8 giờ sáng nay, 13/3, toà xét xử sơ thẩm vụ án chạy hạn ngạch (quota) ở Bộ Thương mại đã chính thức khai mạc tại trụ sở TAND TP.HCM. Đông đảo báo chí trong và ngoài nước, cùng người dân có mặt theo dõi phiên toà.
14 bị cáo đều có mặt tại toà, gồm có:
Nhóm bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”: Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại) và Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ Nhập khẩu – XNK Bộ Thương mại);
Các bị cáo trong vụ chạy quota có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay, 13/3 |
Nhóm bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”: Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM), Bùi Văn Tuấn (Giám đốc Cty TNHH Tomotake Việt Nam) và Bùi Thị Huyền Nga.
Nhóm bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”: Lai Wai Hung, Trần Thu Lan (nguyên Phó Giám đốc Cty Á Châu) và Lưu Thị Minh Hiền (Giám đốc Cty TNHH Hải Minh);
Nhóm bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” (nhận hồ sơ để “chạy” quota cho các doanh nghiệp nhưng thực chất chiếm đoạt tiền) gồm các bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp, Phạm Anh Tuấn và Phan Nghĩa Hiệp.
Dẫn giải bị cáo Mai Văn Dâu vào Tòa. Ảnh : Hữu Vinh |
Con của cựu Thứ trưởng Mai Văn Dâu là Mai Thanh Hải – chuyên viên Vụ XNK bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Ông Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bà Võ Thị Thanh Hằng bị truy tố về tội “Làm giả, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”.
Tờ mờ sáng nhóm bị cáo bị tạm giam đã được áp giải đến Toà bởi "chế độ … VIP". Nghĩa là, khác với những bị cáo khác họ được chở trên các xe chuyên dụng thì cựu Thứ trưởng Mai Văn Dâu cùng với 4 bị cáo (Lê Văn Thắng, Bùi Văn Tuấn, Lai Wan Hung, Nguyễn Cương ) được đi trên xe ôtô 12 chỗ và 4 chỗ có gắn máy lạnh, lắp còi hụ. Khi ấy, trụ sở phiên toà vắng bóng người, kể cả giới báo chí cũng bất ngờ và hình như không ai ghi được hình ảnh dẫn giải các bị cáo VIP này.
Mai Thanh Hải trong sân Toà án. Ảnh : Hữu Vinh |
7 giờ, lác đác vài đương sự được Hội đồng xét xử (HĐXX) trong vai trò là người có nghĩa vụ quyền lợi và liên quan.
7 giờ 30’, “quý tử” nhà ông cựu Thứ trưởng là Mai Thanh Hải cũng xuất hiện tại khuôn viên Toà án. Tuy được cơ quan tố tụng cho phép tại ngoại cùng với các bị cáo khác, song trên gương mặt Hải vẫn thể hiện những nét hằn sâu thể hiện những ngày mất ngủ, sắc mặt tái mét.
Cũng như Mai Thanh Hải, ông Trần Văn Sửu cùng các bị cáo tại ngoại khác cũng đến sớm. Trông ông Sửu có vẻ thanh thơi và bình thản khi ngồi đọc báo chờ đợi HĐXX làm việc.
Trước giờ HĐXX bắt đầu làm việc, nhóm thư ký phiên toà đã đọc tên những người có nghĩa vụ quyền lợi quan bị HĐXX triệu tập.Theo đó có đại diện Bộ Công nghiệp, bà Nguyễn Diên Hồng (vợ ông Mai Văn Dâu); một số cán bộ của Bộ Thương mại trong đó có các ông Nguyễn Việt Phú, Bùi Hồng Minh (Vụ XNK).
