Trung Quốc đã bố trí khoảng 5.000 binh sĩ và xe bọc thép gần biên giới tranh chấp ở khu vực Ladakh, một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên nói với Bloomberg. Ấn Độ đang bổ sung một số lượng quân tương tự và các loại súng pháo dọc biên giới để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc, quan chức này cho biết.
Cuộc đối đầu giữa đôi bên bắt đầu từ ngày 5/5, khi binh lính đôi bên đụng độ bên bờ Pangong Tso - một hồ băng ở độ cao gần 5.000m trên cao nguyên Tây Tạng - khiến nhiều binh sĩ của cả hai bên bị thương. Kể từ đó, đôi bên đã bố trí lực lượng thường trực tại khu vực trong bối cảnh tiếp tục đối đầu.
Các nhà ngoại giao ở New Delhi và Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc đàm phán sau khi các cuộc đàm phán giữa các quan chức quân sự Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 22 và 23/5 không mang lại kết quả nào, vị quan chức Ấn Độ nói. Theo một số quan chức, việc Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc xâm nhập tại hai địa điểm khác nhau dọc theo biên giới chưa phân định kéo dài 3.488 km là diễn tiến mới so với những nỗ lực trước đó nhằm giành giật lãnh thổ sau khi hai quốc gia có chiến tranh vào năm 1962.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên Twitter hôm 27/5 rằng ông đã đề nghị hòa giải. Không có phản hồi ngay lập tức từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Bắc Kinh cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp ngắn thường kỳ với giới truyền thông hôm 27/5, lưu ý hai nước có cơ chế và kênh liên lạc tốt liên quan đến biên giới.
“Chúng tôi vẫn tuân theo các điểm đồng thuận của hai nhà lãnh đạo và tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận giữa hai nước”, ông Triệu nói. “Chúng tôi có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan này một cách chính xác thông qua đối thoại và tham vấn”.
Thủ tướng Narendra Modi hôm thứ Ba đã thảo luận về tình hình với cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval và Tổng tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat và chỉ huy ác các lực lượng vũ trang. Cuộc họp xoay quanh các lựa chọn có sẵn cho Ấn Độ, và họ đã quyết định theo đuổi con đường ngoại giao trong khi duy trì lực lượng quân sự mạnh ở biên giới.
Hành động của Trung Quốc dọc biên giới trùng khớp với nỗ lực củng cố các vị trí chính trị và chiến lược trên khắp châu Á của Bắc Kinh. Quyết định đưa ra luật mới ở Hong Kong đang đe dọa làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Mỹ. Trung Quốc cũng gia tăng căng thẳng ở biển Đông bằng cách quấy rối và dọa nạt Việt Nam, Philippines và Malaysia khi họ tìm cách khai thác dầu, khí đốt và nguồn cá đánh bắt ngoài khơi, trong khi Bắc Kinh cũng tiến hành một chiến dịch ngăn chặn Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Mỹ, Châu Âu và Úc vì đã xử lý đại dịch coronavirus. Đến lượt mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Các căng thẳng hiện tại với Ấn Độ có thể đã được kích hoạt bởi việc hoàn thành một con đường và cây cầu trong khu vực Galwan ở Ladakh, quan chức Ấn Độ cho biết. Dưới thời thủ tướng Modi, Ấn Độ đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới, theo họ, không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, mà là phát triển các vùng sâu vùng xa. Ấn Độ đã hoàn thành 74 con đường chiến lược dọc biên giới phía đông, với kế hoạch sẽ hoàn thành thêm 20 vào năm tới.
Mặc dù các cuộc xâm nhập biên giới của Trung Quốc đã gia tăng vào năm ngoái khi Ấn Độ thay đổi tình trạng của tỉnh Ladakh vào tháng 8 /2019 đưa khu vực này đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ liên bang, nhưng lần đối đầu này này nghiêm trọng hơn cuộc xung đột Doklam năm 2017, các quan chức nói.
Phunchok Stobdan, nhà ngoại giao Ấn Độ kỳ cựu nói: “Người Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện ở khu vực này trong một thời gian dài và sau nhiều thập kỷ, Ấn Độ chưa tìm ra cách đối phó với sự bành trướng từ từ của Trung Quốc. Vấn đề là tại sao Trung Quốc làm việc này và tại sao lại là thời điểm này”?