%, cao nhất từ năm 2010, theo IISS. Trung Quốc là nước chi mạnh tay nhất với 41% tổng mức chi quân sự của toàn khu vực, bỏ xa các quốc gia khác. Ấn Độ đứng thứ hai với 13,5%, Nhật Bản xếp hàng ba với 11,5%.

Hàng loạt công ty vũ khí phương Tây tuần trước đổ về triển lãm hàng không Singapore để quảng bá sản phẩm với các khách hàng tiềm năng trong khu vực. Saab AB, công ty vũ khí Thụy Điển, mang đến triển lãm hai máy bay trinh sát biển mới, phát triển dựa trên nguyên mẫu chuyên cơ của Bombardier Inc. nhằm đáp ứng nhu cầu giám sát hàng hải của các nước trong khu vực.

"Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm đã tăng đột biến" ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương đối với mặt hàng này, Joakim Mevius, giám đốc mảng máy bay trinh sát của Saab AB, cho hay. Theo ông, khách hàng đầu tiên sẽ ký hợp đồng sau khoảng hai năm nữa.

Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s dự báo chi tiêu quân sự thường niên của châu Á - Thái Bình Dương sẽ chạm mốc 533 tỷ USD vào năm 2020, tăng khoảng 100 tỷ USD, từ mức 435 tỷ USD trong năm ngoái.

Một trong những nhân tố chính tạo nên xu hướng đẩy mạnh chi tiêu quân sự của các quốc gia trong khu vực là hoạt động bồi đắp biến các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh mới đây tiếp tục khiến khu vực và quốc tế lo ngại khi điều động tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

"Đối với các nước như Việt Nam hay Philippines, đây rõ ràng là hành động ngang nhiên 'tuyên bố chủ quyền'", Siemon Wezeman, chuyên gia phân tích cao cấp tại SIPRI, bình luận.

Tham vọng của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới các nước láng giềng mà còn lan tỏa đến bờ bên kia của Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc đang rót tiền đầu tư phát triển các phương tiện công nghệ cao nhằm kéo giãn khoảng cách với Trung Quốc và Nga.

Trong gói ngân sách quốc phòng 582,7 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, 6,7 tỷ USD dành cho việc nâng cấp năng lực phòng vệ trên không gian mạng với mục tiêu đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc sẽ chấm dứt đà tăng chi tiêu quốc phòng. Giới chuyên gia ước tính con số này đạt khoảng 225 tỷ USD vào năm 2020. Theo Craig Caffrey, giám đốc phân tích tại IHS Jane’s, từ năm 2010 đến 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 43%, lên mức 191 tỷ USD.

Chi tiêu quân sự tăng đều đặn trong quãng thời gian dài cũng góp phần biến Trung Quốc từ một đối tác nhập khẩu vũ khí chính dần trở thành "ông lớn" về xuất khẩu. Chiến lược cải thiện chất lượng vũ khí sản xuất nội địa của nước này đã có những thành công bước đầu. Bắc Kinh trước đây chỉ bán các trang thiết bị chất lượng thấp nhưng nay đã xuất khẩu được máy bay chiến đấu không người lái cho Iraq và Nigeria. Trung Quốc cũng hợp tác phát triển cả chiến đấu cơ JF-17 với Pakistan.

Theo báo cáo của SIPRI, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc chiếm tới 5,8% giá trị toàn cầu. Dù còn kém xa hai nước dẫn đầu là Mỹ (33%) và Nga (25%) nhưng Trung Quốc đã ngoạn mục vượt mặt Pháp, Đức và Anh.

Ông Wezeman nhận định Trung Quốc cũng sẽ sớm rời khỏi top 3 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu bởi khả năng tự chủ của nước này ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu đối với các trang thiết bị tối tân, điển hình như động cơ phản lực.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.