Trong đám đông thiếu một anh hùng

TP - Thiếu nhiều thứ và thiếu anh hùng trong đời sống hôm nay- nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ cảm xúc về hội chứng hôi của và những thói hư tật xấu khác của người Việt.

> Giới trẻ Biên Hòa góp tiền giúp đỡ tài xế bị 'hôi bia'
> ‘Hôi của’ và bài học trong vấn đề giáo dục con cái

Xem hình ảnh và nghe nạn nhân, nhân chứng kể lại vụ hôi bia ở Biên Hòa, tôi lại nhớ chị từng nói trong “Thành phố đi vắng” (Giải thưởng Hội Nhà văn VN) chị viết nhiều về “ngu, tham, hèn, ác”- bốn đặc tính của con người. Vụ hôi bia này, tham và hèn ác không nói làm gì còn ngu dại có thể là, chỉ vì mờ mắt trước vài lon bia mà phải trả giá, cả xã hội lên án thậm chí có thể bị cơ quan điều tra xử lý.

Vụ này, nhẹ nhất cũng phải gọi là tật “của người bồ tát, của mình lạt buộc”, “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Ngay những người không hôi nhưng chứng kiến trong thờ ơ vô cảm cũng có thể thuộc nhóm này?

Chuyện người ta ào ra cướp lon bia hay bê nguyên thùng bia chạy trước sự van xin của nạn nhân, rõ ràng đúc kết cả bốn “đức tính”. Tham, muốn sở hữu tài sản người khác. Hèn, sẵn sàng uống (hoặc phân phát) một hay nhiều lon bia cướp được một cách hỉ hả- và ác, biến mình thành kẻ cướp, đàng hoàng mà cướp.

Tôi từng chứng kiến có người cầm túi rác, lẩn khuất rất gian trong bóng tối để sang cửa nhà hàng xóm vứt trộm xong tíu tít chạy về sợ bắt quả tang, trong khi mỗi chiều muộn đều có xe chở rác thu gom thì không vứt. Hỏi thời này có nhiều người giàu không mà đám đông lại sa sút nhân cách đến vậy? Rất nhiều người giàu. Tiền mua được nhiều thứ, không mua được văn hóa, văn minh. Tiền không làm ông hai tay hai điện thoại vài trăm triệu, ngồi ghế hạng C trên máy bay nhưng co chân đi tất bốc mùi gác vào ghế đằng trước có phụ nữ, ngủ ngáy hồng hộc kèm hơi thở nặng mùi. Chợt nghĩ, nếu người này gặp xe tải với những thùng bia đổ, chắc sẽ hôi một ít.

Chưa bao giờ đời sống tỷ lệ nghịch giữa hiện đại và vô cảm đến vậy. Bất cứ chuyện gì rất vớ vẩn xảy ra, lập tức một đám đông xuất hiện nhưng lại thiếu một người hùng.

Một hôm đi trên đường Quang Trung thấy hàng người rất dài, giật mình nghĩ hay lại có khuyến mại, miễn phí gì đây. Là vì ám ảnh hội chứng tranh cướp đồ ăn thức đựng ở phố Đoàn Trần Nghiệp và mấy vụ tương tự. Đoạn phố Quang Trung này có Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, biết đâu hôm ấy có sushi hay trà đạo miễn phí. Cũng may hình như không phải, trông có vẻ toàn sinh viên, có lẽ xếp hàng để “giao lưu văn hóa” thật. Đấy, bây giờ ý nghĩ của mình lại đâm ra u ám, tệ như vậy.

Chị nói về văn hóa, văn minh. Một số vị cướp bia ở Biên Hòa đã tự động trả lại, có lẽ không hẳn do bị lên án hay sợ công an xử lý, mà có khi cuộc hôi, cướp là hành động bột phát a dua của họ, tĩnh trí lại mới thấy mình sai. Có người cả nhà không uống bia, con gái nói “nhà mình có ai uống bia đâu mà mẹ lấy” song cũng tiện tay khiêng một ít, tưởng đâu mình đang nhặt được của giời ơi, trời cho. Họ đã không có được phản xạ chuẩn, tâm lý chuẩn, trước đó không được hưởng sự giáo dục chuẩn. Số này đông lắm.

