Trung Quốc: Các 'gia tộc tham nhũng' lộ mặt

Bốn "Hổ lớn" hàng đầu bị quật ngã (từ trái qua phải, trên xuống dưới) Vương Kiến Bình, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng
Bốn "Hổ lớn" hàng đầu bị quật ngã (từ trái qua phải, trên xuống dưới) Vương Kiến Bình, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng
TPO - Những ngày cuối cùng của năm 2016, nhịp độ “đả Hổ” – từ ngữ được sử dụng để chỉ việc trừng phạt các quan tham cấp cao – của Trung Quốc càng trở nên cấp tập.

Chỉ 2 ngày 29 và 30/12 đã có hàng chục quan tham cấp tỉnh, bộ bị đưa xét xử hoặc nhận án tù vì tội nhận hối lộ. Đó là: Tô Vinh, nguyên Bí thư 3 tỉnh ủy Cát Lâm, Thanh Hải, Giang Tây, Phó chủ tịch Ủy ban Chính Hiệp toàn quốc; Nhiệm Đại Khắc, Phó chủ tịch thường trực HĐND Tây Tạng: 13 năm tù; Từ Cương, Phó tỉnh trưởng Phúc Kiến: 13 năm tù; Tạ Tân Tùng, Phó thị trưởng Côn Minh nhận 10 năm tù; Trương Duy Đức Phó chủ tịch HĐND thành phố Thạch Gia Trang; Đặng Toàn Trung, Thị trưởng Tư Dương, Tứ Xuyên lĩnh án chung thân.

Ngoài ra, một loạt quan chức cấp cao khác cũng bị xử lý  kỷ luật đảng, chuyển giao cơ quan kiểm sát điều tra xử lý theo pháp luật như Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy; Củng Thanh Khái, Phó chủ nhiệm Văn phòng công tác Đài Loan của Quốc vụ viện, Lưu Chí Canh, Phó tỉnh trưởng Quảng Đông; Dương Kính Nông, Tổng thư ký ủy ban tỉnh An Huy…

Một năm 34 “Hổ lớn” nhận án tù giam

Trước đó, chỉ trong 10 ngày, đã có một loạt quan tham cấp cao lần lượt nhận án tù: ngày 20/12, nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng Sơn Tây Đỗ Thiện Học nhận án tù chung thân và Bí thư thành ủy Thái Nguyên nhận án 6 năm rưỡi; ngày 16/12, Phó chủ tịch Chính Hiệp Sơn Tây Lệnh Chính Sách nhận án 12 năm; ngày 15/12 Phó Bí thư Vân Nam Cừu Hòa bị nhận án 14 năm rưỡi, ngày 14/12 là Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch nhận án 12 năm rưỡi; ngày 13/12 là Tư Hâm Lương, Phó chủ tịch Chính Hiệp Chiết Giang nhận án 13 năm…

Theo thống kê, năm 2016 có 4 đợt xét xử lớn: đợt thứ nhất từ ngày 9 đến 19/10, có 6 ‘Hổ” bị kết án; đợt thứ hai từ 9 đến 18/11 với 7 người bị kết án; đợt ba từ 13 đến 20/12 kết án 6 người; đợt cuối trong 2 ngày 29 và 30/12 có thêm 4 người nữa nhận án.

Kể từ sau Đại hội 18, khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả Hổ, đập Ruồi”, số lượng các “Hổ tham nhũng” bị đưa ra xét xử và nhận án tù ngày một tăng: năm 2014: 4 người, năm 2015: 16 người, năm 2016 chưa kết thúc đã có 34 người xộ khám. Trong số 54 “Hổ” bị nhận án nói trên, có 10 người bị nhận án tù chung thân, riêng năm 2016 có 7 người trong đó có Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng; Triệu Lê Bình, nguyên Giám đốc Sở Công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp Nội Mông do phạm các tội cố ý giết người, nhận hối lộ, tàng trữ sử dụng súng đạn và vật liệu nổ trai phép bị kết án tử hình hoãn thi hành chuyển thành chung thân. Ngoài ra. Bạch Ân Bồi, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vân Nam nhận hối lộ số tiền kỷ lục tới 246 triệu Nhân dân tệ (812 tỷ VND) cũng bị kết án tử hình hoãn thi hành, sau 2 năm chuyển thành chung thân không được ra tù trước thời hạn.

Đáng chú ý là việc hàng loạt “đại Hổ” từng khuynh đảo chính trường lần lượt bị quật ngã. Đầu tiên là nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu bị chết bệnh trong nhà giam hôm 15/3/2015; 3 tháng sau, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị - Pháp luật Chu Vĩnh Khang bị đưa ra xét xử và nhận án chung thân.

