Lãnh đạo Chính phủ và các ngành tham dự cuộc đối thoại có các đồng chí:

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ
TPO - Chương trình đối thoại giữa Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành với đại biểu sinh viên dự Đại hội toàn quốc Hội SVVN lần thứ VIII diễn ra vào 20h tối 15/2, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. 
Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 1
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ Ngành tham gia buổi đối thoại với sinh viên tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Ảnh : Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, trước đó một tiếng, rất đông những… chiếc bóng áo xanh đã xuất hiện ở hội trường Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Họ đến sớm để giao lưu, chào hỏi, chụp ảnh lưu niệm và cùng trao đổi những vấn đề dự định đặt ra với các vị lãnh đạo Nhà nước.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 2
Các đại biểu sinh viên tham gia buổi đối thoại với Chính phủ. Ảnh : Phan Kiền

19 giờ 20 : Một không khí rất sôi động thường thấy ở các bạn sinh viên khi chương trình ca nhạc “cây nhà lá vườn” bắt đầu. Sau màn độc diễn ghi ta của các bạn sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cả hội trường rộn tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng hò reo của các ban sinh viên trong hội trường, khi những giai điệu của ca khúc “Giấc mơ Chapi” vang lên.

Các bạn sinh viên cùng vỗ tay và hát vang bài “Thời thanh niên sôi nổi”, không khí hội trường hết sức sôi động và nhiệt tình theo đúng tinh thần của tuổi trẻ.

19 giờ 55 : Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn lãnh đạo các Bộ, ngành tiến vào hội trường. Tất cả các đại biểu sinh viên trong hội trường đã nồng nhiệt đứng dậy vỗ tay chào đón các vị lãnh đạo.

Đúng 20 giờ, chương trình bắt đầu và được tường thuật trực tiếp trên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam.

Mở đầu là video clip điểm lại một số hoạt động của Đại hội Đại biểu lần thứ VIII của Hội Sinh viên Việt Nam.

20 giờ 5 phút : MC Lê Anh bước ra sân khấu, tuyên bố lý do, giới thiệu buổi giao lưu và khách mời tham gia đối thoại.

20 giờ 10 phút,  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu:

Chúng tôi rất quan tâm và theo dõi đến Đại hội của các bạn. Chúng tôi hết sức vui mừng vì hôm nay được trao đổi với các bạn những vấn đề quan tâm.

Chúng tôi cũng từng là sinh viên. Chúng tôi nhìn nhận các bạn như những người chủ tương lai của đất nước. Những vị khách mời ngồi đây sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi của các bạn. Vì thế, hãy thẳng thắn trao đổi và hỏi cho trúng. Chúng ta cũng không giới hạn câu hỏi nên các bạn có thể thoải mái nêu những vấn đề mình quan tâm.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 3
Dương Xuân Trà Mi. Ảnh : Hồng Vĩnh

Giải quyết việc làm : Đào tạo theo nhu cầu xã hội !

Bạn Dương Xuân Trà My, Phó chủ tịch Hội sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm trung ương: 

Thưa Thủ tướng và các bác lãnh đạo, là sinh viên năm cuối, cháu rất quan tâm đến vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Cháu thấy rằng, sau khi tốt nghiệp nhiều sinh viên chưa có việc làm hoặc tìm được việc làm thì không phù hợp với chuyên môn dù các bạn tốt nghiệp loại khá, giỏi, thậm chí có nhiều bạn sinh viên đi du học ở nước ngoài về.

Vậy Chính phủ có những chính sách nào để giải quyết vấn đề việc làm cũng như phát huy hết năng sở trường chuyên môn của các bạn? Cháu xin chân thành cảm ơn!

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Câu hỏi của bạn Trà My rất đáng quan tâm. Chúng ta không chỉ quan tâm khi đến năm thứ tư mà phải quan tâm từ năm thứ nhất. Và trách nhiệm đó thuộc về nhiều phía. Trước hết là người học phải quan tâm tại sao mình chọn nghành học đấy, có đúng nhu cầu xã hội cần hay không, ngành đó có chờ đợi các kỹ năng, tri thức của mình không.…. Những vấn đề đó người học phải tự trả lời.

Theo các bạn có bao nhiêu phần trăm sinh viên trả lời được các câu hỏi đó trước khi vào học? Cái này chúng ta chưa có cuộc điều tra. Nhưng ước chừng có vài chục phần trăm không quan tâm đến câu hỏi đó, thực sự xã hội đang cần cái gì và chọn cái nghề đó để mình theo học. Đó là trách nhiệm về phía sinh viên.

Còn về phía nhà nước phải làm dự báo, ở thời điểm này đất nước ta cần cao đẳng, đại học bao nhiêu người, cơ cấu ngành nghề gì thì chính vấn đề này vừa qua chúng ta chưa được tốt. Chính cái này trong thời gian qua chưa được tốt, nhà nước chưa có cơ quan nghiên cứu dự báo chính xác cơ cấu nhân lực toàn quốc cần như thế nào, chúng ta đang còn yếu ở khâu này.

Mình cũng có định hướng nhu cầu chưa tốt, nên đào tạo theo khả năng là sức nhà trường, sức thầy đến đâu để đào tạo học trò, chưa trả lời một cách chính xác nhu cầu sau thì thế nào. Từ hai năm nay chính phủ nói chung, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh xã hội chuyển từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu, giải pháp đầu tiên là thành lập trung tâm nghiên cứu dự báo nhu cầu nhân lực.

Vấn đề thứ hai, các nhà trường chưa quan tâm công tác dự báo, chưa quan tâm kỹ năng có phù hợp hay không? Với phương châm đào tạo theo nhu cầu xã hội thì hai năm nay các nhà trường gắn kết với các doanh nghiệp người sử dụng lao động để họ nói cho mình biết cần kỹ năng gì mà chưa có chương trình đào tạo, người sử dụng lao động tham gia vào thiết kế chương trình đào tạo.

Để đạt được việc này phía nhà trường đã chỉ đạo hình thành các phòng, các trung tâm quan hệ với doanh nghiệp và hỗ trợ việc làm trong các nhà trường.

Và vấn đề nữa là đào tạo theo lịch trình, theo hợp đồng trong hai năm vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH cùng các Bộ ngành khác tổ chức 11 hội thảo quốc gia để đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và thông qua đó có 600 hợp đồng đào tạo được ký kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp.

Thông qua đó các doanh nghiệp cam kết nhận học sinh sinh viên vào thực tập và có những hỗ trợ thiết bị máy móc hoặc là tiền trong quá trình đào tạo. Về vấn đề bạn Trà My nói không có việc làm là đúng. Nhưng trong thực tế có một điều tra năm 2005 của ngành thống kê cả nước, trong 2,52 triệu người lao động có trình độ Đại học cao đẳng cả nước thì có 2 triệu 415 nghìn lao động có việc làm chiếm 95,8%.

Vậy nhìn chung sau một thời gian từ năm 2000 đại đa số có việc làm. Nhưng tỉ lệ làm việc sát nhu cầu đào tạo tới đâu thì chúng ta chưa thống kê được cái này.

