Trung Quốc giận dữ vì Mỹ bênh Nhật

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại nhà khách Akasaka ở Tokyo hôm 24/4. Ảnh: Xinhua
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại nhà khách Akasaka ở Tokyo hôm 24/4. Ảnh: Xinhua
TP - Trong cuộc họp báo chung sau buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Tuyên bố của ông Obama khiến Trung Quốc giận dữ.

Khi được hỏi liệu Mỹ có hành động quân sự nếu Trung Quốc xâm chiếm Senkaku/Điếu Ngư, ông Obama nói Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật đã có từ trước khi ông ra đời, đó không phải “lằn ranh đỏ” do ông tạo ra, nên “đơn giản chúng tôi sẽ tuân thủ hiệp ước”.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Về phương diện lịch sử, quần đảo này do Nhật Bản quản lý và chúng tôi cho rằng, không thể đơn phương thay đổi hiện trạng. Đó là một phần trong hiệp ước cam kết sẽ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát”.

Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật quy định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công. Ông Obama nói các tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết “thông qua đối thoại” một cách hòa bình và yêu cầu cả hai bên cùng kiềm chế.

Theo báo Nhật Bản Japan Times, Tổng thống Obama không chỉ cam kết bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà còn đạt đồng thuận với phía Nhật Bản về thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như vấn đề hiện diện quân sự Mỹ ở Okinawa.

“Quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ cần thiết cho nền tảng hòa bình và thịnh vượng của khu vực đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Abe nói.

Trung Quốc phản ứng

Tuyên bố chung Mỹ-Nhật nêu rõ, hai quốc gia đồng minh sẽ không dung thứ cho bất cứ mưu đồ nào toan thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, một ngụ ý rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc giận dữ phản ứng, cho rằng liên minh Mỹ-Nhật không thể xâm phạm chủ quyền “không thể tranh cãi” của mình đối với Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù Trung Quốc nằm trong lịch trình chuyến công du châu Á 8 ngày của ông Obama, song các vấn đề liên quan Trung Quốc vẫn là một trong những chủ đề trọng tâm nổi lên trong các cuộc hội đàm.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang theo dõi sát sao chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Trước đó, cố vấn của ông Obama nhấn mạnh rằng, chuyến công du và rộng hơn là chính sách châu Á của Mỹ không được thiết kế để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giới chức Mỹ nói Tổng thống Mỹ không yêu cầu các nước châu Á phải lựa chọn giữa Washington hay Bắc Kinh. “Chúng tôi muốn tiếp tục khích lệ Trung Quốc nổi lên hòa bình”, ông Obama nói.

Chiến lược tái cân bằng châu Á dựa trên ba trụ cột chính gồm: Các cam kết ngoại giao, tăng cường triển khai quân sự và xây dựng khối hợp nhất thương mại. Một số nhân vật được xem như các kiến trúc sư của chiến lược “xoay trục” như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell… đều đã rời nhiệm sở. Bên cạnh nhiệm vụ khẳng định các cam kết về ngoại giao và an ninh với các đồng minh, đối tác châu Á, ông Obama còn phải nỗ lực thúc đẩy Hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia đang bị chậm trễ so với kế hoạch.

Báo Trung Quốc People’s Daily ngày 24/4 dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố: “Chúng tôi cương quyết phản đối việc đưa quần đảo Điếu Ngư vào khuôn khổ Hiệp ước hợp tác an ninh song phương Mỹ-Nhật”. Ông Tần còn yêu cầu Mỹ “tôn trọng thực tế, giữ thái độ có trách nhiệm và tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”. Ông cho rằng, Mỹ cần thận trọng với những phát ngôn và hành động của mình để giữ vai trò xây dựng duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ông Obama đánh giá những nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên có thể gây mất ổn định và đẩy cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tình thế nguy hiểm. Ông cho biết không lạc quan Triều Tiên sẽ thay đổi trong tương lai gần và nói thêm rằng, vai trò của Trung Quốc trong xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên rất quan trọng.

Chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines của Tổng thống Mỹ nhằm tái khẳng định cam kết thúc đẩy chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương (do ông Obama khởi xướng) đang bị hoài nghi. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ có nguy cơ bị sa vào cuộc đối đầu với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.