Bà Nguyễn Diên Hồng - vợ ông Mai Văn Dâu được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ảnh : Hữu Vinh |
Những người còn lại là các đối tượng “chạy” hạn ngạch, gồm Tăng Phát Bảo (thương nhân Hoa Kỳ - người nhờ Trần Văn Sửu cấp visa trái nguyên tắc hơn 176.000 tá sản phẩm), Tsang Tak Lung (Tổng giám đốc Công ty TNHH Leader One), Wu Chun Te (Công ty TNHH Lawn Yard), Chou Ming Chen (Công ty TNHH Đế Vương), Hậu Thiên Hoa (Công ty Phú Hoa), Lý Huệ Mẫn (Công ty Thắng Hoành), Nguyễn Mỹ Hà và Nguyễn Đức Chính (Công ty Qualitex)…
Cách vài phút sau khi HĐXX bắt đầu làm việc, nhóm bị cáo bị tạm giam được dẫn giải vào phòng xử án. Thay vì trực tiếp tháo còng tại phòng xử án, các bị cáo này được các cán bộ an ninh làm nhiệm vụ dẫn giải làm công việc này bên ngoài.
Khi ông Dâu bước vào, trông ông có vẻ khoẻ mạnh, da mặt hồng hào và bình thản, khác với những gì trước đó mà Bộ Thương mại đề cập trong thư gửi đến cơ quan tố tụng xin cho ông được tại ngoại vì lý do sức khoẻ, già yếu và có bệnh tiểu đường. Duy có cái khác trước là mái tóc của của cựu Thứ trưởng đã bạc trắng.
Ngồi ở hàng ghế dành cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, khi trông thấy chồng mình bước ra, bà Nguyễn Diên Hồng chợt nấc lên và khóc…
Chánh toà hình sự TAND TPHCM Nguyễn Đức Sáu - Chủ toạ phiên toà đã chính thức đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. HĐXX bắt đầu thẩm vấn lý lịch các bị cáo.
Các bị cáo nghe đọc cáo trạng |
Gần 10 giờ, đại diện Viện KSND TPHCM thừa uỷ quyền Viện KSND tối cao, giữ vai trò công tố đã đọc nội dung cáo trạng truy tố 14 bị cáo.
Theo đó, giữa năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ ký hiệp định buôn bán hàng dệt may, qui định hạn ngạch vào thị trường Hoa Kỳ. Triển khai thực hiện hiệp định này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các bộ ngành khác xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch theo đúng nguyên tắc: hạn chế tối đa cơ chế xin cho, các biểu hiện tiêu cực, kể cả việc buôn bán hạn ngạch...
Bộ Thương mại đã ký 5 văn bản có nội dung trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ông Mai Văn Dâu với vai trò là Thứ Trưởng thường trực, chuyên trách XNK đã ký 3 văn bản cho phép các doanh nghiệp vay mượn, nhường hạn ngạch mà thực chất là mua bán hạn ngạch được phân bổ, dẫn đến tình trạng không quản lý được.
Kết quả điều tra của Cục an ninh điều tra cho thấy, ở vụ án này, có 42 doanh nghiệp vay nhượng 2,23 triệu tá hạn ngạch các loại, 3 doanh nghiệp mua bán 216,5 ngàn tá sản phẩm các loại, tổng số tiền dùng trong giao dịch mua bán lên đến gần 2 triệu USD.
Cụ thể, Nguyễn Thị Kim Oanh, Lai Wai Hung (Phó Tổng giám đốc Cty Sundance - trụ sở ở Khu chế xuất Linh Trung II, TP.HCM) đã uỷ quyền cho Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Cty Tomotake Hà Nội để xin cấp hạn ngạch cho Sundance và Leader One (Cty do Tsang Tak Lung làm Tổng giám đốc).
Theo thoả thuận, khi xin được hạn ngạch, Bùi Văn Tuấn sẽ được hưởng 3 USD/tá (12 cái). Trong đó 10% của tổng giá trị hợp đồng sẽ được thanh toán trước và 10% Tuấn sẽ được nhận tiếp nếu bị cáo này dẫn đại diện của Sundance gặp trực tiếp ông Mai Văn Dâu.