Một vấn đề nữa chúng tôi muốn chia sẻ đó là chính phủ hình thành ban chỉ đạo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Theo đó từng ngành như công nghệ thông tin, y tế, đóng tàu, du lịch, tài chính ngân hàng thì dự báo nhu cầu nhân lực ngành mình cả nước cùng với các trường Đại học cao đẳng mà triển khai đào tạo.

Gần đây nhất, Bộ giáo dục và đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực. Bộ giáo dục đào tạo tiếp nhận các nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng đại học của các doanh nghiệp, công ty lớn để phối hợp với các công ty chuyển giao. Thứ hai đó là các bạn phải suy nghĩ trong bối cảnh như vậy xã hội cần gì, mình làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề việc làm trước khi học đại học và sau khi học đại học.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 4
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiệt tình giải đáp các câu hỏi của sinh viên. Ảnh : Hồng Vĩnh

Sẵn sàng cho sinh viên vay tiền mua máy tính

Đỗ Thanh Tùng – Đại biểu sinh viên Y Hải Phòng:

Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến sinh viên nên đã thành lập quỹ “ứng dụng và đào tạo”, quỹ đã giúp rất nhiều bạn sinh viên nghèo theo học các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên hiện nay do lạm phát và nhiều chi phí phát sinh nên mức 800.000VNĐ/tháng sinh hoạt thực tế là không đủ.

Vậy chính phủ có thể có giải pháp gì giúp sinh viên có mức vay hợp lý hơn. Đồng thời tôi có mong muốn vay vốn từ Quỹ để mua máy vi tính phục vụ việc học tin học và ngoại ngữ, vậy tôi có được vay không?

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam trả lời:

Mức cho vay từ quỹ “Ứng dụng và đào tạo” là mức bổ sung, hỗ trợ giúp học sinh, sinh viên chứ không phải là mức tuyệt đối. Bên cạnh đó mức cho vay này lập ra dựa trên nguồn vốn có hạn của quỹ và nhiều bạn sinh viên phải thực hành tiết kiệm. Mức vay 800.000VNĐ/tháng đã thực hiện được trong vài học kỳ và gần đây cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh lại, theo đó nhiều bộ ngành tham gia nghiên cứu, thấy rằng mức vay này là chấp nhận được.

Hiện nay các bạn có nhu cầu vay vốn mua máy vi tính. Tôi có thể khẳng định bạn có thể vay. Máy vi tính là phương tiện học tập, trên thực tế chúng tôi đã tiến hành cho sinh viên, học sinh vay vốn mua máy từ 3 kỳ qua, các bạn vay vốn mua máy sẽ được nhận số tiền đủ để mua máy một lần vào năm đó. Thường chúng tôi cho vay 2 lần/năm, một lần 4 triệu và lần hai là 8 triệu. Nếu bạn vay mua máy chúng tôi sẽ thu xếp để bạn có thể nhận tiền một lần vào đầu năm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bổ sung :

Việc cho sinh viên vay vốn đề học tập là biện pháp tối ưu giúp đỡ họ trong lúc khó khăn. Kể từ năm 2007, chúng tôi đã có chương trình cho vay cho sinh viên. Đến nay, đã có 928 tỷ đồng được cho vay, và đã có 1,2 triệu sinh viên, học sinh được vay theo các chương trình của Nhà nước, trong đó có 883.000 sinh viên đến từ các trường cao đẳng, chiếm 53% số sinh viên trong cả nước.

Hiếm có quốc gia nào cho hơn một nửa số sinh viên vay vốn như nước ta. Hiện nay, với mức học phí 180.000 đồng/tháng, khoản hỗ trợ cho vay 800.000 đ là hợp lý, và đã thể hiện được những nỗ lực của Nhà nước đối với các bạn.

Còn về việc các bạn muốn mua máy tính, Bộ GD và ĐT đã có chương trình kết hợp với Intel và một số công ty khác, với mức giá khoảng 220 USD/máy. Theo tôi, với mức hỗ trợ 800.000 đ, nếu tiết kiệm các bạn cũng có thể mua máy tính...

Chi phí học hành cho một sinh viên bằng 1/16 tại Mỹ

Đại biểu Lê Hoàng Minh - ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh hỏi: Cháu cũng là sinh viên năm cuối, sắp tới cháu sẽ đi thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên,  có một thực trạng là hiện nay, sinh viên không chỉ trường cháu mà hầu hết các trường trên cả nước đều yếu về thực hành, thực tế.

Trong khi đó, lại có tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận sinh viên đến kiến tập, thực tập, tham quan, tìm hiểu các dây chuyền công nghệ mới... Mặt khác, các trường kể cả trường kỹ thuật, sinh viên cũng chủ yếu học "chay".

Như thế, chúng ta sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế và sẽ mất một thời gian tương đối dài để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Xin Phó Thủ tướng cho biết sắp tới, Chính phủ có cơ chế, chính sách gì giúp sinh viên được thực hành và tiếp xúc thực tiễn đời sống sản xuất?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân : Thực tế vấn đề này các trường chưa quan tâm đúng mức, các trường cần công bố kĩ năng chuẩn đầu ra cho từng ngành học cũng như chuẩn kĩ năng và tiếp theo đó là chương trình đào tạo đi kèm với nó. Chúng ta chưa làm rõ điều này nên công tác thực hành của một số trường còn hạn chế.

Đại học Sư phạm Thủ Đức TP Hồ Chí Minh là trường đầu tiên trong cả nước công bố chuẩn đầu ra, khi đó nhà trường sẽ lo thực hành. Các nguồn cung cấp cho thực hành từ 3 nguồn.

Nguồn thứ nhất là từ ngân sách nhà nước và học phí thu được cho việc đầu tư cho cơ sở. Bình quân chi phí học hành cho một sinh viên ở nước ta hiện nay theo đầu người bằng 1/3 Thái Lan, 1/8 Hàn Quốc, 1/10 Nhật Bản và 1/16 của Mỹ.

Nguồn thứ 2 là thông qua việc các trường làm công tác nghiên cứu khoa học.

Nguồn thứ 3 là thông qua vận động các doanh nghiệp tài trợ, họ có thể tài trợ thiết bị mới hoặc cũ một chút nhưng vẫn dùng tốt.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề nhận sinh viên thực tập, coi nó là sự thiệt hại khó khăn cho mình. Nhưng hiện nay, trong các hợp đồng mà các công ty và các trường đại học đã kí trong hai năm qua, đều ghi rõ sẵn sàng nhận sinh viên thực tập, thậm chí là công bố mức lương sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu. Như vậy có nghĩa là hiện nay đang có một cuộc chuyển biến, một làn sóng mới trong cách doanh nghiệp.

Sinh viên cũng nên chủ động từ năm thứ 2, 3 xem với ngành nghề của mình thì kĩ năng là gì, trong cuộc sống thì cũng nên tiếp xúc và tự chọn nơi thực tập.

Ngày xưa chúng tôi đi thực tập phải tự đến tự xin và tự thuyết minh trước các doanh nghiệp. Việc thực hành là việc cấp bách và là do nhà trường, sinh viên cùng lo.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 5
Các đại biểu sinh viên tham gia đối thoại. Ảnh : Hồng Vĩnh

Bạn Chu Kim Mai, Sinh viên ĐH KH&XH Nhân văn TP.Hồ Chí Minh: Ngành giáo dục đang đổi mới phương pháp giảng dạy theo hình thức cung cấp thông tin, giúp sinh viên thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin theo hệ thống.

