Trọng tài V.League: Chế độ tăng, rủi ro lớn

Nghề trọng tài ở V. League không dành cho những người kém sức chịu đựng. Ảnh: VSI.
Nghề trọng tài ở V. League không dành cho những người kém sức chịu đựng. Ảnh: VSI.
TP - Thu nhập hàng tháng có tăng lên, nhưng sức ép mỗi lần làm nhiệm vụ các trận đấu ở V.League của các trọng tài được mô tả là “kinh khủng”. Rủi ro nghề nghiệp cũng tăng khi mỗi sai sót đều có thể bị soi xét và quy kết dưới lăng kính phi chuyên môn.

"Tiền như vậy thì trọng tài “nó” ăn vào đâu? Chỉ có ăn vào đội bóng thôi”. Tới bây giờ, nhiều người trong giới bóng đá vẫn chưa quên câu nói của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) thời điểm cách đây 5 năm. Ông Dũng khi đó còn đương chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, cấp phó nhưng có tiếng nói đầy trọng lượng.

Sau câu nói của ông Dũng, VFF thông qua Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thực hiện một cuộc “cách mạng” về tiền lương cho giới cầm còi, ở cả V.League và Hạng Nhất.

Tại V.League, một trọng tài chính hiện được nhận 8 triệu đồng/trận, với trợ lý trọng tài và trọng tài bàn là 6 triệu đồng/trận. Thu nhập của một trọng tài ở V.League vì vậy có thể dao động trên dưới 30 triệu đồng/tháng, tuỳ việc được phân công nhiều hay ít.

Ngoài khoản trên thì tiền đi lại, ăn uống mỗi lần làm nhiệm vụ ở các địa phương của trọng tài đều được BTC lo. Con số trên nếu so với mặt bằng thu nhập chung là khá cao. Chưa kể với nhiều người, làm trọng tài chỉ là nghề tay trái bởi đều có công việc khác ổn định bên ngoài.

Thu nhập thì có tăng, nhưng sức ép lên đội ngũ cầm còi ở V.League các mùa giải gần đây cũng ngày một lớn. Nhiều người không chịu nổi đã phải chấp nhận bỏ nghề, đặc biệt nếu lỡ xảy ra sai sót. Sau mỗi trọng tài là gia đình, anh em, bạn bè và người quen.

Mỗi lần có sự cố, bị kỷ luật, nhiều người chia sẻ xấu hổ không dám ra đường. Trên sân thì bất kể lúc nào, trọng tài có thể biến thành “bia đỡ đạn”, phải hứng chịu phản ứng, la ó và chửi bới không mấy dễ chịu từ các đội bóng cũng như CĐV.

Người hâm mộ thì không phải ai cũng nắm rõ luật, hễ quyết định bất lợi cho đội nhà là quay ra trọng tài để phản ứng. Trọng tài Hoàng Anh Tuấn, một người khá nổi tiếng trong giới cầm còi, từng than thở một cách đau xót, ở Việt Nam “người ta gọi trọng tài là “thằng””.

Gần đây, sức ép lên các trọng tài càng tăng cao, một quyết định sai trên sân dù thuần tuý chỉ là vấn đề chuyên môn cũng có thể dẫn tới những án phạt rất nặng. Mới nhất có thể kể tới trường hợp của trọng tài Trần Xuân Nguyện và trợ lý Phạm Phú Hưng.

Cả hai sẽ bị đình chỉ làm nhiệm vụ từ vòng 13 do sai sót ở trận đấu của HAGL với Thanh Hoá, vòng 12 V.League vừa diễn ra cuối tuần qua. Kết cục của trận đấu này là HAGL thua ngược Thanh Hoá 2-3. Quyết định trên được Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền, người chịu trách nhiệm phân công trọng tài từ vòng 11 thay Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi, đưa ra rất nhanh. So với đồng nghiệp Phan Việt Thái, người mắc lỗi nghiêm trọng ở trận đấu của HAGL với Quảng Nam, dẫn tới việc đội bóng miền Trung trắng tay trước HAGL một tuần trước đó thì trọng tài Nguyện “quá đen”, khi phải hứng chịu vô số chỉ trích.

Chuyện rất thực, sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá. Nhưng nói như Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, nước ngoài không biết thế nào chứ sức ép với trọng tài Việt Nam ở V.League thật kinh khủng.

Giới bóng đá hôm qua bình phẩm tếu táo, rằng nếu cứ tốc độ “ra tay” nhanh như đối với trọng tài Nguyện và trợ lý Hưng, thì chả mấy bữa chắc ông Phó ban Dương Văn Hiền… phải đích thân cầm còi.

Trên thực tế, ông Dương Văn Hiền được “đẩy” lên thay Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi cũng vì việc các trọng tài để xảy ra sai sót nhiều. Trách nhiệm được quy cả cho ông Mùi, với mức độ cao nhất là đòi ông Mùi phải từ chức hoặc bị cách chức.

Nghề cầm còi ở V.League chắc chắn không dành cho những người có khả năng chịu đựng thấp.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.