Nhớ hồi đi Mỹ cách nay hơn chục năm, chị như một con mụ kèn kẹt, suốt ngày săm soi đoàn mình- khoảng chục mống xem có ai làm gì thất thố, có ngả ngớn nói cười và tranh thủ uống rượu “chạc” rồi họp chợ trên máy bay bay chặng dài, hay lờ tiền “típ” cho bồi, hay nước mắm rang cơm nấu mỳ dài dài làm Tây trong khách sạn chết khiếp, “mấy nghìn đô người ta cấp cho thì tiêu đi chứ, định bê nguyên cục về nhà à”. Có ông nhà thơ không biết vi tính ngày nào cũng nhờ gửi hai thư điện tử cho vợ và bồ. Tôi và anh Nguyễn Việt Hà phải thảo hai bức nội dung hệt nhau chỉ địa chỉ là khác. Bức thì đề “Em và hai con thương yêu”, bức thì “Em và một con thương yêu”. Nhà thơ này còn có niềm lo lắng mình mà vắng mặt thì thiệt mất suất áo phông (quà của phía mời)…

Bất cứ chuyện gì rất vớ vẩn xảy ra, lập tức một đám đông xuất hiện nhưng lại thiếu một người hùng

Ôi, nhắc lại chuyện đi Mỹ ngày đấy, chị không biết một bí mật khác, xuất phát từ sự kèn kẹt khiến vài người nhìn tôi không còn lung linh như trước. Họ nghĩ tôi sẽ rượu say khướt, mắt long lanh lang thang trong trời mưa tuyết để tìm tứ văn thay vì chằm hoằm lo xem ai về khuya quá không kịp sáng mai dậy lên đường chuyển thành phố, hay mắt long sòng sọc tranh luận chuyện nước Mỹ nhân quyền thì tao có quyền đụng chạm người mày thoải mái...

Ngày đó, chúng ta đều căng thẳng. Tôi, chị và vài người thỏa thuận ngầm là chia nhau mấy góc trong một cuộc tiệc để giữ những người hứa hẹn khi say sẽ có hành động khiếm nhã mất kiểm soát và đủ thứ phát sinh bất thình lình. Một chuyến đi quá nhiều biến cố đến nỗi có lúc ta nhãng quên bớt điều tốt đẹp hay ho cần tận hưởng, mà lại tập trung giảm thiểu rủi ro trong đoàn.

Những ngày đó, đúng là hoàn cảnh xô đẩy, khách quan tác động mạnh đến nỗi, chúng ta (tôi và chị) không ai bảo ai, cùng xúc động và thấy quý mến đột biến một, lung linh hình ảnh vài người đàn ông ở ngoài chỉ vì người ta ứng xử lịch sự thay vì làm thơ hay hay dở - điều mà khi ở Việt Nam, không bao giờ mình nghĩ thế.

Can, thùng, chậu được huy động để múc xăng hôi được “nhờ” tai nạn lật xe ở quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) hồi tháng 7/2013.

Và đúng là thiếu một anh hùng ra tay dẹp loạn, cứu nhân độ thế- từ vụ nhỏ lẻ cướp bia cho đến chuyện lớn. Các hiệp sĩ bắt cướp của Sài Gòn giờ cũng trôi dạt nơi đâu.

Nhiều năm trước nước Áo có vụ chấn động, bố đẻ giam con gái dưới hầm hãm hại mấy chục năm liền, cả thế giới chê cười gọi đất nước của âm nhạc là “đất nước của hầm”. Ở ta bây giờ cũng không thiếu bất cứ loại tội ác gì.

Sau 6 công nhân chết bỏng ở Zone 9, đến con số 6 khác- chết vì rượu độc (chắc cũng cháy, bỏng hết ruột gan) do bị pha nhầm cồn công nghiệp, tức là loại dùng đánh vec-ni. Rồi gia đình công nhân đi làm để con ở nhà, đứa lớn thoát được còn đứa 3 tuổi một ngày sau mới tìm thấy trong đám cháy tập thể. Những chuyện này đều trở nên bình thường, tôi đoán người chăm đọc báo như chị chắc cũng không vương vấn lâu?

Tôi vương vấn từ lâu rồi, không chỉ do đọc báo. Nó ám ảnh mình, đến nỗi ra Thành phố đi vắng với tỷ lệ 3/4 truyện về “ngu tham hèn ác” và vô cảm. Thật tâm, tôi không định viết nhiều về điều tồi tệ vì lần nào viết xong một truyện cũng buồn song cứ viết là bị kéo vào ám ảnh đó. Nhưng rồi thời gian trôi, hàng ngày đối mặt quá nhiều tai họa, cũng có phần nhàm (quả là tệ).