Hai hợp đồng mà Leader One ký với bị cáo Tuấn cũng có tổng giá trị 1,2 triệu USD. Và phía Sundance cùng Leader One đã chuyển cho Bùi Văn Tuấn tổng cộng 237.000 USD (tương đương 20% trị giá hợp đồng).
Bi cáo Lê Văn Thắng (cựu Phó Vụ Trưởng Vụ Xuất nhập khẩu – XNK, Bộ Thương mại) tại tòa. Ảnh : Hữu Vinh |
Để triển khai việc chạy quota, Bùi Văn Tuấn gặp ông Nguyễn Cương, bấy giờ là Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM. Từ đây, Tuấn gặp được ông Dâu cùng thành viên của gia đình ông. Bùi Văn Tuấn khai đã đưa cho bà Nguyễn Diên Hồng 5.000 USD, cùng với bộ áo veston Ý trị giá 380 USD cho ông Dâu và thêm 5.000 USD cho Mai Thanh Hải.
Đồng thời, Bùi Văn Tuấn cũng đưa cho ông Nguyễn Cương 4 lần tiền tổng cộng 140.000 USD. Số tiền này ông Cương khai đến tận nhà riêng của ông Dâu đưa 17.000 USD và ông Lê Văn Thắng là 10.000 USD. Tuy nhiên, việc chạy chọt này không thành. Tsang đòi tiền nhưng Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Cương không trả nên đã tố cáo đến Bộ Công an. Hậu quả là các bị cáo đã hầu toà ngày hôm nay.
Sau đó, Lai Wan Hung lại nhờ ông Nguyễn Cương chạy quota với chi phí mà bị cáo Cương hưởng được là 3,6 USD/tá. Nguyễn Cương đã đưa Lai Wan Hung đến nhà riêng để gặp ông Mai Văn Dâu nhiều lần để xin cấp hạn ngạch và ông Dâu đã cõ lần bút phê vào đơn của Lai Wan Hung để doanh nghiệp của bị cáo này có được gần 26.000 tá.
Lai Wai Hung. Ảnh: Hữu Vinh |
Bị cáo Nguyễn Cương khai, ông Mai Văn Dâu nhận tiền từ tay của mình ngay tại nhà riêng của ông Dâu là 13.000 USD. Còn Lê Văn Thắng cũng được 12.000 USD. Song ông Dâu chỉ thừa nhận đã nhận 4.000 USD, còn ông Thắng thì không thừa nhận là đã nhận tiền.
Bị cáo Nguyễn Cương còn giúp chạy quota cho Cty Đế Vương (Long An) và đã đưa cho ông Dâu 4.000 USD và ông Thắng 4.000 USD. Phi vụ này, ông Dâu thừa nhận chỉ nhận có 1.000 USD, còn ông Thắng thì phủ nhận. Ông Dâu đã có bút phê vào đơn xin phân bổ và được Bộ Thương mại cấp 39.000 tá sản phẩm cho Cty Đế Vương.
Tương tự, ông Cương cũng giúp cho Cty Lawn Yard (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, TP.HCM) xin được quota 1.500. Bị cáo đã nhận từ doanh nghiệp này 15.000 USD và chi cho cho ông Dâu 4.000 USD.
Cũng trong năm 2003, Trần Thu Lan (Phó giám đốc Cty may Á Châu, TP.HCM) đã nhờ Bùi Thị Huyền Nga “mai mối” với những người có trách nhiệm ở Vụ XNK để xin quota. Bùi Thị Huyền Nga đã dẫn Trần Thu Lan ra Hà Nội và gặp Lê Văn Thắng cùng một số cán bộ của Vụ này 17 lần.