Để làm được điều này, các bạn sinh viên phải tự tham khảo rất nhiều qua tài liệu, sách báo và nhất là sách vở. Nhưng hiện nay giá sách rất đắt nên phần lớn các bạn sinh viên không thể mua được trong khi nhiều trường, diện tích các thư viện chật hẹp, đầu sách quá cũ, quá ít.

Vậy xin hỏi, sắp tới, Chính phủ có kế hoạch gì hỗ trợ tài liệu cho sinh viên để tự học, tự nghiên cứu?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong Bộ GD-ĐT có 2 người tham dự cuộc đối thoại hôm nay. Anh Nguyễn Vinh Hiển phụ trách giáo dục cơ sở. Còn phần đào tạo đại học thì tôi xin trả lời trước.

Chúng ta biết không có thông tin tài liệu thì sinh viên không thể tự học. Nhiều trường ĐH đã có hệ thống thông tin điện tử. Vấn đề đặt ra là cơ sở vật chất khó khăn thì phải làm thế nào?

Nhà trường có 3 nguồn lực để giải quyết: Hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước; từ các nguồn tài trợ bên ngoài và tự xây dựng. Thời gian qua nhiều trường đại học như ĐH Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên đã sử dụng các nguồn tài trợ nước ngoài để xây thư viện cho mình.

Các bạn sinh viên cũng cần xem sách nào tìm trên thư viện, sách nào phải tự mua và sách nào có thể trao đổi nhau cùng sử dụng. Chúng tôi học ở nước ngoài cũng vậy. Sinh viên năm nay dùng xong thì bán lại sách cho thư viện của trường để sinh viên khóa sau có thể mua lại giá rẻ.

Vừa rồi khối phổ thông ở nước ta đã có bài học về vấn đề này. Khối phổ thông thiếu 3% sách. Chúng ta đã vận động các học sinh khóa trước bán lại sách và đã bán được trên 1 triệu bản.

Vấn đề thiếu sách của sinh viên, chúng ta cần cùng hỏi nhau, các trường liên kết lại cùng hỏi nhau rằng, bao giờ chúng ta, các sinh viên sẽ hết thiếu sách học ? Các bạn cùng vận động thì sẽ tìm ra câu trả lời bao giờ chúng ta hết thiếu sách.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 6
Một ĐB sinh viên đặt câu hỏi. Ảnh : Hồng Vĩnh

Đào tạo tín chỉ : Sự chủ động cho sinh viên

Đặng Thị Thúy – Sinh viên đại học Huế:

Trong xu thế hội nhập hiện nay, sinh viên rất nỗ lực để có thu thập tri thức. Vừa rồi tôi thấy các bạn đã đề cập nhiều đến vấn đề thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập như giảng đường, thư viện, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp, đăng ký học các tín chỉ khó khăn, bất cập, thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo...Vậy mà hiện nay giáo dục đại học lại đang bắt đầu chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ.

Tôi xin hỏi việc chuyển sang học theo tín chỉ như vậy có sớm quá không? Chính phủ có đầu tư gì không để hỗ trợ việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ đạt được kết quả như mong muốn?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Hiện nay ở đây có bạn nào học không theo tín chỉ không? Chắc là có phải không! Đào tạo tín chỉ và đào tạo không theo tín chỉ khác nhau ở điểm gì? Chúng chỉ khác nhau là đào tạo không theo tín chỉ thì phải xác định được ngày nào, tháng nào, năm nào học môn gì. Tức là thầy giáo chọn sẵn môn học mà sinh viên không được chọn.

Còn đào tạo theo tín chỉ tức là phải hoàn thành một khối lượng nhất định. Một số môn chuyên ngành ai cũng phải học, một số môn chuyên ngành khác phải tự chọn theo sở thích và theo nhu cầu xã hội, tạo sự chủ động cho người sinh viên khi vào đời.

Cái khó của đào tạo tín chỉ là chúng ta cần phải có nhiều sách, thầy cô phải chuẩn bị nhiều hơn và học trò phải suy nghĩ tại sao chọn môn này chứ không chọn môn khác. Với cách đào tạo này học trò sẽ thích thú hơn vì được tự do lựa chọn môn học. Nhưng việc này cần có chuẩn bị.

Việc đào tạo theo tín chỉ đã trải qua một quá trình chuẩn bị khoảng 10 năm nay, từ năm 1995. Theo lộ trình 2010, tất cả các trường đại học phải có ít nhất một ngành đào tạo theo tín chỉ. Còn trường nào đào tạo tín chỉ thì lại dựa vào thực tế.

Tôi cũng nói vui với các bạn là khi tôi học ở nước ngoài, tôi phải trải qua 45 tín chỉ để có bằng thạc sĩ. Nhưng tôi nghĩ học xong số tín chỉ này chưa chắc đã áp dụng nhiều được ở Việt Nam. Vì vậy, tôi học tiếp đến 86 tín chỉ. Về Việt Nam, tôi chủ yếu áp dụng các kiến thức từ những môn học thêm tín chỉ.

Tôi rất mong các bạn cùng nhà trường hiểu được điều đó, vừa kiểm tra, vừa chia sẻ, để chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 7
Đặt câu hỏi tại hội trường. Ảnh : Hồng Vĩnh

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Hằng, đến từ TPHCM nêu vấn đề:

Hiện nay có tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Trong khi đó, chúng ta đang gặp khủng hoảng kinh tế. Điều đó gây khó khăn cho sinh viên mới tốt nghiệp vì ngoài kiến thức, các doanh nghiệp thường đòi hỏi 1 - 2 năm kinh nghiệm. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp tin tưởng tuyệt đối vào sinh viên mới tốt nghiệp?

Một bạn sinh viên khác tự trả lời : Trước khi bạn muốn nhà tuyển dụng tin tưởng tuyệt đối vào bạn thì bạn phải đủ tự tin để khẳng định mình với họ rằng: Anh phải nhận tôi vào làm.

Chúng ta phải rèn luyên kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi mới vào trường, qua các hoạt động và học tập từ chính cuộc sống, chỉ như thế mới có được năng lực và tự tin khi xin việc làm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời :

Khi người tuyển dụng đề nghị có 1 năm kinh nghiệm tức là họ đã không nhắm tới đối tượng sinh viên mới ra trường. Khi các bạn muốn tham gia vào công việc đó thì phải tự khẳng định mình.

Theo tôi, kinh nghiệm họ yêu cầu ở đây là là kinh nghiệm từ cuộc sống. Kinh nghiệm này có thể tích lũy ngay trong quá trình đào tạo,  thông qua các hoạt động thanh niên, của nhà trường. Những hoạt động đó giúp chúng ta có những ứng xử, thái độ và những cách giải quyết khác nhau với một vấn đề.

