Trung Quốc có thể gặp khó với tân lãnh đạo EU

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh năm 2018 ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh năm 2018 ảnh: Getty Images
TP - Ứng viên mới được đề cử vào vị trí lãnh đạo Ủy ban châu Âu từng gióng chuông cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu Âu. 

Hôm 2/7, bà Ursula Von Der Leyen trở thành lựa chọn thay thế ông Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - sau khi Hội đồng châu Âu, cơ quan gồm lãnh đạo 28 nước thành viên EU, có 3 ngày tranh luận.

Nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Bộ trưởng quốc phòng Đức Von Der Leyen sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch EC. Bà là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ châu Âu - Đại Tây Dương và có quan điểm Đức cần chi tiêu ngân sách cho quốc phòng nhiều hơn. Bà mẹ 7 con này từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel kể từ 
năm 2005.

Được đề cử vào vị trí chủ tịch EC, bà Von Der Leyen đã có được sự ủng hộ quan trọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như sự ủng hộ của Hungary, Ba Lan, CH Séc và Slovakia. 
Thông tin này làm nảy sinh nghi ngại trong giới ngoại giao Trung Quốc về khả năng bà Von Der Leyen sẽ đảm nhiệm vị trí này. Nghi ngại đó xuất phát từ cuộc trả lời phỏng vấn của bà với báo Đức Die Zeit vào tháng 1 năm nay. 

Trong cuộc phỏng vấn, bà Von Der Leyen nói rằng Trung Quốc “gài bẫy khôn khéo” châu Âu, với ý là “chúng ta thường không mấy chú ý chuyện họ theo đuổi mục tiêu của họ một cách nhất quán và khéo léo như thế nào”. 

Quan hệ EU - Trung Quốc trở nên quan trọng trong những tính toán chiến lược những năm gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với căng thẳng gia tăng với Mỹ trong lĩnh vực thương mại và địa chính trị. 

Một số nhà phân tích cho rằng sự ra đi của ông Juncker sẽ không tác động nhiều đến tổng thể quan hệ EU - Trung Quốc, vì cơ chế hoạch định chính sách của EU đòi hỏi đồng thuận của 28 quốc gia thành viên. Nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên nói với báo Hong Kong South China Morning Post rằng tính cách cá nhân là vấn đề cần quan tâm, và phát biểu từ những chính trị gia chủ chốt của châu Âu có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của khối về Trung Quốc. 

Lý lịch của bà Von Der Leyen sẽ được Bắc Kinh nghiên cứu kỹ để đánh giá xem quan hệ thương mại gần gũi giữa 2 nền kinh tế hiện nay có thể tiếp tục phát triển hay không. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, còn EU là đối tác lớn nhất của Trung Quốc. 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Die Zeit, bà Von Der Leyen đã nói chi tiết về quan điểm của bà trong các vấn đề kinh tế, quân sự và chính trị của Trung Quốc. Bà so sánh ảnh hưởng của Trung Quốc với mối đe dọa từ Nga với châu Âu. “Đường hướng của chúng ta đề ra với Nga phải được áp dụng với Trung Quốc”, bà nói.

Bà cho rằng, châu Âu cần chú ý đến Trung Quốc nhiều hơn, vì tình trạng hiện nay là nhiều chính trị gia EU “bỏ qua” các mối đe dọa từ Trung Quốc. Bà cũng chê chuyện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tổ chức phiên hỏi đáp sau khi khẳng định Trung Quốc cam kết với tự do thương mại tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017. Bà cũng chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý các vấn đề liên quan đến người dân. 

Trên cương vị bộ trưởng quốc phòng, năm ngoái bà Von der Leyen đến thăm Bắc Kinh và có bài phát biểu tại ĐH Quốc phòng thuộc quân đội Trung Quốc. Không nhắc đến tranh chấp trên biển Đông, nhưng bà khẳng định quan điểm “các tuyến hàng hải cần phải được bảo đảm tự do và không trở thành đối tượng để thể hiện sức mạnh”.

Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Úc vào tháng 10/2018, khi trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Von Der Leyen nói rằng châu Âu và Đức có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng có vấn đề. Đó là vấn đề biển Đông hay trên không gian mạng. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.