Sản phẩm “độc, lạ” từ giải cứu
Mới đây, Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi) đã thử nghiệm thành công bún khoai lang tím, khi thấy mặt hàng nông sản này mất giá, nông dân khó tìm đầu ra.
Anh Lê Duy Toàn là người từng gây sốt với bún dưa hấu, bánh tráng thanh long hồi năm 2020. Căn nguyên khiến chàng giám đốc trẻ nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm “độc lạ” bắt đầu từ câu chuyện giải cứu nông sản “ế” do dịch. Thời điểm đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, xuất khẩu dưa hấu, thanh long trong nước gặp khó. Đó cũng là cơ duyên để Toàn nghiên cứu, mày mò và cho ra đời sản phẩm mới.
Cũng từ câu chuyện trăn trở khi thấy khoai lang đến mùa thu hoạch nhưng không ai mua, anh Nguyễn Thanh Việt (39 tuổi, quê Vĩnh Long) - giảng viên Trường Cao đẳng Vĩnh Long đã nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân - vùng nguyên liệu đặc sản khoai lang của tỉnh Vĩnh Long, chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá rẻ chỉ 500-1.000 đồng/kg đã thôi thúc anh tìm giải pháp nâng cao giá trị loại nông sản này.
Bún dưa hấu, bánh tráng thanh long xuất khẩu hơn 50 quốc gia, là sản phẩm luôn nằm trong top Best Seller (bán chạy nhất) trên Amazon. Anh Lê Huy Toàn, Giám đốc Cty Duy Anh hướng đến đưa bánh tráng, bún và những loại nông sản Việt Nam ra thế giới để người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt nhiều hơn.
Ngày đi dạy, tối tối, anh Việt cùng vợ thử đủ các loại công thức để chế biến khoai lang. Anh kể, cứ nghiền nát khoai lang rồi trộn với bột để làm bánh, nấu chè, làm bột bánh canh, chiên, luộc, hấp… đủ các kiểu. “Tôi muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng từ khoai lang, dễ dàng chế biến, hạn sử dụng dài. Đặc biệt sản phẩm đó sẽ trở thành món quà tặng du lịch đặc trưng của Vĩnh Long, để khách phương xa đến địa phương này có thể mua làm quà biếu tặng bạn bè, người thân” - anh Việt tâm sự.
Mất gần cả năm trời liên tục thay đổi công thức, gia giảm liều lượng, nếm trải không biết bao lần thất bại, cuối cùng, anh Việt đã cho ra đời những chiếc bánh phồng khoai lang đầu tiên. Có sản phẩm, anh mời học trò, bạn bè ăn thử. Thấy ngon và lạ, nhiều người tìm đến anh để mua hàng, có doanh nghiệp đề nghị hợp tác với anh để phân phối độc quyền.
Vươn ra thế giới
Dịch bệnh gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp; thế nhưng Nguyễn Ngọc Hương- Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên Việt vẫn có đơn hàng xuất khẩu các loại bột rau sang các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Ấn Độ…
“Rau má tuy rất tốt cho sức khỏe nhưng giá trị không cao. Người ta chỉ dùng rau má để chế biến thành sản phẩm uống tươi. Do đó, Hương và nhóm bạn đã thử nghiệm làm bột rau má. Khoảng năm 2015-2016, khi chưa ai nghĩ đến cây lá rau má mang đi làm bột để thay thế cho rau tươi và bán cả triệu đồng/kg” - chị Hương cho biết.
Giám đốc Thiên Nhiên Việt chia sẻ, khác với cách truyền thống là phơi nắng hoặc chế biến gia nhiệt khiến dinh dưỡng mất đi rất nhiều, chị áp dụng công nghệ mới là sấy lạnh. Mỗi loại rau cần thời gian sấy khác nhau, dao động từ 24-36 tiếng trước khi nghiền thành bột. Công nghệ này giúp giữ lại hương, vị nông sản gần
như nguyên vẹn. Ngọc Hương cùng đội ngũ của mình vừa làm vừa sửa, hoàn thiện sản phẩm qua từng ngày.