Do đó chúng ta có thể tích lũy kỹ năng cuộc sống ngay trên ghế nhà trường. Trên thực tế đã có rất nhiều bạn sinh viên vừa đi học vừa đi làm và đó là một nghệ thuật trong việc bố trí thời gian hợp lý để vừa học tốt vừa làm tốt.

Trường ĐH không có NCKH không phải là trường ĐH...

Bạn Nguyễn Ngọc Quang, Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội:

Cháu đồng ý với ý kiến của Phó Thủ tướng. Đúng là có nhiều sinh viên chưa chủ động trong tự học, tự nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là trong những năm qua, sinh viên Việt Nam đã rất nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học. Cho dù kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên rất hạn chế. Rất ít trường dành kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học mà có hỗ trợ thì cũng chỉ ở mức 1 - 3 triệu đồng.

Xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có kế hoạch và biện pháp gì hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo? Chính phủ có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và Phó Thủ tướng làm chủ tịch Quỹ này được không?

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 8
Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (giữa). Ảnh : Hồng Vĩnh

Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: Tôi rất vui mừng nghe câu hỏi vừa rồi và mừng hơn nữa nếu như số người có câu hỏi này đông hơn. Điều này cho thấy các bạn sinh viên đang rất quan tâm đến lĩnh vực KHCN.

Gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, số lượng kinh phí đầu tư cho KH đã tăng và từ năm 2000 chúng ta đã trích 2% trong tổng số ngân sách dành cho KH. Tuy nhiên, chi phí này vẫn chưa phải là cao, so với các nước khác thì còn eo hẹp. Hiện nay, ở các trường, phân bổ kinh phí KH tăng rất nhiều nhưng kinh phí cho học sinh, sinh viên có lẽ còn hạn chế.

Về phía Bộ Khoa Học và Công Nghệ hiện nay đã thành lập quỹ “phát triển KHCN” theo QĐ 122 của Chính phủ, và đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Trong quỹ này cũng có kinh phí dành cho nghiên cứu và một số chi phí khác cho các bạn sinh viên, các nhà khoa học trẻ. Ví dụ như các bạn nghiên cứu có những bài báo, được đi dự các hội nghị tài năng trẻ, hội nghị quốc tế thì quỹ sẽ hỗ trợ kinh phí đi lại ăn ở.

Hiện nay ở Bộ KHCN có cả chi phí cho những người nghiên cứu sinh cùng với người dân tuy nhiên với chúng tôi, việc nghiên cứu trong sinh viên vẫn cần được khuyến khích hơn nữa.

Hiện, Quỹ đang nghiên cứu để có chương trình tài trợ cho các bạn sinh viên, các bạn trẻ đam mê nghiên cứu KH có thể tham gia vào qũy này. Tôi nghĩ các bạn sinh viên cũng có thể tham gia vào quỹ này. Đồng thời thời gian gần đây Bộ KHCN cũng phối hợp cùng Bộ GD và ĐT cũng đang nghiên cứu để có thể dành thêm chi phí cho nghiên cứu khoa học.

Nhân đây chúng tôi cũng nêu câu hỏi: Trước đây, thế hệ chúng tôi vào viện nghiên cứu, trường ĐH hầu hết là những người xuất sắc nhưng những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào các viện nghiên cứu ít. Vì thế, rất mong các bạn cùng chia sẻ băn khoăn này với chúng tôi để cùng trao đổi trong giao lưu này. Xin mời các bạn!

Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Lê Đình Tiến, một sinh viên nói: Một lý do đó là trong cơ quan nghiên cứu Nhà nước ưu đãi không được nhiều. Làm cơ quan nhà nước do đặc thù có một số quan hệ, ngay cả khi phỏng vấn vào làm thường hỏi: Con ai, ai giới thiệu? Cháu nghĩ nếu giải quyết được nạn quan liêu thì sẽ thu hút được nhiều sinh viên giỏi về làm việc.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến tiếp ý: Nhà nước đang tìm cơ chế ưu đãi để khuyến khích các bạn sinh viên học giỏi gắn bó với khoa học. Làm khoa học là phải say mê, cũng như với nghệ thuật là cũng phải có sự say mê. Những người đến với khoa học phải là những người có sự say mê với nghiên cứu khoa học.

Hiện Quỹ phát triển khoa học công nghệ cũng thử nghiệm khuyến khích việc nghiên cứu này. Nếu các bạn trẻ có năng lực thì sẽ được hưởng các mức lương cao.

Đây là một động lực giúp các bạn trẻ có năng lực được hưởng mức lương như những người có kinh nghiệm. Hiện các Viện nghiên cứu có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên người làm khoa học sẽ được hưởng theo thành quả mình đạt được.

Tiếp tục câu hỏi "Chính phủ có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên NCKH và Phó Thủ tướng làm chủ tịch Quỹ này được không?", bạn Danh Minh Chánh - Học viện Biên phòng chia sẻ: 

Hiện nay các quĩ hỗ trợ chủ yếu là do học viên và sinh viên bỏ kinh phí, nhà trường chỉ ủng hộ một phần nhỏ. Nếu chúng ta thành lập được quĩ này sẽ thu hút nhiều sinh viên hơn.

Hiện nay em đang nghiên cứu về đề tài Đảng cộng sản Việt Nam trong nhà trường, em đầu tư khoảng 1 triệu đồng còn ngoài ra là đầu tư công sức của mình, lấy công là chính.

MC Lê Anh hỏi: Vậy các bạn mong muốn số vốn ban đầu khoảng bao nhiêu?

Bạn Trần Hải Ninh – Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc: Quỹ này có thể bắt đầu từ 50-100 triệu đồng cho các dự án mang tính điển hình và khả thi, từ đó có thể đề nghị đến các cấp cao hơn cho các dự án cao hơn.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 9
Các đại biểu sinh viên chăm chú theo dõi buổi đối thoại. Ảnh : Phan Kiền

Tiếp theo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời về việc thành lập quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học:

Chúng tôi rất vui khi thấy các bạn sinh viên trao đổi về việc nghiên cứu khoa học. Trường đại học không có nghiên cứu không phải là trường đại học, một quốc gia không có nghiên cứu khoa học, khám phá tri thức mới thì không có tương lai. Trong thế giới ngày nay, ai ứng dụng tri thức mới nhanh hơn thì có lợi thế cạnh tranh hơn.

Chúng ta thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp nhưng có thể chọn lọc những sinh viên ưu tú nhất tham gia quá trình nghiên cứu. Hiện nay, Bộ đã tổ chức cơ chế nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học phải có tri thức mới, như vậy có nghĩa là 1000 người làm nghiên cứu trong nước sẽ là 1000 đề tài nghiên cứu khoa học.

Trong nghiên cứu sinh cần người hướng dẫn có tầm, nhưng sinh viên cũng có thể tham gia thể thể hiện năng lực, qua đó hiểu được phương pháp và trưởng thành trong một tập thể nghiên cứu. Sinh viên khá hơn có thể làm hợp đồng, nghiên cứu theo nhu cầu doanh nghiệp thì sẽ có thu nhập.

Sắp tới bộ sẽ họp bàn để có một cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học. Tôi xin đề nghị, sau buổi tọa đàm ngày hôm nay, nếu có một hội nghị bàn về việc hình thành một quỹ cơ chế tài chính hỗ trợ nghiên cứu khoa học của sinh viên các cấp, tôi sẵn sàng chủ trì.

