Trông chờ đổi mới

Trông chờ đổi mới
TP - Ngày 13/11/2007, theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân ngày đó, lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội đến một số trường tiểu học ở Thủ đô để kiểm tra cân nặng cặp sách của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Lý do cân cặp bắt đầu từ câu chuyện quá tải. Phụ huynh than thở, xót con khi nhìn những chiếc cặp sách to, nặng hơn người. Năm 2000, Bộ GD&ĐT tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) với hy vọng giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng không hiểu sao, chiếc cặp của học sinh cứ ngày càng nặng thêm. Không chỉ học sinh mà cả xã hội đều phải gồng mình để mang nó.

Trước sức ép vì sự quá tải, vì chương trình đào tạo đã lỗi thời, Bộ GD&ĐT phải đưa ra đề án đổi mới CT-SGK và đề án đã được Quốc hội phê duyệt. Dự kiến, từ năm học 2018 - 2019, học sinh sẽ được học theo CT-SGK mới bằng hình thức cuốn chiếu từng cấp học.

Phụ huynh lại bắt đầu trông chờ. Ngày 17/1 vừa qua, GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông - trình bày định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. “Thực học - thực nghiệp, học đi đôi với hành, tăng phân luồng hướng nghiệp”  được GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra như kim chỉ nam cho CT-SGK mới.

Theo phác thảo của chương trình mới, ở lớp 10, học sinh vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành. Trừ 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. 

Môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn. Sau giai đoạn dự hướng ở lớp 10, từ lớp 11 trở đi, học sinh cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Theo tính toán của nhóm thiết kế chương trình, mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, học sinh có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp sở trường, sở thích của mình. Ví dụ, một học sinh dự kiến theo đuổi nghề y sẽ chọn Toán, Hóa học, Sinh học. 

Theo cách thiết kế này, học sinh sẽ được học theo đúng sở thích, sở trường của mình, không còn phải dàn hàng ngang để học những môn sau này gần như không có đất dụng võ. PGS Văn Như Cương từng nói, nếu sau này bạn định làm nhà văn thì bạn không cần phải biết tích phân, vi phân, vì nó thực sự không giúp được gì cho công việc, cuộc sống của bạn.

Giảm số lượng môn học, tăng tính tự chủ cho học sinh, phát triển các yếu tố cá nhân để học sinh có được những kiến thức vững chắc, kỹ năng sống đang là những điều mà phụ huynh, xã hội mong muốn. 

Vì có như thế, khi có bước chân ra môi trường mới, học sinh mới không cảm thấy lơ ngơ, không còn cảm thấy mình giống món lẩu thập cẩm, cái gì cũng có nhưng rốt cuộc chẳng biết cái gì.

Chúng ta trông chờ sự đổi mới.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.