Trong một số lần gặp này, có hai ông Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú (hai chuyên viên Vụ XKN), Trần Thu Lan khai đã chi cho họ tiền. Song ông Phú phủ nhận nên cơ quan điều tra không tìm đủ cơ sở để xác định đương sự này nhận tiền. Còn đối với ông Thắng và ông Minh, Trần Thu Lan khai đã đưa cho họ tổng cộng 17.000 USD (ông Thắng nhận 15.000 USD và còn lại là ông Minh nhận)
Liên quan đến hành vi sai phạm của ông nguyên Vụ Phó Vụ XNK Lê Văn Thắng, còn có Trần Kim Dung. Dung đã gặp ông Thắng để chạy quota cho Cty QMI và Dung khai đã đưa cho ông Thắng 3.000 USD. Ông Nguyễn Việt Phú theo chỉ đạo của Thắng đã làm đề xuất để lãnh đạo duyệt cấp cho Cty QMI 23.635 tá.
Tuy nhiên, phía QMI không xuất hết số quota và còn dư 8.000 tá. Lượng quota sau đó được Lưu Minh Hiền (giám đốc Cty Hải Minh), đại diện của QMI) bán lại cho Bùi Thị Huyền Nga với giá 7,5 USD/tá; Nga bán lại cho Cty Việt Vượng với giá từ 7,8 -8 USD/tá.
Cùng bị truy tố trong vụ án còn có quan chức Trần Văn Sửu. Ông Sửu có hành vi nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc cấp visa trái phép cho nhóm Cty do Tăng Phát Bảo (quốc tịch Hoa Kỳ).
HĐXX, ngoài ông Nguyễn Đức Sáu - Chánh toà hình sự, làm Chủ toạ phiên tòa, còn có bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó phòng kiểm sát điều tra án kinh tế và ông Trần Ngọc Quang (Viện KSND TPHCM), giữ quyền công tố. Có 14 luật sư tham gia bào chữa cho 14 bị cáo, đặc biệt trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Dâu là luật sư Phan Trung Hoài (đoàn luật sư TP.HCM), luật sư Phạm Hồng Hải và Nguyễn Hoàng Hải (đoàn luật sư TP Hà Nội). Ngoài ra Luật sư Phan Trung Hoài còn bào chữa cho Mai Thanh Hải (con ông Mai Văn Dâu). |
Còn Mai Thanh Hải (chuyên viên vụ XNK) cũng bị xác định đã nhận 560 triệu đồng của ông Đặng Vũ Quang để “chạy” hạn ngạch cho Cty Qualitex. Thực tế khi nhận số tiền này Mai Thanh Hải đã không làm gì.
Vì thế cơ quan công tố truy tố Mai Thanh Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và cả tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” khi phát hiện Hải xài bằng tốt nghiệp Đại học giả của Đại học Ngoại thương Hà Nội và giả luôn con dấu, chữ ký của Phòng công chứng số 1 Hà Nội.
11h30 phút, công tố viên tạm dừng phần đọc cáo trạng và Tòa sẽ tiếp tục làm việc vào đầu giờ chiều.
Trong giờ tạm nghỉ của HĐXX, nhóm bị cáo tạm giam gồm Mai Văn Dâu, Bùi Văn Tuấn, Lai Wai Hung, Lê Văn Thắng, Nguyễn Cương nghỉ tạm tại TAND TPHCM, không được dẫn giải về trại giam.
14h, HĐXX làm việc. Công tố viên bắt đầu đọc cáo trạng.
14h55, Công tố viên kết thúc phần đọc cáo trạng đối với các bị can. Thông dịch viên tiếng Hoa dịch cáo trạng cho bị cáo Lai Wai Hung.
15h, Chủ tọa phiên tòa cho các bị cáo tạm giam, là ông Mai Văn Dâu, Lê Văn Thắng và Lai Wai Hung, được lực lượng áp giải đưa về trại giam. Còn 2 bị cáo Nguyễn Cương và Bùi Văn Tuấn, cùng các bị cáo tại ngoại, ở lại tiếp tục hầu toà.
Chủ toạ cho gọi Bùi Văn Tuấn. Khi được hỏi về các mối quan hệ với Lai Wai Hung, Tsang Tak Lung thì Tuấn xác nhận đó là qua hệ bình thường. Hai đối tượng này đã nhờ Tuấn xin quota cho doanh nghiệp Sun Dance và Leader Once. Theo đó cả hai bên tiến hành ký 2 hợp đồng uỷ quyền cho Tuấn xúc tiến việc xin quota.