Nguyễn Tiến Anh TPHCM trao đổi thêm về quỹ học bổng: Nên có một số tiền trong quỹ đó, có thể lên hàng tỉ hoặc hàng trăm tỉ vì như vậy sinh viên mới có thể được nghiên cứu khoa học đạt chất lượng hiệu quả (cả hội trường vỗ tay).

MC Lê Anh hỏi đại diện du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc: Bạn có biết quỹ nghiên cứu sinh viên khoa học ở Hàn Quốc?

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc trả lời: Hiện, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đang xúc tiến thành lập quỹ học bổng, hợp tác với một số trường để hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao.

Phút trải lòng của Phó Thủ tướng...

Phạm Đăng Khoa - ĐH Duy Tân (Đà Nẵng): Phó Thủ tướng có thể chia sẻ kỉ niệm thời sinh viên liên quan đến thành công hay thất bại không ạ?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chắc là phải có thất bại nhưng nhìn chung là thành công, chứ không thì không ngồi đây được. (cười – cả hội trường rộn tiếng vỗ tay).

Nếu mà gọi là khó khăn, thì có một kỷ niệm khi tôi còn là nghiên cứu sinh. Lúc tôi học xong đại học, tốt nghiệp loại tương đối là xuất sắc, đứng đầu khoa nên được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh.

Lúc đó, rất khí thế, lao vào nghiên cứu. Nghiên cứu quy định 3 năm là xong. Mình làm rất tích cực nên sau một năm thì nghĩ chắc là làm được, đề cương tiến sĩ khá rõ. Sau khi làm xong đề cương và trình bày, thầy hướng dẫn im lặng một lúc rồi bảo: Chưa đạt yêu cầu.

Mình thấy hay nhưng thầy bảo không hay. Cuối cùng sau gần 2 năm thì tôi đã làm xong nội dung. Bài học rút ra là dù giỏi đến mấy cũng cần phải nỗ lực.

Phạm Đăng Khoa hỏi thêm: Xin Phó Thủ tướng, cháu xin hỏi thêm, xin bác cho biết giải pháp đối phó với khó khăn đó như thế nào?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nói thì có vẻ lý luận đúng không ? Nhưng học hành mà khó khăn, mình phải nghĩ là hồi xưa mình có học được không, khó khăn này có tìm cách khắc phục được không ? 

Những lúc như thế tôi thường nhớ đến Bác Hồ. Khi Cụ đi tù thì Cụ vẫn nghĩ đến ngày ra tù phải chiến đấu cơ mà. Lúc đất nước không có chủ quyền, Cụ còn nghĩ đất nước sẽ làm chủ cơ mà. Và khó khăn của mình thực sự là quá nhỏ bé. Cuộc đời còn nhiều lúc khó khăn nữa. Nếu mà có ý chí thì sẽ vượt qua được...

Đại biểu Phạm Đăng Quang tiếp tục đặt câu hỏi: Hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên rất lúng túng trong việc đối phó với những khó khăn trong cuộc sống cũng như thất bại trong học tập của mình. Một phần  do các bạn đó yếu về kỹ năng sống. Xin Phó Thủ tuớng có thể cho biết việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên sắp tới có gì thay đổi không?

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Từ thực tiễn của mình thì tất cả các đồng chí ở đây đều có thể phát biểu được. Hiện nay ngành giáo dục đặt vấn đề kỹ năng sống sớm hơn, từ phổ thông. Về vấn đề này, xin nhường lời cho Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nắm rõ hơn.

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm vừa qua, Bộ GD&ĐT phát động phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực với khối mầm non và phổ thông. Tôi xin tóm tắt 5 nội dung chính của phong trào này. Một là nhà trường có đủ cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, của giáo viên. Trong đó có chú ý công trình vệ sinh thường xuyên sạch.

Thứ hai là nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, học sinh tích cực học tập, chiếm lĩnh tri thức bằng cách phát hiện vấn đề và giáo viên giải quyết vấn đề. Thứ ba là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cách đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Rồi là những vấn đề như An toàn giao thông, ma túy, HIV...Rồi xây dựng đời sống văn hóa trong nhà trường, vui tươi, lành mạnh. Các nhà trường nhận chăm sóc, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng tại địa phương. Sắp tới, phong trào này sẽ được áp dụng ở cả các trường đại học.

 

Tôi muốn hỏi lại, sinh viên có còn vi phạm luật giao thông, mắc tệ nạn xã hội không? (Các đại biểu đồng thanh: Có ạ). Nếu vậy chúng ta sẽ cùng làm cho tốt hơn phong trào này.

MC Lê Anh đặt câu hỏi: Xin phép được biết bài hát thời sinh viên mà Phó Thủ tướng hay nghe nhất là bài nào không ạ ?

Trước câu hỏi của MC, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hỏi vui: Bài hát tôi thích thật hay theo kịch bản?

Cả hội trường rộ lên tiếng vỗ tay của các đại biểu trước câu hỏi vui của Phó Thủ tướng. “Người già và tuổi thanh niên sẽ thích bài hát của lứa tuổi mình, gắn với thời của mình. Con tôi 22 và 28 tuổi thì cũng thích những bài hát không giống tôi. Trước là thời chống Mỹ nên chúng tôi yêu những bài hát gắn với thời đó. Tôi 17 tuổi đi bộ đội, 18 tuổi đã yêu và 10 năm sau tôi lấy vợ nhưng vẫn lấy người đó. Bài hát thời thanh niên tôi thích là bài "Thuyền và Biển”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 10
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân say sưa  hát bài "Thuyền và Biển". Ảnh : Hồng Vĩnh

Ngay sau đó, giọng hát khá hay mà trầm ấm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vang lên trong tiếng vỗ tay không dứt của các đại biểu tham dự cuộc đối thoại.

Thật bất ngờ, cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay và hát vang cùng Bộ trưởng bài hát "Thuyền và Biển”. Cuộc đối thoại giữa sinh viên với các vị lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành đã diễn ra trong bầu không khí rất cởi mở, thân mật và trẻ trung.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 11
Các đại biểu sinh viên hát cùng Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bài "Thuyền và Biển". Ảnh : Hồng Vĩnh

Sinh viên băn khoăn về học phí và ký túc xá...

Bạn Trần Khai Thuận, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh hỏi:

Nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, do đó Giáo dục và Y tế là hai lĩnh vực được quan tâm để mọi người dân thụ hưởng các dịch vụ tốt nhất. Như thế, học phí sẽ phải phấn đấu giảm dần cho đến khi miễn học phí từ cấp mầm non đến đại học theo sự phát triển của đất nước.

Nhưng có một nghịch lý, hiện nay là kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, thu ngân sách tăng thì học phí cũng tăng đều hàng năm chứ không hề giảm.

Xin Phó thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Nếu nói chung hàng năm đều tăng là không đúng. Tổng chi phí cho giáo dục của người dân ngày càng giảm: năm 2001 nếu tính 100 đồng thì người dân đóng 8,2 đồng, còn lại là của nhà nước. Năm 2006: tỉ lệ học phí do người dân đóng góp giảm xuống 6,7%. Như vậy, người học đóng ít hơn trước, nhà nước vẫn là người chi chủ yếu , trên 93%.

