Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp đến, nông dân trồng hoa trên khắp làng Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại rộn ràng chuẩn bị cho một mùa thu hoạch. Là loại cây trồng ngắn ngày, có sức chịu đựng tốt nên hoa cúc rất phổ biến ở Tây Tựu. Tuy nhiên, do những năm gần đây nhiều hộ gia đình đua nhau trồng cúc nên loài hoa này bị mất giá.
Ông Khanh, một người dân trồng hoa cho biết, năm nay cả Tết và Rằm tháng Giêng đều thất thu do hoa cúc mất giá. Được biết, giá hoa cúc năm nay tại vườn chỉ 200 đồng/bông, giá rẻ không bù được công nên nhiều cánh đồng hoa héo rũ mà không được thu hoạch. “Dịp 8/3 sắp đến, chỉ trông mong vào 7 sào trồng hoa hồng”, ông Khanh nói.
Năm nay, những loại hoa được ưa chuộng dành tặng phái nữ ngày 8/3 cũng không tăng giá nhiều, một bó hồng (khoảng 30 bông) có giá khoảng 50.000 đồng. So với hoa hồng, giá hoa ly còn giảm so với dịp trước Tết, còn 15.000 - 20.000 đồng/cành; hoa violet 3.000 đồng/bông. Chị Hòa, một nông dân trồng hoa tại Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội than thở: “Năm nay nhiều vùng trồng hoa, cạnh tranh nhiều nên hoa mất giá, làm không đủ sống”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, hiện nhu cầu hoa đang ngày càng tăng cao. Bởi không chỉ trong dịp Tết, mà người dân đang có nhu cầu sử dụng hoa quanh năm.
Tuy vậy, hoa là sản phẩm nông sản đặc biệt, theo thị trường, nên người nông dân cần đón được nhu cầu của thị trường chứ không phải trồng hoa theo cảm tính. Ông Ngọc cho biết thêm, hoa và cây cảnh nói chung, là đối tượng được Bộ NN&PTNT chú trọng phát triển trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp vì mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phát triển ngành công nghiệp lâu dài, cần có sự vào cuộc, chỉ đạo của cơ quan chức năng để định hướng cho người nông dân về cơ cấu giống hoa, đồng thời áp dụng công nghệ tăng chất lượng hoa trong nước.