Bị cáo Bùi Văn Tuấn. Ảnh: Hữu Vinh |
Tuấn đã điện thoại cho bà Nguyễn Thị Hiền – Sở Thương mại TP.HCM. Từ đây bà Hiền đã giới thiệu cho sếp cũ của bà khi ấy đã chuyển công tác sang làm Phó Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TPHCM, ông Nguyễn Cương. Tuấn đã gặp ông Cương tại văn phòng của ông làm việc, 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.
Tuấn khai khá rành mạch tình tiết việc đưa tiền cho ông Cương để nhờ ông liên hệ với ông Mai Văn Dâu nhằm tác động xin quota cho 2 doanh nghiệp nói trên. Từ nguồn mà 2 doanh nghiệp chuyển vào (227.820 USD), Tuấn mang vào TPHCM và qui đổi ra tiền USD (trước đó tiền này Tuấn rút từ tài khoản ngân hàng Vietcombank và được đổi thành tiền Việt).
Tuấn đã chi cho ông Cương 4 lần, tổng cộng 140.000 USD. Bà Nguyễn Diên Hồng nhận gói quà của Tuấn trong đó có chứa 5.000 USD cùng bộ veston Ý (trị giá 380 USD) mà Tuấn mua ở Tràng Tiền tặng ông Dâu; Mai Thanh Hải nhận 5.000 USD khi Hải vào TP.HCM.
Sau đó, một lần ông Dâu đi thăm doanh nghiệp tại TPHCM , dưới sự tác động của ông Nguyễn Cương, Tuấn xuất tiền mua một lô đất cho vợ chồng ông Dâu khoảng 300 m2 tại Thủ Thiêm (quận 2). Tuấn thừa nhận việc cáo trạng truy tố tội danh “Môi giới hối lộ” là đúng, song y chỉ xin HĐXX việc tặng bộ veston cho ông Dâu giá trị 380 USD chỉ xem là quà biếu giao hảo bình thường.
Bị cáo Mai Thanh Hải. Ảnh Hữu Vinh |
Một tình tiết đáng lưu ý khi vị Hội thẩm đã chất vấn việc Tuấn đưa tiền cho Mai Thanh Hải. Tuấn khai, khi ấy Hải vào TP.HCM công tác cùng đoàn của Bộ Thương mại và Tuấn đã hẹn gặp Hải tại cà phê High land (toà nhà Metropolitan, góc Đồng Khởi – Nguyễn Du, quận 1). Khi ấy có cả bạn của Tuấn, tên Hạnh (quê Bắc Giang). Khi gặp Hải, Tuấn cùng Hải ngồi một bàn và Hạnh ngồi bên cạnh. Khi trông thấy phong bì dày cộm chứa đầy tiền USD mà Tuấn đưa cho Hải, Hạnh đã ngạc nhiên hỏi “Tiền gì mà nhiều thế?”.
Tuy nhiên, khi luật sư Phan Trung Hoài – đại diện bào chữa cho ông Mai Văn Dâu và Mai Thanh Hải, chất vấn Bùi Văn Tuấn về tình tiết đưa tiền cho bà Hồng và Hải, thì Tuấn đã lúng túng khi không nhớ kỹ lời khai của mình cũng như những gì ghi trong biên bản của hai buổi đối chất giữa Tuấn với bà Hồng và Hải tại cơ quan điều tra. Điều này cho thấy, lời khai của Bùi Văn Tuấn khó có thể là cơ sở để buộc bà Hồng và Hải có hành vi nhận tiền từ Bùi Văn Tuấn!
