Trung Quốc cấm cửa, phế liệu đổ về Đông Nam Á?

Trung Quốc cấm cửa, phế liệu đổ về Đông Nam Á?
TP - Các báo cáo mới đây cho thấy việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác sẽ dẫn đến việc hàng trăm triệu tấn rác thải nhựa “bơ vơ”, không biết “đi đâu về đâu”. Có tin nói đích đến kế tiếp của số rác phế liệu có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng này là Đông Nam Á.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc là nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới, là nước tái chế rác thải nhựa của toàn cầu. Nhưng kể từ cuối năm 2017, nước này ban hành lệnh cấm nhập đối với hầu hết các loại rác thải nhựa. Theo tạp chí Smithsonian (Mỹ), một nghiên cứu gần đây cho thấy, với lệnh cấm nhập khẩu rác vào Trung Quốc, rác thải nhựa toàn thế giới đang chất đống và ngày càng nhiều lên. Ước tính sẽ có tới 111 triệu tấn rác thải nhựa tồn dư vào năm 2030 và người ta không có cách xử lý nào khác ngoài chôn, bỏ xuống biển, thay vì đưa vào nhà máy xử lý như trước. Chỉ riêng nước Mỹ đã có 37 triệu tấn rác nhựa cần phải xử lý.

Có nhiều nguyên nhân khiến Trung Quốc từ bỏ nhập khẩu rác nhựa. “Xử lý rác thải nhựa từng mang lại lợi nhuận khá cho người Trung Quốc, bởi họ có thể sử dụng hoặc bán các sản phẩm nhựa tái chế”, nhà nghiên cứu Amy Brooks của đại học Georgia, Mỹ, nói. “Nhưng rất nhiều rác thải nhựa Trung Quốc nhận về trong những năm qua có chất lượng thấp và mang lại ít lợi nhuận. Thêm nữa, trong nội địa, Trung Quốc nay cũng sản sinh rất nhiều rác thải nhựa, vì thế họ không cần phải nhập khẩu nữa”.

Điều đáng ngại đối với các nước xuất khẩu rác sau lệnh cấm của Trung Quốc, là chưa có địa chỉ mới thay thế. “Chưa có nước nào đủ năng lực xử lý để thay thế Trung Quốc”, Jenna Jambeck, nhà nghiên cứu cũng đến từ đại học Georgia, nói với Washington Post. Một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có tái chế nhựa, nhưng không thể đủ cơ sở vật chất tiếp nhận những gì bị Trung Quốc từ chối.

Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc là nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới nhưng điều này đã thay đổi kể từ đầu năm 2018, khi Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập đối với 24 loại phế thải. Cho đến thời điểm này, hàng trăm triệu tấn rác thải từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang trong tình trạng chưa tìm thấy “bến đỗ” mới thay thế Trung Quốc, các chuyên gia nói với CNBC.

Để xử lý cuộc khủng hoảng rác, Liên minh Châu Âu nói đang nghiên cứu một khoản thuế đánh vào đồ nhựa, Anh tìm cách xuất khẩu rác sang Đông Nam Á, Mỹ cố thuyết phục Trung Quốc “nghĩ lại” về chuyện cấm nhập rác. Nhưng các chuyên gia nói tất cả đều không phải là giải pháp lâu dài.

Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu và Nhật là các nhà xuất khẩu rác lớn nhất vào Trung Quốc và với lệnh cấm từ Bắc Kinh, tất cả đều ngay lập tức rơi vào khủng hoảng. “Họ vẫn đang phải vật lộn để tìm lối thoát cho đống rác của mình”, Neil Wang, chủ tịch hãng tư vấn Frost &Sullivan, nói.

Trung Quốc bắt đầu nhập phế liệu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Một “đế chế” tái chế phế liệu đã được hình thành ở đây, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách, thiếu giám sát đã biến ngành xử lý phế liệu thành một cỗ máy gây ô nhiễm khổng lồ. Chỉ riêng trong năm 2015, Trung Quốc nhập 49,6 triệu tấn rác phế liệu, theo báo cáo của chính phủ. Liên minh Châu Âu xuất 85% đồ phế thải nhựa có chọn lọc sang Trung Quốc. Trong năm 2016, Mỹ xuất sang Trung Quốc hơn 16 triệu tấn phế thải, trị giá hơn 5,2 tỷ USD.

Nhưng Trung Quốc, nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách giảm ô nhiễm không khí, nước và đất. Chính phủ Trung Quốc dần cho đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy gây ô nhiễm.

Và mặc dù Mỹ đề nghị Trung Quốc xem lại lệnh cấm nhập phế liệu, Bắc Kinh nói sẽ “điều chỉnh danh sách cấm nhập” nhưng không có ý định rút lại lệnh cấm này, theo thông tin trên Hoàn cầu thời báo.

Khi Trung Quốc “đóng cửa”, đã có người nghĩ đến các bến đỗ mới cho phế liệu: Đông Nam Á. “Tuy nhiên, Đông Nam Á đã phải đối mặt với ô nhiễm không khí, nên nếu nhập phế liệu thì lại thêm nguồn ô nhiễm”, Lawrence Loh, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.

Theo một số chuyên gia được Reuters phỏng vấn, công việc tái chế phế liệu từ Trung Quốc có thể sẽ được chuyển qua các quốc gia Đông Nam Á. Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là các điểm đến của các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa trong mấy năm qua và sẽ không mấy khó hiểu nếu họ đứng ra tiếp nhận những gì bị chặn lại ở Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.