Trung Quốc cố hiện thực hoá tham vọng viễn dương

0:00 / 0:00
0:00
Một tàu hải quân Trung Quốc tham gia đợt diễn tập xa bờ. Ảnh: QQ.com
Một tàu hải quân Trung Quốc tham gia đợt diễn tập xa bờ. Ảnh: QQ.com
TP - Một đơn vị thuộc hải quân Trung Quốc vừa hoàn thành đợt huấn luyện xa bờ kéo dài hàng tháng trên Thái Bình Dương. Chiến dịch này là một phần của nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng trọng tâm ra khỏi các vùng biển gần bờ.

Hôm qua, Chiến khu miền nam thuộc quân đội Trung Quốc cho biết, một hạm đội của họ vừa đi xa 12.400km trong tháng qua, đi qua biển Celebes (ngăn cách giữa Indonesia và Philippines) ra tây Thái Bình Dương.

Thông báo không nêu bao nhiêu tàu tham gia nhóm này, nhưng cho biết đợt tập trận bao gồm hơn 20 bài tập, trong đó có nội dung chống tên lửa và phòng không. “Tình hình quân sự phức tạp đặt ra thách thức lớn đối với ý chí, sự kiên trì của các binh lính và sĩ quan. Sử dụng vũ khí ở các vùng biển xa không chỉ giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của trang thiết bị trong điều kiện ra khơi liên tục, mà còn kiểm tra khả năng chỉ huy và phối hợp của binh lính và sĩ quan”, Chiến khu miền nam viết trong thông báo đăng lên mạng xã hội.

Trong những năm gần đây, hải quân Trung Quốc liên tục mở rộng phạm vi hoạt động. Năm ngoái, một hạm đội thuộc Chiến khu miền nam hoàn thành đợt diễn tập dài 41 ngày trên Thái Bình Dương, vượt qua gần 26.000km và thực hiện hàng loạt bài tập chiến đấu và cứu hộ.

Ông Song Zhongping, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc và hiện là một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, nói rằng biển Celebes là cửa ngõ của Tây Thái Bình Dương, một khu vực bao gồm lãnh thổ Guam của Mỹ. Để phát triển năng lực tác chiến xa bờ, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở nhiều vùng biển hơn chứ không chỉ giới hạn ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc. “Thực hiện nhiều cuộc tập trận viễn chinh giúp hải quân có thể vươn ra những vùng biển xa hơn”, ông Song nói với báo South China Morning Post. Chuyên gia này cho rằng kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc không chỉ là Mỹ. “Nếu họ đe dọa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, họ sẽ trở thành đối thủ của chúng ta”, ông Song nói.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của nước này. Tháng trước, Bắc Kinh đưa 3 trong số những tàu chiến hiện đại nhất có trong biên chế, trong đó có tàu tấn công đổ bộ kiểu 075, ra căn cứ hải quân ở phía nam đảo Hải Nam. Tham vọng của Trung Quốc đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực. Mỹ gia tăng các hoạt động khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ.

Cảnh báo đồng minh của Mỹ

Thời báo Hoàn cầu mới đây có bài viết nói rằng việc một hạm đội của hải quân Trung Quốc tuần trước đi qua eo biển Osumi, một eo biển hẹp ở phía nam đảo Kyushu của Nhật Bản, ra Thái Bình Dương tập trận cho thấy hải quân Trung Quốc ngày càng nâng cao năng lực hoạt động trên các vùng biển xa.

Các tàu chiến Trung Quốc đã đi qua ít nhất 3 eo biển khác nhau gần Nhật Bản trong năm nay để tập trận. Thời báo Hoàn cầu nói rằng điều này có thể được hiểu là tín hiệu cảnh báo Nhật Bản khi Tokyo “đang hành động thù địch với Trung Quốc bằng cách cường điệu những vấn đề như quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và Đài Loan (Trung Quốc) cũng như tham gia những cuộc tập trận với các nước phương Tây nhắm vào Trung Quốc”.

Tuần trước, lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản phát hiện một hạm đội tàu Trung Quốc với 3 tàu chiến, gồm tàu khu trục tên lửa kiểu 052D Taiyuan, một tàu khu trục tên lửa kiểu 054A Xiangtan và tàu tiếp tế kiểu 093A Chaohu, đi qua eo biển Osumi rồi tiến ra Thái Bình Dương.

Trước đó, tàu khu trục mang trực thăng Ise của Nhật Bản tham gia một đợt tập trận 3 ngày với tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trên vùng biển phía đông Okinawa. Nhật Bản cũng tập trận với hải quân Mỹ, Pháp và Úc trên biển Hoa Đông.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ công bố gần đây cho biết Trung Quốc có khoảng 360 tàu chiến tính đến cuối năm 2020, vượt qua con số 297 của Mỹ. Nhưng trong khi các tàu của hải quân Mỹ hoạt động trên toàn cầu, các tàu của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những vùng biển gần, như Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực đảo Đài Loan. Trong khi hải quân Mỹ tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động trên các vùng biển toàn cầu, hải quân Trung Quốc có ít hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế trên các vùng biển xa.

MỚI - NÓNG