Bị cáo Nguyễn Cương. Ảnh Hữu Vinh |
16h40’, HĐXX cho gọi bị cáo Nguyễn Cương. Song lời khai của bị cáo này đã có nhiều thay đổi về số tiền đã nhận từ Bùi Văn Tuấn sau đó chi cho ông Mai Văn Dâu. Song, ông Nguyễn Cương cũng thừa nhận việc đã nhận 140.000 USD từ Tuấn và biết rằng: “đã ăn chặn ăn bớt” trong phị vụ chạy quota giúp Tuấn.
17h, Chủ toạ tạm dừng phiên toà và đầu giờ sáng mai (14/3), ông Nguyễn Cương sẽ được gọi thẩm vấn tiếp tục.
Nhóm bị cáo tại ngoại. Ảnh : Hữu Vinh |
Còn những điều mà phiên toà cần làm rõ So với những gì mà TAND TPHCM gửi công văn gửi đến cơ quan tố tụng yêu cầu làm rõ việc có dấu hiệu lọt người lọt tội trong vụ án cũng như cần tăng mức hình phạt đối với hai thầy trò ông Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng thì cáo trạng cơ quan công tố còn đề cập đến việc không xử lý hình sự với nhiều đối tượng khác cho dù đã xác định họ có hành vi phạm pháp. Ngoài các ông bà: Tăng Phát Bảo (thương nhân Hoa Kỳ - người nhờ Trần Văn Sửu cấp visa trái nguyên tắc hơn 176.000 tá sản phẩm), Tsang Tak Lung (Tổng giám đốc Công ty TNHH Leader One), Wu Chun Te (Công ty TNHH Lawn Yard), Chou Ming Chen (Công ty TNHH Đế Vương), Hậu Thiên Hoa (Công ty Phú Hoa), Lý Huệ Mẫn (Công ty Thắng Hoành), Nguyễn Mỹ Hà và Nguyễn Đức Chính (Công ty Qualitex)… thì còn có các ông Nguyễn Hoàng Phương, Chuyên viên Bộ Công nghiệp; Nguyễn Đình Quân, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp Hải Phòng; Đỗ Cường Thanh, Giám đốc SởThương mại Hải Phòng, Đan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư (PDI) Hải Phòng; Dương Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dự án đầu tư nước ngoài PDI Hải Phòng; Nguyễn Phúc Sơn, Phó Chi Cục Trưởng Chi cục hải quan các Khu chế xuất và công nghiệp Nomura Hải phòng; bà Đỗ Thuý Lan, chuyên viên Bộ Thương mại; Chu Văn Đàm, Gíam đốc Cty TNHH Hoàng Việt; bà Nguyễn Diên Hồng, Lâm Chí Phát, Nguyễn Quốc Sử, Đặng Văn Minh, Phạm Anh Tài; Các doanh nghiệp: Cty TNHH Phát Hưng, Cty TNHH May mặc Uyên Ninh Sơn, Cty TNHH May Hiệp Tường, Cty May mặc Phú Hoa, Cty TNHH Thắng Hoành, Cty MCCall, Xí nghiệp Sasanga; Cty TNHH Đế Vương; Cty TNHH Lawn Yeard, Cty TNHH Phú Xuân. Mặt khác, đối với lãnh đạo Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, có sai phạm cùng một số bộ, ngành liên quan trong việc quản lý, xét duyệt quota hàng dệt may sang thị trường Mỹ nhưng cơ quan công tố không xử lý vì cho rằng do sự chuyển biến tình hình trong công tác xét, duyệt quota … |
Làm rõ dấu hiệu lọt người lọt tội
Trước khi diễn ra phiên tòa, TAND TPHCM đã từng trả hồ sơ yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ dấu hiệu lọt người lọt tội một nhóm đối tượng:
Trong đó đặc biệt là “thầy trò” ông Mai Văn Dâu (cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại) và Lê Văn Thắng (cựu Phó Vụ Trưởng Vụ Xuất nhập khẩu – XNK, thuộc Bộ Thương mại). Tuy nhiên, yêu cầu của Tòa không được đáp ứng. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu dấu hiệu “lọt người lọt tội” có được làm rõ tại phiên tòa này?
Theo hồ sơ vụ án, phụ thuộc vào cơ chế “xin cho”, các doanh nghiệp tìm kiếm hạn ngạch (quota), phải lụy vào những thành viên trong gia đình ông Thứ trưởng chuyên phụ trách lĩnh vực ngoại thương ở Bộ Thương mại - Mai Văn Dâu.
Theo cơ quan tố tụng, chính ông Dâu đã ký và ban hành ba thông báo có nội dung ưu ái các doanh nghiệp “chính sách” này dẫn đến tình trạng đưa, nhận hối lộ để “chạy” hạn ngạch diễn ra công khai.
Nguồn cơn trên đã tạo ra “nhóm cò” mà dẫn đầu là Nguyễn Cương - nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM. Ông Cương đã nhận tiền từ các doanh nghiệp có nhu cầu về quota để xuất hàng qua Mỹ theo hợp đồng ký với đối tác lên đến 140.000 USD.
Với số tiền trên, ông Cương xác nhận với cơ quan điều tra (Cục An ninh điều tra) đã 6 lần đưa đại diện doanh nghiệp, gồm: Leader One, Đế Vương, Lanw Yard đến tận nhà riêng của ông Mai Văn Dâu để nộp hồ sơ kèm phong bì.
Mỗi lần đưa hồ sơ cho ông Mai Văn Dâu, ông Cương đều kèm theo một phong bì từ 4.000-8.000 USD và được ông Dâu ký bút phê vào hồ sơ đề nghị cấp hạn ngạch cho các Cty này.
Tổng cộng số tiền mà ông Cương đưa cho ông Mai Văn Dâu là 38.000 USD. Trước cơ quan điều tra, ông Dâu thừa nhận hành vi can thiệp, nhận hồ sơ và chỉ đạo cấp hạn ngạch trái qui định, nhưng về số tiền nhận từ ông Cương thì ông Dâu chỉ thừa nhận chỉ nhận 4 phong bì với tổng trị giá 6.000 USD(!).
Cho dù sau đó, ông Dâu đã đổi lời khai nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận. Cơ quan công tố quyết định truy tố ông Dâu với tội nhận hối lộ chỉ với số tiền vỏn vẹn 6.000 USD (khoảng 94 triệu đồng).
Chính vì điều này, TAND TPHCM đã có văn bản yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ nhưng Viện Kiểm sát Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ông Dâu cùng “bộ sậu” giống như quan điểm ban đầu mà bác bỏ yêu cầu của phía toà: Tăng khung hình phạt từ 15 - 20 năm tù lên khung hình phạt cao hơn- mức cao nhất: Tử hình vì hành vi nhận hối lộ của ông Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng vì đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng!
Theo các lời khai các đối tượng, ông Lê Văn Thắng nhận từ họ tổng cộng 61.000 USD nhưng cáo trạng chỉ truy tố ông Thắng nhận 18.000 USD (tương đương 281 triệu đồng).
Mặt khác, bà Nguyễn Diên Hồng, vợ ông Mai Văn Dâu cùng một nhóm đối tượng khác là Lâm Chí Phát, Nguyễn Quốc Sử, Đặng Văn Minh, Phạm Anh Tài đều thể hiện hành vi làm môi giới trung gian, môi giới được hưởng lợi trong việc xin hạn ngạch cho một số doanh nghiệp nhưng chỉ bị đề nghị xử lý hành chính.
Những đối tượng khác cũng được cơ quan tố tụng xếp vào “diện” này là: Ông Nguyễn Việt Phú, chuyên viên Vụ XNK – Bộ Thương Mại, ông Bùi Hồng Minh – nhân viên hợp đồng Vụ XNK…
Trong phiên toà này, các nhân vật này bị triệu tập với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Liệu Hội đồng xét xử sẽ làm rõ được những điều như văn bản cơ quan này đề cập với yêu cầu xử ở “khía cạnh khác” với họ?