Còn ở các nước có nhiều quan niệm khác nhau về đóng góp cho Giáo dục, riêng ở Việt Nam thì dân đóng góp 36,7 % còn nhà nước là khoảng 63%.

Vậy chúng ta đặt vấn đề: Nhà nước chi tiếp cho giáo dục có được không? Hiện trong GDP, nếu 100 đồng thì chi cho giáo dục là 5,6 đồng, như vậy là khá cao. Ở Pháp, cao hơn chúng ta, cũng chỉ có 5,8%.

Có hai con đường: một là chi cho hiệu quả, hai là dân đóng góp cho hợp lí. Nếu chúng ta miễn học phí cho 2,5 em thì 1 em phải phải nghỉ học, như thế là không công bằng. Tóm lại: trong lúc nước ta còn nghèo thì người dân sẽ đóng góp theo khả năng để số người học là nhiều nhất.

Nguyễn Thị Phương Nhi – ĐH KH Kỹ Thuật TPHCM: Số lượng sinh viên vào các trường ngày càng lớn, nhu cầu nhà ở rất lớn. Cách đây 12 năm, 30% sinh viên được ở ký túc xá; sau 12 năm thực hiện Nghị quyết TW2 khoá VII về Giáo dục đào tạo và Khoa học công nghệ thì con số này lại giảm chỉ còn hơn 20%. Gần 80 % sinh viên không có chỗ ở trong ký túc xá, phải thuê nhà, nhiều sinh viên phải thuê nhà nơi điều kiện an ninh và tình hình tệ nạn xã hội phức tạp. Do đó đã ảnh hưởng đến kết quả hoc tập, rèn luyện của sinh viên.

Chính phủ đã có chủ trương đầu tư xây dựng Kí túc xá sinh viên, nhưng không có chuyển động cụ thể nào. Xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có hành động và chính sách cụ thể nào triển khai chủ trương xây dựng Kí túc xá cho sinh viên và có thể tăng mỗi năm 10% sinh viên để đến năm 2013 có khoảng 70% sinh viên ở Kí túc xá được không?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 1986, khi đó chúng ta có 133 nghìn sinh viên, trong đó 30% số sinh viên được ở ký túc xá. Hiện giờ, chúng ta có hơn 1,6 triệu sinh viên, sinh viên tăng 12 lần, KTX tăng 1,5 lần, vì thế nên không đủ.

Năm 2005, Chính phủ lần đầu tiên quyết định xây dựng KTX nhưng còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan. Nhìn lại, đầu tư cho giáo dục đại học và miền núi nếu không có nhà ở thì khó. Vì vậy, Bộ đã khởi động lại đề án xây KTX cho sinh viên.

Sắp tới sẽ đẩy mạnh chương trình này nhưng không thể một lúc đáp ứng ngay hết được. Vì thế, một việc khác là phối hợp với các địa phương để công bố chuẩn nhà trọ cho sinh viên.

MC Lê Anh hỏi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về "tình yêu sinh viên trong con mắt của ông" ?

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân "nhường" câu trả lời cho ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Ông Ái nói : Theo tôi, tình yêu rất quanh co, phức tạp nhưng cái chung nhất là sự thủy chung.

Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng bộ thông tin và truyền thông tiếp lời: Tuổi trẻ là thời đẹp nhất của tình yêu, nếu bây giờ không yêu thì sau này sẽ tiếc. Quan trọng nhất là yêu như thế nào, nếu tranh thủ, sống gấp, yêu gấp thì không nên. Nên yêu một cách chuẩn mực, chững chạc. Những kỉ niệm đó sẽ rất đẹp, không nên để tình yêu để lại những kỉ niệm đau buồn.

Sẽ có bộ môn Gia đình họcHạnh phúc học

Bạn Nguyễn Thị Thanh Nga, ĐH KH-XH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Việt Nam là một nước văn hiến, có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiều di tích lịch sử, văn hoá. Trong thời gian tới, Chính phủ  có kế hoạch gì để nâng cao hơn nữa ý thức của xã hội nói chung và sinh viên nói riêng trong việc quan tâm, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Hội nhập là có cạnh tranh, cạnh tranh không có nhân nhượng. Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD cạnh tranh với một nước có thu nhập 40.000 USD/người thì có bình đẳng không ạ? Chắc chắn là không.

Văn hóa là phải yêu đời. Vừa rồi người ta xếp hạng Việt Nam là dân tộc lạc quan nhất thế giới. Ngày trước khi nhà vua bí thì hỏi ai? Hỏi Hội nghị Diên Hồng. Thế kỷ 18, 19 khi gặp khó khăn dân tộc ta cũng không chịu khuất phục.

Vừa qua tôi đi thăm một nước ở Bắc Âu mà ở đó họ có thu nhập tới 40.000 USD/đầu người. Tuy nhiên họ đang phải đối đầu với hiện tượng có rất nhiều người sống độc thân và dự kiến trong vài năm tới có 40% người lao động của nước này sẽ nghỉ hưu. Chúng tôi đã bàn sẽ đưa vào chương trình phổ thông, trong môn Giáo dục công dân sẽ có phần về Hạnh phúc học. Mời anh Ái nói về khía cạnh văn hóa.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 12
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái: Văn hóa là nền tảng của xã hội. Một địa phương dù bị sóng thần, bị thiệt hại nhưng còn lại vẫn là văn hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có 27 trường đào tạo về văn hóa nhưng hiện vẫn chưa có bộ môn Gia đình học. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 3 lĩnh vực là Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tới đây Bộ sẽ xây dựng bộ môn Gia đình học.

Văn hóa phải nói cực kỳ phức tạp nhưng cực kỳ quý giá. Tôi đọc tài liệu điều tra có 30% người được hỏi không biết Hùng Vương là ai, 40% không biết Trần Quốc Toản là ai. Chúng tôi cũng đang xây dựng và thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 5, mong các bạn hỗ trợ.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 13
Trần Thị Huyền Trang, sinh viên trường Đại học Lâm Nghiệp

Chính sách cho sinh viên tình nguyện

Trần Thị Huyền Trang, sinh viên trường Đại học Lâm Nghiệp hỏi:

Trong những năm qua, có nhiều sinh viên tình nguyện tham gia các đội trí thức trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi và nhiều bạn đã ở lại lập nghiệp. Đây là minh chứng cho tinh thần tình nguyện của sinh viên VN sẵn sàng đến các vùng nông thôn, miền núi công tác.

Vậy xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có chính sách ưu đãi gì đối với đội hình vài trăm người vừa qua và hàng vạn sinh viên sẵn sàng lên đường sắp tới? Theo Phó Thủ tướng thì những trí thức trẻ tình nguyện hy sinh khi làm nhiệm vụ có được công nhận là liệt sĩ không? nếu có thì khi nào Chính phủ sẽ ban hành chính sách này.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trả lời: Hiện nay, tổ chức Đoàn thực hiện rất tốt việc tổ chức cho các đội trí thức trẻ tham gia tình nguyện. Năm 2000: chúng ta đưa 500 bạn sinh viên về 125 xã của 10 tỉnh. Năm 2003: đưa 1.000 bạn về 298 xã của 25 tỉnh. Năm 2005: đưa 400 bạn phục vụ ở khu kinh tế quốc phòng...

