Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa qua tại Washingon, vấn đề biển Đông dù đang rất nóng nhưng có vẻ không được đẩy cao trong khi Mỹ muốn Trung Quốc nhất trí với họ về một dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Ông nghĩ sao trước ý kiến này?
Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Trong cuộc trao đổi giữa ông John Kerry và ông Vương Nghị, hai bên bàn về nhiều vấn đề, nhưng vẫn bất đồng về vấn đề biển Đông nên không đưa ra được quan điểm thống nhất. Hai bên đều bảo lưu quan điểm của mình nên cuối cùng chấp nhận gác lại vấn đề đó. Cuối cùng, họ thống nhất được một dự thảo nghị quyết để tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Trong chuyến đi lần này của ông Vương Nghị đến Washington có một điểm đáng chú ý. Đó là cuộc họp dự kiến giữa ông Vương Nghị với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bị hủy, không rõ vì sao. Theo dư luận, đó là phản ứng của Bộ Quốc phòng Mỹ trước việc Trung Quốc đưa tên lửa và máy bay ra Hoàng Sa, đi ngược lại những tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ trước đây. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cuộc họp bị hủy là do kẹt về thời gian. Hiện chưa rõ vì nguyên nhân nào. Tôi cho rằng, nhiều khả năng là do quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ là phản đối những hành động quân sự hóa ở biển Đông.
Ông có cho rằng những hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông có vẻ đang gây tác dụng ngược, vì Trung Quốc đang vin vào đó để đưa thêm vũ khí, khí tài ra Trường Sa và Hoàng Sa?
Cái cớ của Trung Quốc là như vậy. Thực tế, nếu nhìn vào chính sách, chiến lược của Trung Quốc thì thấy không phải vì Mỹ điều tàu tuần tra ra biển Đông mà Trung Quốc quân sự hóa. Quân sự hóa nằm trong kế hoạch, chiến lược dài hạn và tham vọng từ lâu của Bắc Kinh. Việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào khu vực tạo cớ cho Trung Quốc để đổ tội cho Mỹ. Chính những hoạt động cải tạo đảo, đá, xây dựng các cơ sở quân sự, mở rộng sức mạnh ra khu vực... của Trung Quốc mới là nguồn gốc sâu xa của vấn đề. Trung Quốc không chỉ dùng cách này ở biển Đông; họ đã làm tương tự với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Chúng ta thấy rõ việc Trung Quốc đưa các trang thiết bị quân sự ra Trường Sa và Hoàng Sa càng khiến Trung Quốc bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Dư luận ngày càng hiểu rõ hơn những hành động của họ. Thế giới toàn cầu hóa hiện nay là thế giới hòa bình, không ai muốn chiến tranh, việc Trung Quốc diễu võ giương oai như vậy sẽ không có lợi, chỉ gây phản tác dụng.
Cảm ơn ông.