“Trồng - chặt” trong giáo dục

“Trồng - chặt” trong giáo dục
TP - Đã thành lệ, cứ bắt đầu một mùa tuyển sinh là các báo đều có tin bài tường thuật chi tiết về số lượng hồ sơ của thí sinh, ngành nào nhiều, ngành nào ít. Lẽ ra đây chỉ nên là những thông tin tham khảo của các nhà hoạch định chính sách (thậm chí không cần vì sau mùa tuyển sinh, người ta hoàn toàn có đầy đủ thông tin).

> Qua hồ sơ, rõ xu hướng ngành nghề
> Thực hư 'dưới 10 điểm cấm thi đại học'

Nhưng vì sao báo chí vẫn thông tin dày đặc. Đơn giản là nhiều người, trong đó có phụ huynh, có học sinh, quan tâm đến thông tin này. Chỉ có điều,nếu học sinh (và phụ huynh) chọn nghề cho mình và con em theo tâm huyết, không chọn nghề theo “xu hướng xã hội”, có lẽ cũng chả cần những thông tin ấy.

Năm nay các ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán không còn thu hút thí sinh như một số năm trước, thay vào đó là y dược, thậm chí là sư phạm, ngành mà nhiều năm trước được xem là “chuột chạy cùng sào”. Theo Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tính đến sáng 22/4, lượng hồ sơ đăng ký dự thi trường nhận được là hơn 2.100, tăng hơn 30% so với năm trước.

Theo một đại diện của trường đại học Nông- Lâm TPHCM, năm nay những ngành hút nhiều thí sinh là quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ thực phẩm, nông học, thú ý… Đây là sự “lạ mà không lạ”.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh bết bát, chuyện người ta quay về với sư phạm, với những ngành nghề “cơ bản” cũng dễ hiểu. Chỉ có điều, việc này một lần nữa cho thấy nhiều người, nhiều gia đình trong xã hội ta vẫn đang chọn nghề theo tâm lý đám đông, theo “tính thời vụ”.

Thực ra, tâm lý này rất phổ biến. Không chỉ người học, phụ huynh, mà ngay cả các cơ sở giáo dục. Thời “hoàng kim”, đâu đâu cũng thấy đào tạo quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng. Các trường có mấy chữ “nông”, “lâm” hay “công đoàn” cũng hút thí sinh qua những khoa, ngành liên quan đến kinh tế.

Đến đây, có thể nói điệp khúc “trồng - chặt” không còn là “độc quyền” của lĩnh vực nông nghiệp, mà còn được thể hiện rất rõ qua bộ mặt giáo dục nước nhà.

Điệp khúc này không chỉ thể hiện ở số lượng trường đại học bung ra trong thời gian qua để rồi sau những biến động xã hội, nhiều trường lâm vào tình trạng “ế sưng ế sỉa”. Mà còn thể hiện rõ ở số sinh viên ra trường làm trái ngành nghề, ở sự dư thừa nhân lực ở một số ngành kinh tế- tài chính trong khi nhiều ngành rất cần lao động qua đào tạo nhưng bói không ra người.

Khi cả xã hội cứ nháo nhào theo tâm lý đám đông, khi công tác hướng nghiệp chỉ cho có, khi những bản hoạch định nguồn nhân lực quốc gia toàn những chỉ tiêu đẹp như vẽ nhưng thiếu đi kế hoạch thực hiện hiệu quả, rất có thể một vài năm sau chúng ta lại chứng kiến đi đâu cũng gặp các thầy cô giáo thất nghiệp trong lúc bói không ra nhân viên chứng khoán. Và một cuộc nháo nhào mới lại nhen nhóm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.