Thưa ông, đâu là nguyên nhân đợt mưa lịch sử đang diễn ra ở Trung bộ?
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió đông, nên từ ngày 8-10/12, khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 1h ngày 8/12 đến 13h ngày 10/12 đo được từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế là 100-200mm; từ Quảng Ngãi đến Bình Định từ 250-300mm; Khánh Hòa và Phú Yên từ 50-80mm. Mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng với tổng lượng mưa phổ biến từ 350-402mm.
Một số nơi có lượng mưa lớn hơn so với các điểm khác trong khu vực như Vinh 394mm; Đông Hà (Quảng Trị) 599mm, Quảng Trị 544mm; Phong Điền 569mm, Bạch Mã 515mm (Thừa Thiên Huế); Đà Nẵng 853mm, Cẩm Lệ 814mm, Bà Nà 809mm (Đà Nẵng); Thăng Bình 930mm, Bình Phú 819mm, Câu Lâu 808mm (Quảng Nam); Thanh An 510mm, Ba Tơ 501mm, (Quảng Ngãi); An Hòa 634mm, Hoài Nhơn 475mm (Bình Định).
Riêng khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định, một số nơi có lượng mưa đặc biệt lớn, trên 800mm do ảnh hưởng kết hợp của 3 nhân tố gây mưa gồm gió đông bắc tầng thấp sau khi tĩnh lại lâu ở Bắc bộ trong ngày 7/12 đã tràn rất nhanh xuống miền Trung, hai là địa hình chắn gió của khu vực Trung bộ với dãy Trường Sơn ở phía Tây và thứ ba là gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.
Theo số liệu quan trắc đến thời điểm này, đợt mưa ở miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa. Một số nơi còn vượt kỷ lục của mùa mưa chính vụ. Đặc biệt đợt mưa này xảy ra sau 23 tháng 10 âm lịch, thời điểm mà theo kinh nghiệm dân gian sẽ không còn mưa. Có thể nói, đây là đợt mưa chưa từng xảy ra trong quá khứ, nguyên nhân thì cần phải có những nghiên cứu để làm rõ thêm. Nhưng bước đầu có thể thấy rằng đây là những biểu hiện rõ ràng của biến đổi khí hậu. Tức là các qui luật về mưa không còn như trước nữa.
Mưa rất to sẽ tái diễn
Đà Nẵng nhỏ, bờ biển dài, sông cũng nhiều, vì sao lại có thể ngập nhanh và sâu như vậy?
Đà Nẵng bị ngập cục bộ do đã phải chịu một lượng mưa rất lớn trong một thời gian ngắn, cụ thể từ 03 giờ đến 06h ngày 09/12 tại trạm Đà Nẵng đã đo được lượng mưa là 287mm, tại trạm Cẩm Lệ là 238mm. Sau thời gian có mưa cực đại nêu trên, mưa lớn với lượng mưa 30-50mm/giờ còn liên tục xảy ra trong 24 giờ đồng hồ. Cường suất mưa rất lớn và kéo dài một ngày đã gây ra ngập úng cục bộ cho thành phố Đà Nẵng và đã rút nhanh sau khi mưa ngớt.
Trận mưa lũ lịch sử này có gì bất thường so với quy luật hàng năm?
Tháng 12 vẫn là thời gian cuối của mùa mưa ở Trung bộ do đặc điểm về địa hình chắn gió đối với gió mùa đông bắc. Khi có gió mùa đông bắc, miền Trung sẽ xảy ra mưa lớn kéo dài, đặc biệt khi kết hợp với các nhân tố gây mưa khác như xoáy thuận nhiệt đới, hoạt động của đới gió đông trên cao… thì tại đây sẽ có mưa to đến rất to.
Dự báo tình hình mưa trong những ngày tới, thưa ông?
Từ hôm nay (11/12), mưa to đến rất to sẽ giảm nhanh ở khu vực ven biển Trung bộ do gió đông bắc suy yếu. Tuy nhiên, từ chiều tối và đêm 11/12, một đợt không khí lạnh mới với cường độ mạnh sẽ tăng cường xuống nước ta. Từ khoảng ngày thứ Tư, 12/12, các tỉnh ven biển Trung bộ sẽ có mưa to trở lại. Khu vực trọng tâm mưa trong những ngày giữa tuần sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và đến cuối tuần có thể ảnh hưởng xuống cả khu vực Khánh Hòa.
Từ 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển trung và Nam Trung bộ và nhiều khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12/2018. Cần đề phòng trong những ngày tới, trên các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 1-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.