Bộ đánh giá rất cao phong trào tình nguyện, đây là một phong trào tích cực lan tỏa trong sinh viên thông qua các công tác như khuyến nông, khuyến ngư, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ…

Năm 2000, 2005, Thủ tướng đã ban hành chính sách với các trí thức tham gia tình nguyện, cụ thể là: trong thời gian tình nguyện được hưởng trợ cấp tương đương bằng mức lương bậc 1 cùng ngạch đào tạo, hưởng các chế độ phụ cấp khu vực, lưu động… Như vậy, trung bình 1 bạn sinh viên tình nguyện được hưởng trợ cấp trên 1,5 triệu/tháng. Ngoài ra có trợ cấp tư trang, hỗ trợ ăn, nghỉ, tham gia sinh hoạt văn hóa ở địa phương, hoãn nghĩa vụ quân sự, trước đây miễn lao động công ích.

Nhà nước cũng có chính sách quy định nếu đội viên trong khi hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, nhà nước thì được  hưởng chế độ thương binh, nếu hy sinh thì được xem xét công nhận là liệt sĩ…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết mới đây, chính phủ có chính sách hỗ trợ 61 huyện nghèo của cả nước và hỏi các bạn có sẵn sàng tham gia không? Cả hội trường vang lên những tiếng vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt…

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 14
Trần Ngọc Oanh - Tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp

Hỗ trợ và quản lý du học sinh

Trần Ngọc Oanh - Tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) hỏi :

Thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, có rất nhiều du học sinh đi du học bằng ngân sách của Nhà nước và du học tự túc. Tuy nhiên, chúng ta lại không có cơ quan quản lý  số sinh viên, học sinh du học; không có sự hỗ trợ đồng bộ cho số sinh viên này.

Xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có biện pháp nào để tập hợp đoàn kết, một trợ, bảo vệ sinh viên Việt Nam ở nước ngoài? Chính phủ có thể giao cho một cơ quan cụ thể quản lý nắm chắc sự di, biên động số lượng và các vấn đề liên quan đến sinh viên và học sinh du học không?

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 15
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trước năm 1990, du học sinh đi học theo học bổng có ban quản lý lưu học sinh. Những năm gần đây, du học tự túc tăng rất nhiều. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương có cán bộ chuyên trách của ngành GDĐT quản lý du học sinh.

Bên cạnh đó, ở nhiều nước hiện nay đã thành lập Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Chủ trương thứ hai là các đại sứ quán tạo điều kiện thành lập Hội Sinh viên Việt Nam để các bạn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau.

Cách đây 6 tháng, Bộ GD&ĐT đã thành lập Cục đào tạo với nước ngoài, có trang web để trao đổi thông tin với du học sinh. Bộ GD&ĐT bàn với TƯ Đoàn thành lập những mô hình như CLB du học sinh như ở TP Hồ Chí Minh.

Tôi cũng đề nghị sau đại hội này, chúng ta cùng ngồi lại để làm tốt việc trên.

Đặng Tấn Đức – Du học sinh tại Singapore:

Theo quan niệm của Phó Thủ tướng, vai trò của sinh viên như thế nào trong cải cách giáo dục, đặc biệt là đối với lưu học sinh? Cơ chế hiện nay đã thu hút được du học sinh về nước công tác?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi mong muốn, các bạn sinh viên luôn ý thức được trách nhiệm của mình với dân tộc. Chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ công lao của hàng triệu người đã ngã xuống chống giặc ngoại xâm, giữ đất này.

Các bạn trẻ nhưng sẽ là người nắm vận mệnh dân tộc. Chúng tôi luôn mong các bạn sẽ làm tốt và hay hơn chúng tôi.

Du học sinh cũng có điều kiện tiếp xúc hơn, tri thức tốt hơn, ngoại ngữ giỏi hơn, kỹ năng tốt hơn nên các bạn hãy cân nhắc, làm gì tốt cho đất nước. Học xong, muốn làm tiến sĩ thì nên làm. Nhưng trái chín rồi thì cũng là lúc về cội…

Chúc các bạn sinh viên luôn thấy được niềm tin mà lớp đi trước gửi lại cho các bạn.

MC Lê Anh hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ông còn điều gì chia sẻ với các bạn sinh viên ?

Phó thủ tướng nói : Rất vui là bạn Lê Anh vẫn dành cho người già câu hỏi cuối. Các bạn là tương lai của đất nước, đừng để mất điều đó trong niềm tin của cha mẹ, của những người đi trước và hãy tin rằng chúng tôi luôn dành cho các bạn tất cả niềm thương yêu, tất cả niềm tin !

Lời tâm sự chân tình của Phó thủ tướng đã nhận được tràng pháo tay không ngớt của các bạn sinh viên có mặt trong hội trường.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 16
Nguyễn Chí Trung, ĐH Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh. Ảnh chụp qua màn hình.

Bạn Nguyễn Chí Trung, ĐH Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh:

Vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong việc đào tạo con người? Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, trường đại học, cao đẳng và các chi hội; Tuy nhiên, từ năm 2002 tại Nghị định 88 của Chính phủ đã xếp Hội Sinh viên như các Hội nghề nghiệp làm phá vỡ cấu trúc 4 cấp của Hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập hợp, đoàn kết, định hướng, giáo dục sinh viên theo lý tưởng của Đảng.

Việc này, Hội Sinh viên đã có kiến nghị nhiều lần về việc xem xét đưa Hội sinh viên trở về cấu trúc 4 cấp như cũ nhưng đến nay chưa được giải quyết. Xin Phó Thủ tướng cho ý kiến?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Hội SV VN theo điều lệ hiện hành được Đại hội 7 thông qua năm 2003 và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông qua năm 2004. Theo điều 7 của điều lệ hiện hành: Hội Sinh viên có 4 cấp. Ngoài các tổ chức chính trị xã hội như Tổng liên đoàn, mặt trận, Hội Phụ nữ thì các tổ chức khác cũng có quy định cụ thể về cơ chế hoạt động. Trong 2009, Bộ Nội Vụ sẽ trình Chính phủ cơ chế chính sách, tiền lương mới của các hội.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 17
Tuy đã gần hết giờ giao lưu, song rất nhiều cánh tay sinh viên vẫn giơ lên xin được tiếp tục đặt câu hỏi với lãnh đạo Chính phủ. Ảnh : Hồng Vĩnh

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lâm Phương Thanh cho biết: Với một thời gian ngắn, trong bầu không khí cởi mở, các bạn sinh viên đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng của sinh viên hiện nay.

Các ý kiến trao đổi của Phó thủ tướng và các bộ, ngành cũng góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước, giúp các bạn sinh viên nắm rõ hơn.

Nhiều ý kiến giải đáp cũng đặt ra suy nghĩ với chính các bạn sinh viên, cũng như đặt ra trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể về vấn đề này như thế nào.

