'Trồng người' hay hành người?

'Trồng người' hay hành người?
TP - Kể từ khi báo Tiền phong phát hiện và đưa ra công luận vụ Ngọc Trâm, bé học sinh giỏi mới 10 tuổi, đang là lớp phó học tập bị hoảng loạn đến phát điên chỉ vì “nghi án” 47.800 đồng tại trường tiểu học An Hiệp 2, Châu Thành, Đồng Tháp, hàng ngàn ý kiến bàng hoàng và phẫn nộ của bạn đọc cả nước đã liên tục gửi về tòa soạn.

Éo le thay, gia đình cô bé học sinh giỏi 5 năm liền, từng đoạt giải cuộc thi “bé khỏe – bé đẹp” của huyện này lại quá nghèo, bố mẹ em quanh năm đi làm mướn, căn nhà bé ở xơ xác như một túp lều…

Một bạn đọc viết: “Tiền phong ơi, tôi đọc tin này mà từ sáng đến giờ đã thực sự bị sốc và đau lòng. Tôi thương bé Trâm quá ! Con tôi cũng bằng tuổi bé Trâm, vậy mà…”.

Có người mẹ đã viết hẳn một bức thư đẫm nước mắt để động viên bé Trâm, thư có đoạn: “Cháu Trâm thương yêu! Là một người mẹ, cô biết bây giờ bố mẹ cháu đang rất khổ tâm khi thấy cháu như vậy. Vì một ngày mai tươi đẹp cháu hãy yên tâm trong vòng tay che chở của bố mẹ nhé! Hành động không tốt của ông Hiệu trưởng đã gây cho các cháu những sợ hãi kinh hoàng như vậy, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc… đừng sợ khi bố mẹ phải đưa cháu đến trường, vì đi học là rất cần thiết”.

Rất nhiều ý kiến bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm khắc, thậm chí truy tố trước pháp luật về hành động vi phạm quyền trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng của ông Hiệu trưởng, ông Tổng phụ trách Đội... Những người được giao trọng trách “trồng người” nhưng họ lại làm ngược lại: Hành người.

Trước thực trạng này, một độc giả kiến nghị : “Tôi nghĩ ở trường sư phạm, khi đào tạo những người thầy tương lai nên bổ sung thêm môn học về sự khoan dung, độ lượng, sự kiềm chế bản thân để người thầy sẽ mang đúng nghĩa là cha mẹ thứ hai của các con trẻ ở trường, nhất là môi trường tiểu học.

Tôi xin chia sẻ nỗi đau với gia đình bé Trâm và mong muốn qua chuyện này Bộ Giáo dục nên phát động lòng yêu trẻ và bao dung của những người thầy, nhất là trong môi trường tiểu học vì dạy cho trẻ nhân cách làm người là điều các thầy cô giáo tiểu học cần lưu tâm nhất và tác động quan trọng đến cuộc sống sau này của các em”.

Một độc giả khác gửi cho tòa soạn câu chuyện có thật về việc một học sinh bị mất bút: Cô giáo vì không muốn học trò của mình nghi ngờ lẫn nhau nên bí mật mua một cây bút tương tự cho cô học trò của mình cùng “kết quả điều tra” là cô lao công đã nhặt được.

Việc làm của cô không những dẹp bỏ ngay sự nghi kỵ không nên có của các em mà còn làm cho người có lỗi có cơ hội nhận lỗi với bạn, với cô một cách tự trọng, không bị xúc phạm đến tâm hồn các em.

Thiết nghĩ, từ vụ việc đau xót của bé Trâm mà báo Tiền phong nêu lên và sau đó là hàng loạt các tờ báo lớn khác đã vào cuộc, từ những ý kiến bạn đọc mà chúng tôi trích ra ở đây, đủ để những người có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT quan tâm mạnh mẽ hơn nữa tới trọng trách “trồng người” của mình.

Chống bệnh thành tích, dạy thật học thật thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn, mối quan hệ ứng xử giữa thầy và trò, “tiên học lễ, hậu học văn”, một môi trường sư phạm đúng nghĩa trong nhà trường, lòng độ lượng bao dung của người thầy, người cô… đã đến lúc không thể không trở thành một phong trào mạnh mẽ như phong trào “hai không” mà Bộ GD&ĐT đã từng phát động.

MỚI - NÓNG