Trung Quốc cử máy bay J-20 tuần tra biển, Mỹ-Nhật sẽ giám sát chặt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu cử máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ, J-20, để tuần tra Biển Đông và Biển Hoa Đông. Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác sẽ giám sát chặt các chuyến bay tuần tra của Trung Quốc.

Các phiên bản đầu tiên của máy bay phản lực tàng hình J-20 sử dụng động cơ của Nga - nhưng sau đó chúng được thay thế bằng động cơ đôi sản xuất trong nước, CNN đưa tin ngày 15/4. Các máy bay phản lực với động cơ mới của Trung Quốc lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng là vào năm ngoái tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc (Airshow) ở tỉnh Quảng Đông.

Việc triển khai J-20 tại Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm “bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”, báo Trung Quốc Global Times (Hoàn cầu Thời báo) đưa tin hôm 13/4, dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này.

Ông Ren Yukun, người phát ngôn của nhà sản xuất máy bay J-20, nói rằng, dòng máy bay mới sử dụng động cơ Trung Quốc thực hiện các cuộc tuần tra trên biển trên cơ sở định kỳ và mang tính huấn luyện.

Trung Quốc cử máy bay J-20 tuần tra biển, Mỹ-Nhật sẽ giám sát chặt ảnh 1

Hai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bay biểu diễn trong Airshow Trung Quốc vào tháng 9/2021 ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quang Đông. Ảnh: China News Service.

Vài tuần trước, tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các máy bay F-35 của Mỹ và máy bay J-20 của Trung Quốc bay sát nhau trên Biển Hoa Đông. Biển Hoa Đông và Biển Đông đều là những khu vực tranh chấp từ lâu, với các yêu sách lãnh thổ chồng lấn của nhiều quốc gia.

Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông rộng lớn là lãnh thổ có họ. Trung Quốc đã và đang xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, ngang nhiên quân sự hóa chúng, biến chúng thành căn cứ quân sự. Trung Quốc còn tạo ra một lực lượng dân quân hàng hải có thể lên tới hàng trăm chiếc tàu, thuyền, CNN đưa tin.

Trong khi đó, ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát. Nhật Bản gọi nhóm đảo này là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Những năm gần đây, Mỹ nhắc lại cam kết sẽ bảo vệ các đảo của Nhật Bản trong trường hợp bị nước ngoài xâm lược.

Trung Quốc cử máy bay J-20 tuần tra biển, Mỹ-Nhật sẽ giám sát chặt ảnh 2

Các máy bay chiến đấu J-20 thuộc một lữ đoàn không quân Trung Quốc bay huấn luyện ngày 7/1/2022. Ảnh: Global Times.

Ý đồ của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng việc triển khai J-20 cho thấy hai điều. Thứ nhất, Trung Quốc thêm tự tin vào khả năng quân sự của mình. Thứ hai, Trung Quốc cảnh báo các nước khác có liên quan tranh chấp lãnh thổ.

Theo các báo cáo, với khoảng 200 chiếc J-20 trong biên chế, Không quân Trung Quốc “hiện có thường trực một đội máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến tốt như của Mỹ”, ông Peter Layton, một chuyên gia tại Viện Griffith châu Á ở Úc, nói. Theo ông, thông điệp của Trung Quốc với thế giới là: “Bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào xâm nhập vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều có thể bị các máy bay J-20 chặn lại”.

Mặc dù một động thái như vậy sẽ rất khó khăn về mặt chính trị, nhưng bán kính hoạt động rộng của J-20 có nghĩa là máy bay có thể tuần tra xa hơn trên biển hoặc ở lại lâu hơn tại các khu vực như Biển Hoa Đông, ông Layton nói.

Các đội hình nhỏ cũng có thể thỉnh thoảng tuần tra sâu vào Biển Đông, hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại một trong những căn cứ không quân trên đảo, sau đó quay trở lại đất liền. Không quân Trung Quốc thậm chí có thể thực hiện các sứ mệnh ngăn chặn bất kỳ nhóm tác chiến tàu sân bay nào của Mỹ đi vào Biển Đông.

Ông Layton nói, việc chuyển đổi từ động cơ Nga sang Trung Quốc cũng cho thấy sự độc lập ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất quân sự. “Không chỉ là Trung Quốc không cần sự giúp đỡ của Nga nữa, mà là các máy bay do Trung Quốc chế tạo hiện nay đã vượt trội so với Nga”, ông nhận định.

Ông Layton cho biết thực tế là các máy bay J-20 hiện có động cơ đôi đáng tin cậy hơn so với máy bay của Nga khiến cho các cuộc tuần tra trên biển trở thành “sự lựa chọn hợp lý hơn nhiều”.

J-20 từ lâu được coi là câu trả lời của Trung Quốc trước F-22 của Mỹ (máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới) và F-35. Một báo cáo năm 2017 của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho biết, các động cơ mới của Trung Quốc sẽ cung cấp cho J-20 khả năng siêu vượt âm thấp, có nghĩa là chúng có thể bay với tốc độ siêu thanh trong thời gian dài.

Trung Quốc cử máy bay J-20 tuần tra biển, Mỹ-Nhật sẽ giám sát chặt ảnh 3
Máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Mỹ, Nhật thu thập thông tin tình báo

Các quan chức Mỹ từ lâu đã nói rằng J-20 không thể xếp ngang hàng với máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, nhưng tướng Wilsbach cho biết hồi tháng trước rằng, các máy bay J-20 đã gây ấn tượng mạnh khi chạm trán F-35 của Mỹ trên Biển Hoa Đông. “Chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển liên quan đến J-20”, tướng Wilsbach cho biết tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell (Mỹ).

Ông Wilsbach nói rằng, Mỹ đã quan sát thấy “những chuyến bay tương đối chuyên nghiệp” của các phi công Trung Quốc, nhưng lưu ý Mỹ không chắc chắn về việc Trung Quốc sẽ sử dụng J-20 như thế nào, cho dù trong vai trò đa nhiệm vụ như F-35 hay trong vai trò chiếm ưu thế trên không như F-22.

Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác sẽ giám sát chặt các chuyến bay tuần tra của Trung Quốc. Các nước cũng sẽ “tích cực thu thập dữ liệu tình báo điện tử” về bất kỳ chiếc J-20 nào trong các chuyến tuần tra ven biển, với hy vọng thu thập thêm thông tin về đặc điểm tàng hình của máy bay, cũng như bất kỳ đường truyền liên kết dữ liệu và vô tuyến nào, ông Peter Layton nói.

Trung Quốc cử máy bay J-20 tuần tra biển, Mỹ-Nhật sẽ giám sát chặt ảnh 4

Máy bay tiêm kích thế hệ mới F-22 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Bình luận về thông tin Trung Quốc đã hoàn thành việc quân sự hoá các cấu trúc mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 7/4 nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Việc thúc đẩy quân sự hoá trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.