Nói rộng ra, tôi thấy người Việt hay xúc động lo âu trước những tai họa, tin tức ở đâu xa xôi nhưng lại quên số người mỗi ngày bị ung thư, ngộ độc do thực phẩm tẩm ướp hóa chất, hít không khí nhiễm khuẩn hay tai nạn giao thông chết cả tiểu đội, trung đội- ở chính xứ mình.

Hôm nay tôi đi họp, xong ra cà phê rồi ăn cơm bụi, tức là tiếp xúc với đám đông. Những khuôn mặt trĩu nặng bên ly cà phê thơm nồng ngày lạnh, lơ đãng nhìn vỉa hè phẳng đang gỡ gạch thay vỉa hè mới (cuối năm nào cũng thế), rồi bàn chuyện đám ma ông Mandela, tầm cỡ thế giới mà lọt thằng phiên dịch giả, hay chú ruột lãnh đạo Triều Tiên bị xử tử thật rồi. Lại những chuyện ít liên quan, còn chuyện chồng chém vợ bay con ra ngoài có lẽ cũng qua nhanh thôi.

Tại cuộc họp báo Festival Huế 2014, lãnh đạo tỉnh này tự hào ở đâu chặt chém du khách lễ hội chứ Huế không khi nào. “Festival gần nhất, 2012, gần 5.000 bài báo không bài nào phản ánh có hiện tượng này. Có vụ ăn cắp điện thoại di động của đại sứ Argentina chúng tôi bắt ngay và kẻ cắp cũng không phải người Huế”. Tôi có dự Festival 2012, đúng là thế, bình yên trật tự, không chặt chém. Như vậy, chúng ta vẫn còn Huế, Hội An, không chỉ có Biên Hòa một trong những “thành phố hôi” hoặc Thủ đô gì mà bán rượu hại chết dân tỉnh lẻ, đúng là “thành phố đi vắng”? Ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu: “Nghe báo đài đưa tin cơ sở mang tên Hà Nội bán rượu gây ngộ độc chết người, chúng tôi cảm thấy thực sự có lỗi” . Đằng sau tất cả những chuyện này, để chốt lại, chị nói gì?

Tôi từng nói: “Người tốt thời nay co ro cô đơn”. Hôm bác Giáp mất, tôi nghĩ khác. Hóa ra lâu nay người dân bị mang tiếng vô cảm không phải là tất cả. Hóa ra không phải cứ hở ra là bị cướp hay mất. Nhìn những bãi xe, thùng bánh mỳ thùng nước miễn phí dọc con đường, thấy lòng người dân nhân ái và phi vụ lợi thế nào.

Trong từng đoàn người đến viếng, tôi chắc có rất nhiều người đời họ không mấy khi kiên nhẫn xếp hàng thế này. Dám chắc có rất nhiều dân anh chị nóng tính, chạm cái là “múc” ngay. Và nhiều tên trộm... Nhưng lúc đó, họ khác. Tôi đã đi tất cả những con đường quanh Hoàng Diệu, nhà tang lễ, thấy ấm lòng, để cho nước mắt chảy không chỉ vì tiếc thương mà vì thấy chưa mất hết điều đẹp đẽ. Thấy người Việt vẫn biết trân trọng nâng niu điều thiêng liêng.

Nhưng rồi tuần trước vào Sài Gòn, quên mất chuyện cướp giật trong này cao thủ. Cả con đường không thấy ai đi mà mình vác điện thoại ra nghe. Y như rằng mọc ra thằng cướp như đất nứt chui lên. Tôi đeo cái túi, người bạn đi cùng mắt lác xệch sợ hãi giật cất ngay vào cốp xe. Hiện thực nghiệt ngã ùa về.

Để tìm ra nguyên căn gốc rễ của chuyện hôi của hay sự tàn độc của con người nơi này nhưng lại tỏ ra nhân ái vị tha nơi khác, tôi nghĩ, phải quay về vấn đề đức tin. Những người đi trước hãy tạo đức tin cho thế hệ đi sau như một thứ ánh sáng soi rọi, khiến người ta bớt dần cái tối trong mình, hướng trái tim, ánh mắt về nơi ánh sáng để hoàn thiện mình mỗi ngày.

Vâng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng nói trên báo Tiền Phong rằng “sung sướng thay là những kẻ có niềm tin”, và dù lỗi của thế hệ ông là đã “tin tưởng quá” nhưng còn hơn con cái ông bây giờ- như ông nói “tôi thương chúng vì chúng chẳng biết tin vào cái gì”. Cảm ơn chị.

Theo Báo giấy