Đại hội xin cảm ơn Phó Thủ tướng và đại diện các bộ, ban, ngành đã tham gia cuộc đối thoại hôm nay. Đại hội xin hứa, sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam sẽ không quản khó khăn, nỗ lực vươn lên để đạt được những thành tích tốt hơn.

22h15 : Buổi đối thoại kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu sinh viên. 

Cởi mở, không hề có khoảng cách !

Đó là cảm nhận của tất cả các đại biểu sinh viên có mặt trong buổi đối thoại với Thường trực Chính phủ mà PV Tiền phong Online ghi nhận được ngay sau khi buổi đối thoại kết thúc.

Nguyễn Lê Duy- Đại học Kinh Tế, ĐH Đà Nẵng: trả lời của Phó Thủ tướng khá sâu, thỏa đáng !

Tôi thấy những câu hỏi các bạn sinh viên đặt ra đều là thắc mắc mà tôi muốn hỏi. Những câu hỏi rất thẳng thắn, nói thật, có nhiều câu hỏi thuộc vấn đề “khó nói” nhưng sinh viên đã dám đưa ra trong cuộc đối thoại. Câu trả lời của Phó Thủ tướng khá sâu, thỏa đáng và tôi tin tưởng sau cuộc đối thoại chính phủ sẽ đưa ra  được những chính sách hỗ trợ cho sinh viên thiết thực hơn.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 18

Tôi bất ngờ về cách trả lời thân thiện và dễ gần của Thường trực chính phủ làm cho cuộc đối thoại thực sự cởi mở, không hề có khoảng cách.

Hai vấn đề mà tôi quan tâm đó là về nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay vốn là hai mảng chính mà sinh viên quan tâm thì được cuộc đối thoại mang ra bàn rất kĩ.

Đặc biệt, vấn đề về làm sao để có quỹ hỗ trợ cho sinh viên có vốn để nghiên cứu khoa học được các bạn đưa ra rất được chú ý và quan tâm. Ở trường tôi, mỗi sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ 500 nghìn nhưng số tiền này mới chỉ đủ để sinh viên tìm và mua sách nghiên cứu chứ phần chính sinh viên vẫn phải tự bỏ tiền ra là chính dù đề tài nghiên cứu rộng hay không rộng.

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 19

Tôn Nữ Thanh Hương- Cao đẳng Y tế Huế: Ấn tượng !

Các câu hỏi xoáy sâu vào những vấn đề sinh viên đang cần và câu trả lời cũng rất sát với thắc mắc của sinh viên.

Các câu trả lời hay, vui vẻ là đặc điểm nổi bật của đại hội lần này. Không ngờ một cuộc đối thoại của gần 1000 sinh viên với ban thường trực chính phủ lại ấn tượng và cởi mở đến thế. 

Trần Anh Tuấn- Học viện An Ninh Nhân dân

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 20

Tôi hơi tiếc vì thời gian quá ít nên vấn đề đưa ra câu trả lời chưa nói hết được, chỉ mới đáp ứng được 90% vấn đề mà câu hỏi đưa ra, còn 10% thì chưa thể giải quyết được ngay mà phải đợi sau buổi giao lưu này mới có thể biết được.

Đại hội này mang không khí cởi mở, hăng say, nồng nhiệt mang đúng chất sinh viên. Đại hội là nơi giao lưu các bạn từ mọi miền đất nước, là nơi mọi người cùng nhau đưa ra những ý kiến để có thể hòa nhập và phát triển trong khi VN đang hội nhập. 

Đặng Tuấn Đức- Du học sinh Singapo

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 21

Tôi khá hài lòng về câu trả lời của Phó thủ tướng, tuy nhiên nếu có thời gian thì câu trả lời sẽ thỏa đáng hơn rất nhiều.

Tôi  thấy nhiều diễn đàn trí thức nói về du học sinh ở nước ngoài sau khi về nước không được đãi ngộ nhưng theo tôi hiện nay động thái từ chính phủ về du học sinh đã tích cực.

Hiện tại, chúng ta đã thu hút nhiều người tài từ cộng đồng du học sinh về nước để cống hiến cho đất nước. Theo mình, không hẳn việc trải thảm đỏ là điều kiện tiên quyết để du học sinh về nước mà là du học sinh được trọng dụng như thế nào, về nước họ có được cống hiến những cái học được từ nước ngoài không mới là điều quan trọng.

Đỗ Hợp ghi

Lãnh đạo Chính phủ và các ngành tham dự cuộc đối thoại có các đồng chí:

Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lâm Phương Thanh, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư T.Ư Đoàn; Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.

Sinh viên nói trước buổi đối thoại :

Nguyễn Thị Dịu- Sinh viên trường ĐH Kỹ thuật TP HCM:

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 22
Nguyễn Thị Dịu
Tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi được đại diện cho các bạn trong trường tham dự đại hội. Tôi và đoàn đại biểu TP HCM chuẩn bị rất kĩ lưỡng mọi mặt để góp sức mình trong sự thành công của ĐH.

KHi tham gia đại hội, được giao lưu với các bạn sinh viên cả nước, tôi càng nhủ mình phải cố gắng hơn nữa trong học tập và tu dưỡng đạo đức.

Tôi cũng như đoàn đại biểu của thành phố HCM có đề xuất rất nhiều câu hỏi quan tâm của sinh viên như : Sinh viên ở TPHCM cần đầu tư hơn nữa trong KTX để sinh viên có thể yên tâm trọ học.

Nguyễn Thị Bảo Yến- Trường ĐH Hoa Lư- Ninh Bình

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 23
Nguyễn Thị Bảo Yến
Tôi đã có sự chuẩn bị câu hỏi để tham dự đối thoại với thường trực chính phủ.

Nếu được hỏi thì tôi tham gia ý kiến để làm sao sinh viên tỉnh lẻ được hòa nhập với sinh viên cả nước để hội sinh viên có thể là nơi mà sinh viên cả nước có thể tham gia hoạt động sôi nổi hơn nữa.

Là một cán bộ đoàn hội, sau khi tham dự đại hội về, tôi sẽ "truyền lửa" cho các sinh viên khác ở trong trường nói riêng và sinh viên ở Ninh Bình nói chung.

Văn Thị Thùy Dương- Trường Cao đẳng Hải Quan TP HCM

Trực tuyến : Sinh viên đối thoại với Chính phủ ảnh 24
Văn Thị Thùy Dương
Là một sinh viên ở Quảng Trị vào TP HCM học nên được ra HN tham dự đại hội lần này là một vinh dự lớn của em. Theo em, hội sinh viên là một môi trường tốt để rèn luyện nhiều kĩ năng cho sinh viên ra trường làm việc sau này.

Nếu được tham gia đặt câu hỏi, em sẽ hỏi Chính phủ sẽ hỗ trợ như thế nào để sinh viên VN có thể hội nhập và phát triển với sinh viên quốc tế. Sinh viên VN cần có những yếu tố gì để có thể giúp sức mình trong công cuộc hội nhập.

Theo em, sinh viên Việt Nam muốn hội nhập thì cần rất nhiều yếu tố như kĩ năng giao tiếp, chuyên môn giỏi, có kiến thức sâu rộng về xã hội, văn hóa của nước mình và các nước trên thế giới.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.