Trung Quốc: Biến sa mạc thành cánh đồng lúa

Trong tương lai, sa mạc ở Trung Đông có thể trở thành những cánh đồng lúa phì nhiêu.
Trong tương lai, sa mạc ở Trung Đông có thể trở thành những cánh đồng lúa phì nhiêu.
TPO - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc do ông Nguyên Long Bình, "cha đẻ của các giống lúa lai", đã thành công trong việc thử nghiệm trồng lúa bằng nước biển. Hiện giờ họ đã mang công nghệ này sang Trung Đông để thử nghiệm trồng lúa trên sa mạc.

Theo Tân Hoa, giống lúa này đã được trồng thử nghiệm bằng nước biển từ hồi tháng 1 tại Trung Quốc. Tuần trước, họ đã thu hoạch lúa với kết quả ngoài mong đợi của họ. Năng suất của giống lúa này đạt 7.500 kg/ ha so với với năng suất trung bình của thế giới là 3.000 kg/ha. Điều này đã khuyến khích các nhà khoa học mở rộng quy mô của dự án này.

Hiện nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã lên kế hoạch trồng thử nghiệm trên diện tích 100 ha vào cuối năm nay và đưa nó vào trồng đại trà vào năm tới và mở rộng quy mô sau năm 2020.

Mục đích của dự án này là trồng lúa bao phủ 10% diện tích của Các tiểu vương A rập và biến sa mạc cằn cỗi thành cánh đồng lúa phì nhiêu.

Tân Hoa xã cho biết, dự án Dubai là kết quả của hợp tác giữa trung tâm nghiên cứu giống lúa chịu được nước biển của Trung Quốc có trụ sở tại  cảng Thanh Đảo với Cơ quan nghiên cứu tư nhân Sheikh Saeed Bin Ahmed Al Maktoum do một thành viên của gia đình tỷ phú Dubai điều hành.

Hai bên đã ký một thỏa thuận để thúc đẩy việc trồng lúa bằng nước biển khắp thế giới A rập nhằm giảm nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai.

Trung Quốc: Biến sa mạc thành cánh đồng lúa ảnh 1 Nhà khoa học Nguyên Long Bình (giữa), cha đẻ của các giống lúa lai, thăm cánh đồng lúa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Trong khi các nhà khoa học ở một số quốc gia khác đang lo lắng về sự thiếu hụt nghiêm trọng của nước ngọt như Israel hay Australia và đang loay hoay trong  công nghệ biến nước biển thành nước ngọt để trồng trọt, Trung Quốc đã phát triển giống lúa chịu được nước biển hơn 40 năm qua.

Ông Nguyên cho biết hồi năm ngoái, Trung Quốc có hơn 1 triệu km diện tích đất hoang, tương đương diện tích của Ethiopia, nơi cây cối rất khó trồng do đất có hàm lượng muối và kali cao. Nếu 1/10 diện tích này được trồng bằng giống lúa nước mặn, nó có thể làm tăng sản lượng gạo của Trung Quốc lên 20%, cung cấp 50 triệu tấn lương thực, đủ ăn cho 200 triệu người. 

Dự án trồng lúa nước mặn đã được bắt đầu từ những năm 1970 khi nhà nghiên cứu Trần Nhật Thăng khám phá ra các giống lúa dại mọc ở gần rừng đước ở tỉnh Quảng Đông. Sau bốn thập kỷ lai tạo, sàng lọc gien, các nhà khoa học đã phát triển được 8 giống lúa khác nhau nhưng năng suất của chúng vẫn thấp để có thể trồng đại trà.

Tuy nhiên năm ngoái, một nhóm khoa học Trung Quốc đã tạo đột phá bằng việc phát minh  giống lúa có năng suất cao gấp đôi hiện nay, đạt hơn 4.5 tấn/ha. Giống lúa chịu được nước biển đầu tiên đã được trồng từ mùa thu năm ngoái gần bờ biển Thanh Đảo và được cung cấp cho các siêu thị.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG