Trong vài năm qua, công ty Leonardo của Ý đã phát triển dòng trực thăng không người lái (UAV) AWHero. Sau khi hoàn thành các thử nghiệm cần thiết và trình diễn với khách hàng tiềm năng, mẫu trực thăng đầy hứa hẹn đã được cấp phép sử dụng. Điều này sẽ mở đường cho việc AWHero có thể được sử dụng cho quân đội Ý và các quốc gia khác trong tương lai.
Dự án phát triển
Sự phát triển của UAV AWHero bắt đầu vào năm 2012, với tư cách là một dự án chung của công ty Finmeccanica và Sistemi Dinamici. Sau đó, đại diện của tập đoàn Leonardo là công ty Leonardo Helicopters đã trở thành nhà phát triển dự án. Nguyên mẫu đã hoàn thành công đoạn thiết kế, và vào tháng 12/2018, chiếc UAV đã cất cánh lần đầu tiên.
Chỉ vài tháng sau, Leonardo bắt đầu thúc đẩy quá trình phát triển mới trên thị trường. Đặc biệt, dự án AWHero được đưa vào chương trình OCEAN2020 của châu Âu, mục đích là tạo ra những phương tiện mới giúp kiểm soát tình hình và đảm bảo an toàn trên biển. Kể từ năm 2019, một số UAV thuộc loại mới thường xuyên thực hiện các chuyến bay trình diễn và thử nghiệm trong khuôn khổ dự án này.
Tháng 10 vừa qua, tập đoàn Leonardo thông báo đã hoàn thành một công đoạn quan trọng của dự án. Theo đó UAV AWHero đã vượt qua các kiểm tra cần thiết và nhận được giấy chứng nhận từ Văn phòng Thiết bị Hàng không của Bộ Quốc phòng Ý (DAAA). Tài liệu này công nhận khả năng sẵn sàng hoạt động của trực thăng không người lái trong các lực lượng vũ trang, nhằm giải quyết các nhiệm vụ theo đề xuất.
Công ty phát triển cũng nhấn mạnh, AWHero là UAV cùng loại đầu tiên trên thế giới nhận được chứng chỉ như vậy. Hiện các máy bay trực thăng không người lái khác, có trọng lượng cất cánh lên tới 200 kg, vẫn chưa thể vượt qua hoạt động thử nghiệm và chưa thể đạt được thành công tương tự.
Đặc điểm kỹ chiến thuật
AWHero là một máy bay trực thăng không người lái cỡ nhỏ có trọng tải khá lớn và khả năng hoạt động rộng khắp. Ngoài ra, khu phức hợp của nó còn bao gồm một trạm điều khiển mặt đất cung cấp quyền kiểm soát và nhận dữ liệu.
UAV được chế tạo theo kiểu thân trực thăng truyền thống. Chiều dài của trực thăng là 3,7 m, chiều cao và chiều rộng là 1,2 m. Đường kính của cánh quạt chính ba cánh là 4 m; các cánh quạt có thể được gấp lại. Trọng lượng cất cánh tối đa là 200 kg.
Máy bay trực thăng được trang bị động cơ piston JP-5, JP-8 và Jet A. UAV có thể đạt tốc độ bay 167 km/ giờ và trần bay đạt 4,2 km. Thời gian bay phụ thuộc vào trọng tải. Với 35 kg hàng hóa, thời gian bay vận chuyển là 6 tiếng.
AWHero được trang bị hệ thống lái tự động tiên tiến, với khả năng bay độc lập hoặc theo lệnh điều khiển. AWHero có chế độ cất cánh và hạ cánh tự động. Máy bay trực thăng được điều khiển từ xa có 2 khoang mô-đun: một khoang được gắn ở mũi có chứa các cảm biến ánh sáng, và khoang còn lại được gắn vào trục phía dưới hoặc bên thân. Chúng có thể sử dụng các radar cỡ nhỏ hiện đại, hệ thống trinh sát quang học và điện tử khác.
Trực thăng không người lái này có thể hoạt động trong các điều kiện khác nhau. Chúng có thể thực hiện các chuyến bay từ tàu sân bay và sử dụng trên tàu chiến cỡ nhỏ. Toàn bộ tổ hợp không người lái, bao gồm một máy bay trực thăng, trạm điều khiển và các thiết bị phụ trợ, nằm gọn trong một container tiêu chuẩn.
AWHero là trực thăng không người lái cỡ nhỏ có nhiệm vụ trinh sát và chỉ định mục tiêu. Ảnh: Leonardo. |
Thành công ban đầu và triển vọng tương lai
Hiện tại, công ty phát triển cung cấp một số tùy chọn để sử dụng AWHero. UAV có thể được sử dụng cho các đơn vị quân sự hoặc dân sự. Đồng thời, các hoạt động trong lực lượng lục quân và hải quân khá đa dạng.
Trước hết, trực thăng này được thiết kế để bay dài ngày dọc theo tuyến đường hoặc tuần tra trong một khu vực nhất định để quan sát tình hình. UAV có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trên đất liền hoặc trên biển. Những khả năng này có thể được sử dụng để trinh sát và chỉ định mục tiêu, hay trấn áp các hoạt động bất hợp pháp và thực thi nhiệm vụ nhân đạo.
Khả năng bay lơ lửng trong thời gian dài của UAV tại một thời điểm có thể được sử dụng trong các hoạt động quân sự và dân sự. Tính năng này rất hữu ích để cải thiện thông tin liên lạc và quản lý các công trình quân sự và dân sự. Ngoài ra, AWHero có thể được sử dụng trong phòng thủ chống tàu ngầm. Nó sẽ cung cấp thông tin liên lạc giữa các phao được lắp đặt với các máy bay khác và tăng tầm hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Các nhà phát triển nhấn mạnh, trong một số trường hợp AWHero có thể thay thế hoàn toàn máy bay trực thăng có người lái, và trong một số tình huống thậm chí còn vượt qua chúng. Ngoài ra, trực thăng không người lái dễ vận hành hơn và có chi phí mỗi giờ bay thấp hơn.
Theo nhận định chung, tổ hợp máy bay không người lái AWHero của Leonardo rất được nhiều sự quan tâm từ khách hàng quân sự và dân sự từ các quốc gia khác nhau. Các sự kiện diễn ra gần đây và việc sản phẩm đạt được chứng nhận của DAAA sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa mối quan tâm đó, và xuất hiện các hợp đồng cung cấp thiết bị mới.
Sau khi nhận được giấy chứng nhận, dự kiến trực thăng không người lái AWHero sẽ có thể trang bị cho các lực lượng vũ trang Ý. Khách hàng đầu tiên rất có thể là lực lượng hải quân, vốn đã có kinh nghiệm sử dụng. Sau đó, các hợp đồng cung cấp mới có thể dành cho cho lực lượng mặt đất hoặc không quân.
Tập đoàn Leonardo đã và đang thúc đẩy sự phát triển của mình trên thị trường quốc tế. Năm 2018, AWHero lần đầu tiên được giới thiệu cho Hải quân Úc. Các cuộc đàm phán và các thủ tục khác đã bắt đầu, nhưng hợp đồng thực sự vẫn chưa được ký kết. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã thu hút sự chú ý của các quốc gia châu Âu khác nhau. Theo thông tin ban đầu, trong tương lai có thể sẽ có một quá trình đàm phán về các hợp đồng tiếp theo.
Gần đây, tập đoàn Leonardo cũng đã hoàn thành phát triển dự án lớn trong nước. UAV mới đã vượt qua tất cả các kiểm tra cần thiết và có thể được đưa vào hoạt động trong các cơ cấu của Bộ Quốc phòng Ý. Quân đội Ý sẽ không lãng phí thời gian, và sớm có đơn đặt hàng đầu tiên cho việc cung cấp các thiết bị bay hiện đại này.
Sau đó, các hợp đồng mới dự kiến sẽ được ký với những khách hàng mới trong nước và các quốc gia khác. Thành công thực sự của dự án AWHero và số lượng UAV nối tiếp được gửi đến khách hàng sẽ được làm rõ trong tương lai. Còn hiện tại, nhà phát triển đã gặt hái được thành công ban đầu, khi trực thăng không người lái của họ trở thành phương tiện đầu tiên cùng loại được phép hoạt động trong biên chế quân đội.
Link bài gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/truc-thang-khong-nguoi-lai-awhero-the-he-moi-cua-quan-doi-italia-676910