Bước sang năm 2016, lúc đầu phong trào “đả Hổ” một dạo lắng xuống, khiến truyền thông nước ngoài đưa ra dự đoán “Trung Quốc đã thả Hổ về rừng”; tuy nhiên từ tháng 7 nhịp độ “đả Hổ” bùng lên quyết liệt trở lại với việc Lệnh Kế Hoạch - cựu Bí thư trung ương, Chánh văn phòng trung ương kiêm thư ký riêng của ông Hồ Cẩm Đào bị đưa ra xét xử, lĩnh án chung thân, rồi đến lượt Quách Bá Hùng – nguyên Phó chủ tịch Quân ủy cũng chịu cảnh ngộ sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời sau song sắt nhà tù.

Trung Quốc: Các 'gia tộc tham nhũng' lộ mặt ảnh 1

Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc Tô Vinh bị xét xử hôm 29/12.

Các “gia tộc tham nhũng” lộ mặt

“Cây đổ, cáo cầy tan tác”, việc các “đại Hổ” bị hạ gục khiến các “trảo nha” trong nhóm lợi ích hoặc người thân đang giữ các vị trí then chốt ở các địa phương hoặc bộ, ban ngành cũng lần lượt bị lôi ra, trừng trị. Như trường hợp Lệnh Kế Hoạch – “Đại quản gia Trung Nam Hải” sau khi vào tù, các thành viên gia tộc Lệnh gia cũng bị “đánh trốc rễ” trong cơn bão chống tham nhũng: đầu tiên là người anh trai Lệnh Chính Sách, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây bị nhận án 12 năm tù vì tội nhận hối lộ, em trai Lệnh Hoàn Thành chạy trốn sang Mỹ, vợ là Cốc Lệ Bình, em vợ Cốc Nguyên Húc,  anh rể, em dâu cũng lần lượt bị bắt để điều tra…

Cũng giống như gia tộc Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng cũng là điển hình của “gia tộc tham nhũng hủ bại”. Ngoài con trai là Thiếu tướng Quách Chính Cương, Phó chính ủy Quân khu tỉnh Chiết Giang đang bị điều tra, bà vợ là Hà Tú Liên, con gái Quách Vĩnh Hồng cũng đã bị bắt, con dâu Ngô Phương Phương cũng dính vào vụ bê bối lợi dụng buôn bán đất quốc phòng kiếm lợi và huy động vốn trái phép…

Cuối năm, đến lượt gia tộc Tô Vinh, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc bị đưa ra ánh sáng. Ngoài Tô Vinh đã bị xét xử vì tham nhũng 200 triệu tệ (đang chờ ngày tuyên án); bà vợ là Vu Lệ Phương, anh trai vợ Vu Bình An được Vinh đưa vào công tác trong ngành công an và thăng tiến rất nhanh cũng đều bị bắt, sau đó An tự sát. Con rể Vinh là Trình Đan Phong, Phó thị trưởng Trương Gia Giới, lợi dụng địa vị bố vợ để tham ô hơn 10 triệu NDT cũng đã bị khởi tố hồi tháng 9.

53 tướng quân đội mất lon, ngã ngựa sau Đại hội 18

Ngày 29/12, đại tá Dương Vũ Quân, Cục trưởng Tin tức, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức xác nhận tin đồn về việc Thượng tư\ơngs Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng liên hợp Quân ủy, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát vũ trang đang bị bắt giữ, điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng. Vương Kiến Bình trở thành quan chức quân đội có cấp hàm cao nhất đang tại ngũ bị quật ngã (ba Thượng tướng bị điều tra trước đó là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Điền Tu Tư đều đã nghỉ hưu).

Như thế là, kể từ sau Đại hội 18 đến nay đã có ít nhất 53 “Hổ quân đội” tính từ quân hàm Thiếu tướng, bậc phó quân đoàn trở lên thuộc Quân ủy, các Tổng bộ, 7 đại quân khu, các học viện nhà trường, các quân binh chủng và lực lượng cảnh sát vũ trang đã bị ngã ngựa. Trong năm 2016, việc “đả Hổ” trong quân đội được tiến hành đồng thời với việc cải cách biên chế tổ chức quân đội, nhưng quân đội không tập trung công bố theo từng đợt. Lần lượt có Chu Hồng Đạt, Cục trưởng Hậu cần Không quân, Điền Tu Tư nguyên Chính ủy Không quân. Vu Thiết Dân Tổng đội trưởng CSVT tỉnh Giang Tô. Trương Minh Tham mưu trưởng Quân khu Tế Nam. Chu Lâm Hòa Cục trưởng Vật tư quân nhu/Tổng bộ Hậu cần, rồi Ngưu Chí Trung Phó Tư lệnh CSVT…nối nhau ngã ngựa.

Hai năm trước, số tướng lĩnh bị ngã ngựa tập trung nhiều nhất ở ngành hậu cần quân đội từ cấp bộ đến các quân khu, quân chủng. Từ đầu năm 2016 đến lượt Cảnh sát vũ trang và Không quân trở thành “trọng điểm tham nhũng”, trong đó Bộ tư lệnh CSVT giao thông hầu như bị “xóa sổ”. sau đó lần lượt đến Phó Tư lệnh, Tư lệnh và các Tổng đội trưởng lần lượt “xảy ra chuyện”.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.