> Bảo hiểm xã hội thành chủ nợ khổng lồ
> Báo động thất nghiệp
> Trường hợp nào được đăng ký thất nghiệp quá hạn?
Lao động đến đăng ký BHTN tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm. |
Thất nghiệp ảo gia tăng bất thường
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau một năm (kể từ 1-1-2010) thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng NLĐ nghỉ việc ảo để được hưởng TCTN.
Theo ông Điều Bá Được - Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (thuộc BHXH Việt Nam) đáng lưu ý, việc gia tăng số lượng người đi đăng ký hưởng TCTN ngoài việc khó khăn về kinh tế, còn có hiện tượng đăng ký BHTN để trục lợi.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động là 1%, NLĐ là 1% và nhà nước hỗ trợ 1%. Thực tế, đã có tình trạng người sử dụng lao động bắt tay với NLĐ để trục lợi bảo hiểm. Do đó, hiện tượng gia tăng đăng ký thất nghiệp vừa qua chỉ là thất nghiệp ảo.
Trả lời câu hỏi vì sao lại có hiện tượng thất nghiệp ảo? Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định, NLĐ chỉ cần đóng từ đủ 12 đến 36 tháng là được hưởng TCTN 3 tháng. Trong khi mức đóng lại rất thấp nên nhiều NLĐ không thất nghiệp thực sự vẫn đăng ký hưởng TCTN.
Bà Phương lý giải, trường hợp NLĐ chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này, sau đó lại trở lại chính doanh nghiệp đó làm việc hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp khác là việc chủ động mất việc làm nhưng lại vẫn được thanh toán BHTN.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp phá sản thường nợ đọng BHXH, BHTN, nên chính những lao động trong các doanh nghiệp này - người thực sự thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ; trong khi các đối tượng khác lại lạm dụng được chính sách. “Đây là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới những kẽ hở, tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ lạm dụng để trục lợi”- bà Phương nói.
Sẽ đề nghị sửa Luật BHTN
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ảo là quy trình thực hiện chi trả TCTN còn quá lòng vòng và phức tạp. Các quy định về thời gian đăng ký thất nghiệp chưa hợp lý. Quy định về thời gian đóng BHTN hiện cũng không còn phù hợp, vì NLĐ dễ lợi dụng để hưởng TCTN. Vì thế, để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp ảo, trước tiên phải soi xét lại các quy định liên quan đến BHTN.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến hết tháng 5, cả nước đã có 146.538 người đi đăng ký BHTN, tăng 131,1% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, có 119.095 người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. |
Ông Trung cho rằng, việc quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng TCTN là cào bằng. Quy định này dễ xảy ra trường hợp NLĐ sau một năm làm việc, tìm cách nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để hưởng TCTN.
Ngoài ra, việc quy định các đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHTN phải có từ 10 NLĐ trở lên chưa thể hiện được sự công bằng đối với đơn vị có 9 NLĐ và những NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ (dễ mất việc hơn các doanh nghiệp vừa và lớn).
Mặt khác, đây cũng là điều kiện dễ nảy sinh hiện tượng lách luật, trốn đóng BHTN của các doanh nghiệp (khai giảm NLĐ - PV), dẫn đến việc đánh giá tỷ lệ tham gia BHTN không chính xác. Vì thế, việc cần làm là nên quy định tất cả các đơn vị, cá nhân có thuê mướn NLĐ làm việc thường xuyên đều được tham gia BHTN.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu để đề nghị sửa đổi Luật BHTN đảm bảo chi trả BHTN đạt hiệu quả cao nhất. Theo ông Hoà, chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe nên khi doanh nghiệp nợ BHXH, quy định phạt nộp chậm chỉ tính mức lãi suất còn thấp hơn lãi suất ngân hàng nên dễ dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng quy định này để chây ì không đóng BHTN.
Có nhiều vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, dù đã đưa ra toà nhưng chủ doanh nghiệp bỏ trốn không thể thi hành án được nên rất khó khăn. Thậm chí, có doanh nghiệp toà xử rồi vẫn còn tiếp tục chây ì không chịu đóng BHTN.
Ông Hoà cho rằng, chính sách về BHXH và các quy định về BHTN sau một thời gian triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề, cần được rà soát lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, cần đánh giá lại hiệu quả việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm để NLĐ trở lại thị trường sớm nhất. Nếu cứ trông vào TCTN mãi thì sẽ rất nguy hiểm.