Cùng ngư dân giữa tọa độ 'nóng' - Kỳ 2:

Trực diện 'trâu xanh', 'trâu đen' Trung Quốc giữa biển Hoàng Sa

Ngư dân triển khai đánh bắt từ sáng sớm giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
Ngư dân triển khai đánh bắt từ sáng sớm giữa Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
TP - “Bẻ lái, bẻ lái ngay Dũng ơi, mi làm chi chậm rứa mi, bọn tao bọc hậu cho mi rồi. Nó áp ngay phía sau kìa…” - tiếng ông cậu, thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B quát lạc cả giọng qua Icom với người cháu Lê Dũng.

Tình huống đó, Lê Dũng, tay thiện chiến của tàu ĐNa 90098 đã xử lý còn nhanh hơn điện, vẫn bị ông cậu nhăn mặt chê… Những ngày thực sự căng thẳng của chuyến ra khơi Hoàng Sa bắt đầu như thế.

Nhật ký một ngày ở Hoàng Sa

Sau ngày đối mặt đầu tiên, anh em thuyền viên bình thản, tôi thì mệt nhoài. Tôi hỏi anh Trương Văn Hay, người sở hữu tàu cá được cho là khủng ĐNa 90235 trước ngày lên đường: “Chúng ta có thể đi chuyến biển này bao lâu? Anh lắc đầu: bình thường, 15 đến 20 ngày, nhưng bây giờ, đây là chuyến biển thể hiện sự quyết tâm của bà con, thể hiện ý chí vươn khơi của ngư dân mình nên chưa thể nào biết được!”. Tôi cảm thấy may mắn vì đã có mặt trên chuyến ra khơi đánh bắt đợt này, lại ngay giữa tọa độ “nóng”.

4h30 sáng, cả tàu thức giấc. Giữa Hoàng Sa đã rõ mặt người. Cà phê, trà đặc, thuốc lá…, tiếng gọi nhau râm ran. Tôi phóng lên cabin, máy trưởng Nguyễn Văn Trường đang ngồi trầm tư bên ly cà phê đen sánh. Anh và thuyền trưởng Còn B cả đêm không ngủ vì lãnh ca trực cho đêm đầu tiên.

“Tui mà ngủ thì coi như toi” - anh Trường cười, giòn tan trong làn gió sớm. Ông Còn B lý giải, chiều hôm qua (tức 13/5 - PV), khi chúng ta vừa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tàu Trung Quốc, phải nổ máy chạy tới hơn 3 hải lý, đến vùng an toàn thả dù neo đậu. Thả dù là một trong những dụng cụ phổ biến của ngư dân khi tàu “nghỉ ngơi”.

Mặc dù vậy, với sóng cấp 4 - 5 ở Hoàng Sa hiện nay, chỉ sau một đêm, tàu trôi tự do 4 - 5 hải lý là chuyện thường. “Nếu không có dù, tàu bị sóng lắc mạnh, chao nghiêng từ bên này sang bên kia, đến nằm còn không vững chứ nói chi chuyện đứng yên”. Vì thế, ông Còn B. và anh Trường phải thức trắng đêm, làm hết 4 cốc cà phê.

Trực diện 'trâu xanh', 'trâu đen' Trung Quốc giữa biển Hoàng Sa ảnh 1

Khoảnh khắc tàu ĐNa 90406 bị đâm, một tích tắc hiếm hoi PV Tiền Phong ghi lại được

“Ba giờ sáng, tàu trôi sát đến trận địa tàu cá, hải giám của Trung Quốc, lại phải nổ máy chạy ra xa” - ông Còn B kể. Quả thật, 3 giờ sáng, khi cả tàu đang thiu thiu ngủ, tiếng ông Còn B vẫn sang sảng: “Kéo dù, kéo dù !”. Mấy thuyền viên bật dậy nhanh như chớp. Tôi cảm tưởng, lời ông Còn B như một cái công tắc điện, chỉ cần bật lên là mọi người cứ thế mà răm rắp, dẫu nửa đêm hay trưa nắng.

Với ngư phủ Hoàng Sa, có lẽ không tồn tại khái niệm ngày và đêm. 7 giờ, bữa sáng trên tàu là cơm nóng, cá khô và thịt kho, không canh. Cay và mặn như đời ngư phủ. 8 giờ, không khí làm việc bắt đầu khẩn trương, rầm rập. Người thu dọn, kẻ kéo dù…, một buổi đánh bắt lại bắt đầu.

Trưa, không kịp ăn cơm, ai đói có mỳ tôm ăn tạm. Tối, lại đưa tàu đến nơi an toàn. Gần 10 ngày trên tàu, tôi chứng kiến, mặc dù luồng cá qua lại rất nhiều, nhưng không có cơ hội cho ngư dân thả lưới. Đơn giản, chỉ thấy ngư dân ta chuẩn bị ngư cụ là tàu Trung Quốc lại bắt đầu áp sát.

Truy đuổi, đâm, húc, va…

Bữa sáng chưa dứt với tôi, tàu ĐNa 90039 dẫn đầu 5 chiếc đã chủ động tiến thẳng vào dàn khoan Hải Dương 981. Khoảng cách dần thu hẹp, 10, rồi 7, 6 và 5. Máy đo tọa độ chỉ còn hơn 5 hải lý so với giàn khoan, cuộc truy ráp bắt đầu. Lần này, hai chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đồ sộ không còn chủ động như hôm qua.

Thay vào đó, đội tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc tăng tốc, trong thoáng chốc đã vây chặt đội ngư dân Đà Nẵng vào giữa. Vẫn như hôm qua, cứ 3 - 4 tàu sắt vây một tàu ngư dân. Tuy nhiên, có vẻ như “chiến thuật” của họ đã thay đổi.

Nhận thấy tàu ĐNa 90039 có vẻ như là tàu của tổ đội trưởng, 2 chiếc tàu sắt màu ghi áp gần sát, còn chiếc tàu sắt khủng khác chủ động đâm phía sau. Bốn chiếc tàu cá còn lại của ngư dân, của anh Chiến, Dũng, Dàng, Thương bị quây rất chặt, không cách nào tiếp tế, chia cắt hoặc đánh lái tạo kẽ hở cho ĐNa 90039 thoát ra.

Tuy nhiên, quần đảo, căng thẳng đến 10 giờ, chiếc tàu sắt đầu đen thân xanh 98003 của Trung Quốc vẫn không thể nào áp sát được ĐNa 90039 trước sự bình tĩnh và khả năng phán đoán tuyệt vời của thuyền trưởng Còn B. Có những lúc, cảm tưởng như mũi tàu sắt 98003 chỉ còn cách đuôi vài mét, nhưng lúc đó, ông Còn B lại tăng tốc. Phải vừa vọt nhanh, nhưng tốc độ không quá lớn để tránh va chạm với 2 tàu sắt màu ghi đang ép hai bên và một chiếc đối đầu phía trước.

“Nếu mình va chạm như thế, ngay lập tức máy quay trên tàu sắt của họ sẽ ghi lại và sau đó lu loa lên rằng, ngư dân Việt Nam chủ động gây hấn, thâm hiểm là vậy đó. Tụi tui không ngu chi mắc mưu đâu” - ông Còn B vừa bẻ lái, vừa trò chuyện.

Trực diện 'trâu xanh', 'trâu đen' Trung Quốc giữa biển Hoàng Sa ảnh 2

Cú vồ hụt của tàu Trung Quốc khiến ngư dân đứng tim

Lúc này, tàu ĐNa 90098 của anh Lê Dũng ở vào thế nguy hiểm nhất khi đã bị quây vào giữa sau một cuộc rượt đuổi mà các tàu cá Trung Quốc thể hiện sự hung hăng nhất. 10h15 phút, chiếc “trâu xanh” (cách gọi của ngư dân dành cho các tàu cá, hải giám Trung Quốc, màu xanh là “trâu xanh”, đỏ là “trâu đỏ”, đen là “trâu đen”…) biển hiệu 98006 mở tốc lực, bọt trắng tung tóe, hung hãn chồm lên phần đuôi tàu anh Lê Dũng.

