Longbow 1 và 2 khi hoạt động thử nghiệm |
Trung Quốc đã bắt tay chế tạo các loại vũ khí lai, có thể di chuyển trong những môi trường khác nhau để qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Gần đây, các nhà nghiên cứu của Trường Cơ khí Hắc Long Giang giới thiệu hai mẫu thiết bị không người lái dưới nước, có thể vừa bơi vừa bay.
Hai thiết bị được đặt tên là Longbow 1 và Longbow 2 có thể mang khối lượng 1kg và lặn sâu 100m. Longbow 1 là thiết bị không người lái cánh cố định, còn Longbow 2 có cánh gập, Eurasia Times đưa tin.
Thử nghiệm trên hồ thuỷ điện Longfengshan, huyện Vũ Xương, tỉnh Vũ Hán trong tháng 10 vừa qua cho thấy hai loại thiết bị này di chuyển dưới nước trong 40 giây, sau đó nổi lên và bay hoàn toàn tự động.
Nhóm nghiên cứu khẳng định đã tìm ra nhiều giải pháp kỹ thuật để thiết bị không người lái có thể vượt qua những thách thức khi di chuyển dưới nước và trên không, như sử dụng vật liệu tổng hợp sợi carbon để thay thế kim loại và giảm trọng lượng.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng thiết kế mẫu cánh gập của Longbow 2 giúp cải thiện khả năng di chuyển xuyên môi trường nhưng lại ảnh hưởng đến sự ổn định của phương tiện khi bay, đòi hỏi phải thay đổi thiết kế.
Longbow chỉ là một trong nhiều phương tiện xuyên môi trường mà Trung Quốc phát triển gần đây.
Tháng 9 năm nay, báo chí đưa tin Trung Quốc đã phát triển thành công ngư lôi tên lửa siêu thanh chống hạm, một loại vũ khí xuyên môi trường có thể bay với tốc độ Mach 2.5 trong 200km, vượt quãng đường 20km dưới nước, sau đó trong 10km cuối cùng sẽ chuyển sang chế độ ngư lôi để tấn công mục tiêu với tốc độ 100m/s.
Nhóm thiết kế khẳng định không hệ thống phòng thủ nào có thể đối phó khi bị tấn công bằng phương tiện xuyên môi trường như vậy, vì vũ khí có thể thay đổi hướng đi hoặc lao xuống độ sâu 100m để vượt qua hệ thống phòng thủ của tàu.
GS Ji Wangfeng, công tác tại ĐH Hàng không hải quân Trung Quốc, được dẫn lời trong bài viết của Eurasia Times rằng các phương tiện xuyên môi trường là thiết bị rẻ nhất và hiệu quả nhất để vượt qua hệ thống phòng thủ của nhóm tác chiến tàu sân bay.
GS Ji và các đồng nghiệp nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ đa lớp có thể bắn hạ ít nhất một nửa số máy bay không người lái, máy bay và tên lửa lao tới, nhưng một phương tiện xuyên môi trường có thể vượt qua hệ thống phòng thủ đó bằng cách lặn xuống nước khi bị radar phát hiện và nổi lên khi bị hệ thống sonar phát hiện.
GS Ji nói thêm rằng chỉ một vài vũ khí như vậy có thể gây rối hoặc vượt qua hệ thống máy tính của chiến hạm. Ông và nhóm của mình cũng nhấn mạnh rằng vũ khí xuyên môi trường có thể được phóng từ tầm xa 100km và có tỷ lệ sống sót lên đến 100% nếu bay với tốc độ 150km/h.
Ngoài việc trở thành phương tiện mới để vượt qua hệ thống phòng không của kẻ thù, các phương tiện xuyên môi trường có thể vượt qua những hạn chế về kỹ thuật, hoạt động và chiến lược mà tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh gặp phải.