Trung – Mỹ và ‘chiến tranh ngôn từ’ ở Biển Đông

Ảnh: Sputnik
Ảnh: Sputnik
TPO - Những tuyên bố mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về tình hình trên Biển Đông khiến cho cộng đồng quốc tế cảm nhận nguy cơ về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế có đúng như vậy không?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump kích hoạt

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng hôm 11/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đã lấn lướt Mỹ ở Biển Đông khi xây "pháo đài lớn" tại đây.

Ông Trump khẳng định: "Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các nước sẽ tôn trọng chúng ta hơn rất nhiều so với thời các chính quyền trước của Mỹ".

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết cho biết Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" mà nước này tự vẽ ra nhằm yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông.

Theo các chuyên gia phân tích, tuyên bố của ông chủ mới của Nhà Trắng được xem là thông điệp mà chính quyền mới của nước Mỹ muốn gửi tới Bắc Kinh, như một cam kết về việc tiếp tục thực thi chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đầu tháng 2, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, hoạt động xây dựng đảo phải chấm dứt, thứ hai, các ông sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo này", theo Sputnik.

Tiếp đó, trong chuyến thăm đang diễn ra tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, không nên bi kịch hóa hành động của Mỹ ở Biển Đông, tuy nhiên “Washington sẽ sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Bắc Kinh”.

Với những tuyên bố mạnh mẽ của những người đứng đầu chính quyền mới nước Mỹ, có thể thấy rằng, khả năng về một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nằm trong chương trình nghị sự của giới chức Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng này không thể xảy ra trong tương lai gần, và cũng khó xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Tướng và là nhà ngoại giao kỳ cựu Philippines Delfin Lorenzana, người đã giữ chức tùy viên quân sự của Philippines tại Mỹ trong thời gian 10 năm, nhận định nguy cơ này bị phóng đại quá mức.

Theo ông Lorenzana, ông Trump là một doanh nhân, và ông biết rõ rằng nếu xảy ra chiến tranh thì hoạt động kinh doanh của Mỹ sẽ bị thiệt hại.

Nhà chiến lược "cánh tay phải" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, cũng dự đoán rằng, thời điểm xảy ra xung đột trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra vòng từ 5 đến 10 năm tới.

Ông Bannon, người đang đảm nhiệm vai trò chiến lược gia cấp cao tại Nhà Trắng, cũng thẳng thắng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng hai mối đe lọa lớn nhất với nước Mỹ ở thời điểm hiện tại là Trung Quốc và đạo Hồi.

Trung Quốc cảnh báo “không có bên thắng cuộc”

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua 7/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo, sẽ không có bên nào chiến thắng nếu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.

Trong một hội nghị hợp tác an ninh Úc-Mỹ-Nhật Bản, diễn ra tại thủ đô Canberra ngày 31/1, cựu Giám đốc Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) Angus Houston nhấn mạnh, điều quan trọng bây giờ là phải đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi qua an toàn tại Biển Đông.

Tuyên bố trên của đại diện Bắc Kinh có thể xem là động thái nhằm giảm nhẹ nguy cơ xảy ra xung đột với Washington sau những căng thẳng gần đây giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

“Đối với bất kỳ chính trị gia nào, họ rõ ràng đều hiểu rằng không nên có xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Vương Nghị phát biểu trước báo giới thông qua phiên dịch viên vào tối ngày 7/2 trong chuyến thăm Canberra, Australia.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. Những năm gần đây, Bắc Kinh bồi đắp, cải tạo 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo.

Chương trình xây đạo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đã khiến các quốc gia láng giềng, vốn cũng có các tuyên chủ quyền ở Biển Đông, nổi giận và gây tâm lý lo ngại khắp toàn cầu.

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Washington luôn khẳng định lập trường trung lập về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ một mặt kêu gọi giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời cũng ủng hộ tự do đi lại bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải qua các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền.

Tờ Đông Phương Nhật báo - một tờ báo trung lập ở Hồng Kông, mới đây đăng tải bình luận cho thấy tình hình ở Biển Đông chắc chắn sẽ căng thẳng hơn khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

Tờ báo dẫn phân tích của các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, cảnh báo bão tố đang hình thành ở Biển Đông. Tuy các chuyên gia cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào thế đối đầu nguy hiểm, nhưng khả năng dẫn đến xung đột là khó có thể xảy ra.

Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng nước này hiện chưa cần thiết phải có bất cứ động thái quân sự đáng chú ý nào trên Biển Đông để đối chọi với cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc.

Trả lời họp báo tại Tokyo hôm 4/2, ông Mattis nêu rõ: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không thấy sự cần thiết phải có động thái quân sự đáng chú ý nào."

Ông nhấn mạnh cần phải tập trung vào ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG