Trồng tràm trên đất Thái mùa biểu tình

Trồng tràm trên đất Thái mùa biểu tình
TP - Thái Lan đã tổ chức Hội nghị Hội đồng điều hành cựu thành viên chương trình hữu nghị thanh niên Nhật Bản – ASEAN của các nước khu vực Đông Nam Á (AJAFA) khiến những thành viên dự hội nghị như chúng tôi đến Thái trong tâm trạng lo âu, hồi hộp…

Chẳng có thông tin nào trên truyền thông du lịch cũng như báo chí nhắc tới Samut Songkram - địa danh tổ chức sự kiện của AJAFA lần này - khiến chúng tôi không khỏi e ngại.

Trước khi lên đường, thông tin về Thái Lan in đậm trên các trang web của hãng thông tấn lớn: “Đã có ba nhà báo Thái Lan bị sát hại”, “Thái Lan trấn áp biểu tình bằng hơi cay” “Thái Lan: liên tiếp những cuộc đụng độ và biểu tình”… khiến nhiều du khách Việt lùi thời gian du lịch đến Thái.

Trần Huyền, điều hành tour của một công ty du lịch quốc tế trấn an: “Ở Thái Lan dẫu có đảo chính cũng không ảnh hưởng nhiều đến người nước ngoài. Cứ đến thử rồi biết!”. 

Máy bay hạ cánh lúc trời lất phất mưa. Những mái vòm mang dáng dấp cung điện của Hoàng gia Thái Lan là đặc trưng của sân bay Suvannabhumi của Bangkok. Phi cơ của chúng tôi cùng hai chiếc nữa phía sau phải dừng lại, nhường đường băng cho 2 chiếc khác đang lấy đà cất cánh. Sự lên, xuống liên tục của những chiếc Boeing, Airbus mang lại cho du khách cảm giác vui nhộn.

Chúng tôi lọt thỏm giữa rừng khách quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ và khu vực châu Á khi làm thủ tục nhập cảnh ở cửa dành cho người mang hộ chiếu nước ngoài. Một du khách trẻ đến từ Mỹ nói chuyện với mấy người bạn: “Nhìn từ sân bay, Bangkok chẳng có “mùi vị” gì của biểu tình nhỉ!”.

Pongmanee, thành viên ban tổ chức đón chúng tôi ở cửa ra vào và thông báo, mới có đoàn Campuchia đến. Chúng tôi phải đợi thêm 5 đoàn nữa trong khu vực Đông Nam Á (ngoại trừ đoàn Lào sẽ sang qua đường tàu hỏa) rồi cùng nhau khởi hành.

Trong 2 giờ chờ đợi, chúng tôi đi dạo gần hết sân bay và không khỏi ngạc nhiên vì sự nhộn nhịp do lượng khách du lịch mang lại. Suvaray - nhân viên bán hàng khu lưu niệm cho biết, sân bay chưa phải nghỉ buổi nào vì biểu tình cả!

Rời sân bay Suvannabhumi, chúng tôi lên đường đi tỉnh Samut Songkram ngay nên không được chứng kiến quang cảnh đang “nóng” ở tòa nhà Quốc hội, Phủ Thủ tướng, nơi những người của Đảng Liên đoàn Nhân dân vì dân chủ (PAD) biểu tình chống chính phủ của tân Thủ tướng Somchai Wongsawat, đặc biệt vào đúng thời điểm tân Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng về chính sách của mình.

Không hẳn vì xã giao mà trong câu chuyện của những người trẻ không hề nhắc tới 2 chữ “biểu tình” khi bắt chuyện với các bạn Thái Lan trong ban tổ chức chương trình này.

Pongmanee giải đáp thắc mắc khi tôi hỏi vì sao không tổ chức Hội nghị ở Bangkok: “Không phải vì lý do an toàn đâu, rồi các bạn sẽ được biết cụ thể khi trở lại Bangkok vào ngày cuối của chương trình”.

Học làm nông dân trồng tràm

Pongmanee tranh thủ giới thiệu về Samut Songkram. Đây là tỉnh nằm ở phía Nam Thái Lan, cách Bangkok hơn 2 giờ đi xe buýt. Dọc đường đi, khung cảnh của cây cối và nhà nom từa tựa như vùng sông nước Nam Bộ của Việt Nam mang lại cho chúng tôi cảm giác thật ấm cúng và thanh bình.

Đăng ký muộn nhất và cũng có số thành viên ít nhất tham dự chương trình AJAFA, đoàn Việt Nam chỉ có 2 người. Chúng tôi được xếp chung phòng với những phụ nữ Philippines, Nhật Bản và Lào. Sau khi hoàn thành phần hội thảo, chúng tôi chuẩn bị đi trồng tràm ở rừng ngập mặn - một hoạt động chính trùng với chủ đề của Hội nghị: Bảo vệ môi trường trong thế kỷ 21.

Trong bữa ăn trưa trước đó, Srippajong, phóng viên tờ Tin tức của Thái Lan còn có tên thân mật là Ann tươi cười với chúng tôi: “Công việc không nặng nhọc đâu nên đừng quá căng thẳng. Trồng tràm là một trong những công việc của chuỗi du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã!”.

Trời lúc nắng, lúc mưa khiến không ít bạn trẻ sụt sịt, ho hắng nhưng họ không hề nản chí, háo hức đến với khu rừng ngập mặn của tỉnh Samut Songkram. Đúng 13 giờ ở bến nước khu Ban Mai Chai lane, cách nơi ở khoảng 400m, chúng tôi bước lên những chiếc ghe gắn máy sẵn sàng cho cuộc hành trình đến nông trang Mussel nằm trong khu rừng ngập mặn giáp cửa biển của Thái Lan.

Mỗi ghe chở 8 người. Ghe chở tôi được ông Samudi, một ngư dân khoảng 45 tuổi cao to, nước da đen bóng cho nổ máy tành tạch rẽ nước đi đầu tiên.

Rừng ngập mặn có đặc tính bảo vệ môi trường thiên nhiên, tái tạo một môi trường bền vững cho con người. Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các hồ nuôi tôm vẫn tiếp tục được phát triển và khai thác sâu vào tận trong đất liền, rừng ngập mặn đang bị phá hủy vì nuôi tôm. Phá vỡ hệ thống tương tác chặt chẽ trên, tức là phá vỡ cung cách phát triển bền vững.

Ý thức rất rõ hậu quả này và không muốn dẫm lên “vết xe đổ” của các nước đang phát triển, người Thái Lan cẩn trọng giữ gìn hệ thống rừng ngập mặn và xây dựng thành điểm du lịch trong những chuỗi du lịch sinh thái đầy hấp dẫn.

Samudi khá tâm lý và chiều khách. Ông cho ghe lướt nhẹ sát những hàng cây đước, vẹt đang lên mầm non xanh mướt, nơi có những đàn cò trắng, sếu, diệc thong thả rỉa lông để chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn.

Tiếng máy nổ tành tạch không làm lũ chim giật mình, chúng chỉ khẽ nâng cánh rồi lại đậu xuống bến bình yên. Bỗng Samudi chỉ tay vào trong vùng bùn đang đặc lại liên tục hô: “Monkey, monkey” và ra hiệu cho chúng tôi ném chuối cho lũ khỉ.

Samudi nhấn mạnh tay lái, quay ngoắt mũi ghe 90 độ rồi đẩy mạnh nửa thân ghe lên vùng bùn, ông xắn quần nhảy xuống gỡ những cây tràm ra khỏi bầu đất. Hiểu ý, tôi cũng bì bõm lội xuống bùn theo ông và lần lượt những người còn lại cũng làm theo chúng tôi.

Bằng hành động, Samudi dạy chúng tôi cách trồng tràm: giẫm mạnh chân xuống bùn thật sâu tạo thành vệt lõm, sau đó cho cây xuống khoảng 25 – 30cm rồi khéo léo dùng chân đẩy bùn vào gốc cây, giúp cho cây đứng thẳng. Mấy bạn trẻ Indonesia không khéo dùng chân nên đưa cả 2 tay ra vét bùn khiến quần áo, mặt mũi sau đó lấm lem.

Vừa trồng cây, chúng tôi tranh thủ ném nốt số chuối mang theo cho lũ khỉ nếu không muốn bị chúng làm phiền. Đám khỉ hàng trăm con đổ ra nơi chúng tôi trồng cây một cách bạo dạn, có chuối rồi, chúng kéo nhau lên cây chén ngon lành, để mặc những vỏ chuối vương vãi khắp dưới gốc.

Xong việc, Samudi và những chủ đò nhanh nhẹn trở về mũi ghe, tay cầm sẵn những chiếc khăn và luôn miệng mời chúng tôi ngồi xuống. Chưa kịp vục nước gột những mảng bùn, Samudi túm lấy hai cổ chân tôi lau lấy lau để khiến mọi người cười ồ lên.

Ngó sang những ghe bên cạnh, tất cả các thành viên khác cũng được chăm sóc giống như thế nên tôi không thấy ngại nữa. Samudi tiếp tục rửa chân cho những người lên sau một cách nhanh chóng và thành thục.

Ghe chúng tôi lại tiếp tục nổ máy, chạy xa ra phía vùng cửa sông rộng mênh mông, màu nước lúc này xanh hơn và cũng mặn hơn lúc trước. Hình như nói chuyện với người bản xứ không biết tiếng Anh trong khi cả nhóm chẳng ai nói được tiếng Thái ngoài từ sawatdi (nghĩa là kính chào) cũng là cái thú!

Ngoài vài từ bập bẹ, Samudi cũng như các chủ đò không thể hiểu cũng như diễn đạt điều gì bằng tiếng Anh được nữa. Suốt cuộc hành trình, chúng tôi trao đổi với chủ ghe bằng cử chỉ. Anh chàng của nhóm Indonesia, Nhật Bản cứ tròn mắt ngạc nhiên khi tôi ra hiệu cho Samudi lúc dừng lại, lúc muốn gọi lướt ván hay khi về khu nhà nghỉ sớm hơn.

Các ghe lần lượt tắt máy, chúng tôi được thỏa thích bơi lội, lướt ván giữa dòng nước lợ gần khu cửa biển đổ ra vịnh Thái Lan. Trên đường về, Mosaino (Nhật Bản) bày tỏ sự ngạc nhiên cứ như thể tôi biết nói tiếng Thái. Mosaino khó có thể biết, đơn giản là Samudi hiểu được những gì tôi muốn nói!

Người Thái với biểu tình

Chương trình của chúng tôi còn kéo dài thêm 2 ngày nữa, trong đó có non một ngày ở Bangkok với tiệc chia tay ở tòa nhà 43 tầng Baiyoke Sky nổi tiếng. Trước khi đến khách sạn, chúng tôi cũng dạo qua nhiều đường phố của Bangkok bằng xe buýt, không có gì gây chú ý đặc biệt của một thủ đô đang được cả thế giới chú ý bởi biểu tình.

Thời gian tự do, tôi cố gắng đi hỏi người dân xung quanh những cuộc biểu tình kéo dài thời gian qua nhưng tất cả đều cười tươi, nói rằng chẳng có gì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật.

Chị Sudilay, người bán hàng 34 tuổi nói: “Biểu tình trong trật tự mà, cho dù đôi lúc cũng có căng thẳng. Tôi không tham gia vì chẳng ai bán hàng lấy tiền nuôi con hộ tôi cả!”.

Chợt tiếng nhạc quen quen vang lên trên hệ thống loa phát thanh trong khu chợ. Cùng lúc ấy, người dân Thái dừng hết mọi việc, cùng nhau đứng nghiêm hướng về nơi phát ra bản nhạc làm tôi nhớ ra, đó là Quốc ca Thái Lan. Cứ 8 giờ sáng như thường lệ, họ lại chào cờ!

Nhịp điệu mua bán sôi động quanh khu Baiyoke Sky và cuộc sống đời thường chúng tôi trải qua trong những ngày ở Thái Lan xua tan sự lo lắng trong tâm trạng mỗi người trước khi đến Bangkok.

Máy bay cất cánh lướt qua những đám mây trắng bồng bềnh trôi nhẹ của một ngày nắng đẹp trên vùng trời Bangkok, trong tâm trí chúng tôi, hình như biểu tình diễn ra ở mảnh đất nào xa xôi lắm...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.