Facebooker Huy Nguyen, chuyên gia dự báo thiên tai và thời tiết cực đoan nổi tiếng và uy tín bậc nhất trên mạng xã hội hiện nay, lúc 6 giờ tối qua (14/11), đã nhận định về cơn bão Vamco (bão số 13) sẽ đổ bộ vào bờ sau vài tiếng nữa: “Tôi dự báo bão đã 12 năm, chưa khi nào tôi gặp cơn bão gần bờ biển Việt Nam lớn như thế này. Tôi cũng nghiên cứu các cơn bão từ đầu thế kỷ 20 đến giờ ở Biển Đông. Chưa cơn nào lớn như cơn này”.
Đúng thật chưa bao giờ bão lũ, sạt lở núi non lại diễn ra khốc liệt, dồn dập và “quái đản” như năm 2020 này. 13 trận bão, và có lẽ chưa dừng lại con số này. Chỉ chưa đầy nửa tháng, liên tiếp hai trận cuồng phong mang tên Molave (bão số 9) và Vamco (bão số 13) đổ ập vào xé nát dải đất miền Trung…
“Trời phát lệnh” gì với con người đây?!
Ở Thừa Thiên Huế, tỉnh này khẩn cấp buộc thủy điện Thượng Nhật phải mở hoàn toàn 5 cửa van xả nước trong hồ chứa ngay trước khi bão số 13 đổ bộ. Bởi thủy điện này ngang nhiên tích nước trái phép vào hồ chứa với cao trình lên tới 115 mét. Công an được lệnh túc trực 24/24 tại đây để giám sát. Với thủy điện, nước là tiền, nhất là sau hàng chục tháng trời đất trời khô khát không một giọt mưa. Nhưng giờ đây, những núi nước khổng lồ ấy là chết chóc, tang thương làng xóm, nếu cứ muốn ôm giữ lấy đến cùng. Như bao nhiêu thủy điện khác.
Không biết hai viên phi hành gia đã rời khỏi hành tinh Ngực Rừng để về lại trái đất chưa? Trong tiểu thuyết “Và một ngày dài hơn thế kỷ” của nhà văn nổi tiếng người Kyrgyzstan (Liên Xô cũ) Aimatov. Hai phi hành gia trong một nhiệm vụ lên vũ trụ để nghiên cứu khai thác năng lượng về cho trái đất, đã vô tình được cư dân hành tinh Ngực Rừng mời sang như thượng khách. Người ở Ngực Rừng là chủ nhân của một nền văn minh hiện đại cao cả, họ biết điều khiển thời tiết, không bao giờ có hạn hán, bão lụt.
Nhưng những bức điện đánh về trái đất của hai phi hành gia trên lại rơi tõm vào im lặng khó hiểu. Với thông điệp gửi về, rằng các cư dân Ngực Rừng muốn được đến thăm và hợp tác với trái đất một cách thiện chí. Rằng nếu trái đất học tập Ngực Rừng, sẽ “có thể tạo nên một cuộc cách mạng, bắt đầu từ cách khai thác năng lượng thế giới vật chất chung quanh, cho đến cách chung sống không cần vũ khí, bạo lực và chiến tranh”.
“Và một ngày dài hơn thế kỷ” ra đời năm 1980. Đã tròn 40 năm, trái đất đã trả lời thông điệp ấy chưa? Hay vẫn tham vọng tìm cách “bá chủ vũ trụ” cho riêng mình?
Trời đất còn kiên nhẫn “phát lệnh” nữa không, hay đến lúc quay lưng chối bỏ loài người?