Trung Quốc dự kiến mở cửa chợ biên giới vào ngày 10/2

Dự kiến, ngày 10/2 tới, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sẽ được thông quan
Dự kiến, ngày 10/2 tới, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sẽ được thông quan
TPO - Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, thông báo mới nhất từ phía Trung Quốc, dự kiến ngày 10/2 tới, phía bạn sẽ mở cửa các chợ biên giới, lúc đó các nông sản ở cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam… sẽ được thông quan thuận lợi hơn.

Chiều 6/2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Trưởng cho biết, sáng 6/2, phía Trung Quốc đã cho thông quan một số xe thanh long qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn trong chiều 5/2, hơn 60 xe nông sản đã được thông quan. 

 Tuy nhiên, ông Trưởng cho biết, đến chiều 6/2, phía bạn đã thông báo tạm dừng thông quan, vì chợ đầu mối bên Trung Quốc thiếu người bốc dỡ hàng.  Do dịch bệnh virus corona, nên cả phía Việt Nam và Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới nên lái xe chở trái cây Việt Nam sau khi chở hàng sang chợ ở Bằng Tường (Trung Quốc) khi quay lại cửa khẩu Hữu Nghị sẽ được theo dõi, cách ly 14 ngày. 

Ông Trưởng cho biết, Lạng Sơn đã chỉ đạo thành lập tổ lái xe phục vụ việc thông quan đang giai đoạn dịch. Theo đó, với lái xe đưa hàng qua Trung Quốc sẽ vẫn phải cách ly, còn tái xế nội địa, đưa hàng lên đến cửa khẩu sẽ không bị cách ly, hoạt động bình thường. Một phương án khác, mà Lạng Sơn cũng đề xuất là tài xế chở hàng sang Trung Quốc sẽ được trang bị bảo hộ từ quần áo, khẩu trang… giống như bác sĩ trong vùng dịch.

“Việc trang bị an toàn trên sẽ giúp lái xe sau khi chuyển hàng qua biên giới, trở về cửa khẩu sẽ không bị cách ly. Tuy nhiên, vấn đề trên đang xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc về phòng chống dịch do virus corona, nếu được đồng ý sẽ cho triển khai”, ông Trưởng nói.

Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, việc thông xe được ở Lạng Sơn sẽ kích thích tích cực hơn giá thanh long trên địa bàn tỉnh, từ khoảng 5.000 đồng/kg vài hôm trước sẽ tăng lên trong những ngày tới đây.

Theo ông Đức, tình hình  tiêu thụ thanh long trên địa đã được Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường theo sát, chỉ đạo các đơn vị, kêu gọi các DN giúp địa phương tiêu thụ nông sản trong bối cảnh thị trường khó khăn. 

Hiện một số doanh nghiệp có mối xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường biển đã thu mua giá 10-12.000 đồng/kg trở lên. Ngoài ra, một số siêu thị lớn như Big C, cũng thông báo sẽ giúp tiêu thụ thanh long giúp bà con.

Trung Quốc dự kiến mở cửa chợ biên giới vào ngày 10/2 ảnh 1 Nông dân Long An, Tiền Giang...đang hy vọng cửa khẩu biên giới với Trung Quốc sớm được thông quan, nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long

Cũng theo ông Đức, hiện Công ty Lavifoood, có nhà máy đứng chân trên địa bàn Long đang thu mua thanh long cho nông dân trong vùng liên kết 12.000 đồng/kg, sơ chế xuất khẩu. “Hy vọng, tới đây, các doanh nghiệp có nhà máy chế biến Lavifood và Nafoods, ngoài khu vực liên kết, sẽ thu mua thêm thanh long cho bà con trên địa bàn nhằm cải thiện giá thanh long trên địa bàn”, ông Đức nói.

Trước tinh hình nhiều nông sản tiêu thụ khó khăn, đặc biệt là thanh long, dưa hấu do ảnh hưởng từ dịch corona, hôm qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có điện đàm với Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn và Chủ tịch một số tỉnh trồng nhiều thanh long như Long An, Tiền Giang, Bình Thuận…để có giải pháp nhanh việc tháo gỡ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ngày Hiện một số nhà máy chế biến đã thu mua thanh long cho nông dân với giá phù hợp…

Theo ông Cường, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổng rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc cụ thể theo từng tháng từ nay cho đến cuối năm. Từ đó, có kịch bản, tùy tình hình từng giai đoạn để ứng phó.

Cùng đó, Bộ sẽ phối hợp, tổ chức tăng cường công tác thương mại ở trong nước, nếu không xuất khẩu được, phải tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, các DN chế biến lúc này phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu, tăng chế biến, giảm bớt xuất khẩu tươi, xuất thô, giảm bớt khối lượng.

Theo ông Cường, ngành hàng logistic cần kiểm tra lại tổng kho dự trữ đông lạnh, có thể đưa sản phẩm dự trữ để kéo dài thời gian, sau đó sẽ phối. Riêng vùng trồng nhiều dưa hấu, lúc này phải chuyển sang cây trồng khác,  nhóm sản phẩm dễ tiêu thụ như: đậu tương, ngô, lạc…thậm chí nhiều vùng chuyển sang trồng cỏ để phát triển đại gia súc. 

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại một số thị trường như Dubai, Mỹ, Nhật, Barazil… để đa dạng hóa thị trường.

MỚI - NÓNG