Tất cả nín thở, bàng hoàng. Ông Còn B có một quyết định tuyệt vời, tăng tốc, mở hai máy, lách ngay vào giữa hai tàu sắt màu ghi khiến tàu sắt 98003 phía sau không kịp trở tay. Tàu ĐNa 90039 mở tốc chạy sát tàu anh Lê Dũng để hỗ trợ.

Sau cú chồm hụt, “trâu xanh” 98006 trở nên hung hãn hơn, giảm ga lấy đà cho một cú chồm thứ hai. “Bẻ lái, bẻ lái ngay Dũng ơi, vọt lên rồi bẻ lái. Làm chi chậm kinh rứa mi. Bọn tao bọc hậu, hỗ trợ đây” - ông Còn B quát lạc cả giọng qua Icom. Cách chưa đầy 200m, tôi nhận thấy qua ống kính, cú tăng tốc loại bỏ sự truy sát của “trâu xanh” mà anh Dũng thể hiện có thể nói còn nhanh hơn cả điện. Thế mà vẫn bị ông Còn B chê. Chắc hẳn, ông cậu muốn cháu mình phải nhanh hơn nữa. Tất cả diễn ra phải từng phần giây.

“Nếu mình va chạm như thế, ngay lập tức máy quay trên tàu sắt của họ sẽ ghi lại và sau đó lu loa lên rằng, ngư dân Việt Nam chủ động gây hấn, thâm hiểm là vậy đó. Tụi tui không ngu chi mắc mưu đâu” .

Ông Còn B vừa bẻ lái,
vừa trò chuyện.

Chiều tối, qua Icom, thuyền trưởng tàu ĐNa 90406 Nguyễn Đình Sinh thông báo: Đã gặp sự cố, ngay trong vùng biển nóng, khi các đội tàu khác đang bị quây và hút hết cả lực lượng vào đội ĐNa 90039, tàu anh bị chiếc “trâu đen” 71075 đâm gãy cọc, vỡ cabin và giàn đèn 6 chiếc bóng. Cú “đâm lén” nhanh trong tích tắc.

Cùng lúc, anh Trương Văn Hay phát tín hiệu: “Trâu đen” ngay sau đó tiếp tục làm tàu anh vỡ toác phần mạn trước và sập dàn sau. Tuy nhiên, anh em thuyền viên đã bình tĩnh lắc ra và khắc phục được. Cũng qua Icom, anh Nguyễn Đình Sinh, thuyền trưởng ĐNa 90406 cho biết thêm, “trâu đen” 71075 trước khi điên cuồng đâm vào 90508 và 90406 đã “vồ hụt” tàu anh nên rất tức tối.

“Quá thâm hiểm, họ dàn cảnh, cố tình ép sát đội ĐNa 90039 để các tàu khác tìm đường hỗ trợ, không ngờ con “trâu sắt” 71075, chiếc tàu cá được tạo răng cưa phần mạn, lắp mũ sắt nhọn như lưỡi lê đằng mũi, chuyên đâm va đã lén lút đâm tàu cá đội khác. Chúng ta phải cảnh giác hơn” - ông Còn B nhận định.

Trực tiếp chứng kiến, cả hải trình mấy ngày trên biển, không lúc nào các tàu cá của ta được yên tâm thả lưới đánh mắt mà luôn đối phó với sự truy đuổi, cản phá quyết liệt của Trung Quốc. Những ngày sau đó, vô vàn tình huống hiểm nguy, nhưng bằng sự chính xác, nhanh nhẹn và bình tĩnh, các tàu ngư dân ta vẫn an toàn…

(Kỳ 3: Ngư phủ “siêu phàm”)

MỚI - NÓNG