Trời cao đất thấp

TP - Chấn động cả xã, lớn đến độ công an huyện có mặt. Chớ sao, bắt cóc là lớn chuyện chứ đâu phải chơi. Cả gia đình già Mười Giáo gồm năm cặp vợ chồng bu quanh trong một căn nhà, ngoài sân thì bà con cô bác đến xem chơi và luận.
Minh họa: Huỳnh Ty

Con nhỏ làm thuê trong nhà, tục gọi ô sin, mở tủ lấy năm chục triệu bạc, hai cây vàng ẵm luôn thằng cháu nội của Mười Giáo dông tuốt. Thấy ông bà cố tổ đợt nầy rồi. Đủ thứ ai mà có ngờ. Tưởng cha nội quần đùi áo cánh nầy khố rách áo ôm, dè đâu vàng tiền cả một gia tài. Cũng không ngờ con nhỏ ở ba năm trong nhà lại vung tay rút kiếm đâm một phát ngọt xớt như vầy. Chết thiệt chứ chơi sao?

Nói vậy chứ đừng có giỡn mặt với công quyền, ăn cắp vặt thì có thể chứ bắt cóc thì thoát lên trời. Con ô sin nầy tù chắc. Đúng là đồ vong ân bội nghĩa, không có vợ chồng Mười Giáo thì nó vong rồi. Hồi đó á hả…

Hồi đó sao?

Chuyện nầy kể cũng rối như tơ. Chả biết nói làm sao cho có đầu đuôi gốc ngọn… Lúc đó con vợ thằng Út Mén ở Đài Loan về…

Sao lại có đài điếc dính vô đây?

Từ từ, từng chút một mới ra ngô ra khoai, độp một cái thì thánh cũng bó tay. Cha nội Mười, trước cũng khá lắm, đất đai cả hai mẫu chứ ít sao? Nghèo như hôm nay là do đẻ đái mà ra. Vợ chả đẻ là thiên hạ xứ nầy phải kinh tâm. Mới đợt đầu một phát sinh ba. Ba thằng con trai khiến từng sào đất ra đi cho vụ sữa bú dặm.

Tưởng vậy là hết, mẹ ơi, lần thứ hai bả cho ra đời hai con vịt bầu. Cuối cùng chỉ còn lại đúng một sào đất cao làm thổ cư. Thằng Út Mén đúng nghĩa chí mén luôn. Anh chị nó ra riêng, một đứa được trăm mét vuông cất nhà, đứa nào đứa nấy nghèo mướt, vợ chồng Mười Giáo chăn cháu nội ngoại đừ ống điếu đự. Út Mén ở với cha mẹ, được cái lớp chín rồi vô công ty Đài Loan làm công nhân.

Lớp chín nhưng những mười tám tuổi, cũng thông cảm cho Út, nhà nghèo mà cạy cục được mớ chữ vậy là nỗ lực lắm. Bám theo công ty năm sáu năm ròng, cần cù chịu khó nên Út được thăng lên tổ trưởng. Mình ên chăm hai ông bà già kể cũng tươm. Hai mươi sáu tuổi Út bị nhỏ tên Loan, người miền Trung, giương cung bắn một mũi tên ái tình, Út lãnh một phát ngay tim. Nhỏ cũng khoái anh Út đẹp trai và ga lăng nên gật đầu cái một.

Sau mấy tháng yêu nhau, cũng đám cưới nhà hàng như ai. Nhờ cái uy tổ trưởng nên anh em trong công ty giúp cho cũng kha khá, gọi là có tí mua dây chuyền, cà rá bừ bự đeo chơi.

Công ty của Út có kế hoạch đưa những công nhân gọi là ưu tú đi nâng cao tay nghề ở công ty mẹ, gọi là lao động hợp tác. Ai cũng khoái là vì làm ở công ty mẹ lương cao gấp năm lần xứ ta. Khoái, nhưng điều kiện đưa ra cũng khá khắc nghiệt. Anh chị phải chịu khó và quan trọng là đạo đức tốt.

Giỏi và chịu khó thì đương nhiên, làm thuê cho nước ngoài ai dám lười? Nhưng còn khoản đạo đức tốt mới khó, ở nơi làm việc ai chả tốt, còn sự thật thì ai biết? Cái nầy thì chỉ có mấy ông phó giám đốc người mình mới biết. Chỉ cần ổng duyệt rằng a bê xê chi đó tốt là thông qua liền. Muốn thông ư? Ta làm sao?

Ta cứ đến nhà anh, anh sẽ chỉ cho cách. Dễ ẹc. Út Mén phải chạy cái suất đi Đài của mình là bảy chục triệu. Mười Giáo giơ hai tay:

- Má ơi, tao còn cái khỉ khô. Gì mà dữ vậy con?

- Đâu phải một mình thằng phó ăn đâu ba, mấy tổng người Đài cũng có phần. Mỗi suất cha phó chừng một chục, còn bi nhiêu tụi Đài ăn hết… Nhưng ba má yên tâm con làm năm tháng là dư tiền chuộc sổ đỏ liền. Lương con ở bển tính tiền Việt mình là hai chục triệu ngoài. Phải đi mới đổi đời ba ơi, còn ở đây thì hết kiếp nầy cũng công nhân.

Biết sao giờ? Không lý hai mẫu đất lo cho anh chị nó, giờ không lo cho Út ngó sao đang? Vậy là Út có một suất. Hai vợ chồng bay về Trung thuyết phục cha má Loan thêm một suất. Gia đình cô gái nghe rể nói cũng bùi tai, liền tháo vòng vàng, cầm thêm nồi đồng mâm thau. Của nả hai vợ chồng gom sạch. Y như rằng, qua Đài chưa đến năm vợ chồng đã lấy lại những gì đã chi.

Thêm năm nữa Mười Giáo kêu vật liệu đến và một căn cấp bốn tương đối gọi là ngự trị. Nghèo nên Mười giỏi lắm, cả bầy trai gái cũng giỏi luôn. Ba thằng trai sinh ba là thợ hồ loại xịn. Nhà Mười Giáo xây xong không tốn một đồng công thợ. Nhỏ Loan mà không bầu bì thì không chừng lên luôn từ đó.

Ở Đài được ba năm Loan về lại công ty:

- Sao về? – Bạn hỏi.

- Cấn bầu rồi.

Đúng là dân Trung có khác. Thương khó hết ý luôn, Loan cứ sáng đi tối về thiên hạ tăng ca làm sao Loan làm vậy. Bầu đến tháng thứ chín mà vẫn rồ ga chiếc wave đi làm:

- Nghĩ cho rồi mầy ơi, tham nó vừa thôi.

Loan chuyển bụng ngay tại công ty. Tắc xi phải đưa cô đến bệnh viện. Vậy là có quyền nghỉ thai sản sáu tháng vẫn có lương. Cô đẻ ra thằng cu đẹp như thiên thần. Nó bú mẹ đúng chuẩn, lâu lâu Loan còn dặm thêm cho cu hộp sữa ngoại. Bố nó ở Đài nhớ vợ thương con chi xiết kể, nhưng chuyện làm ăn, chuyện tương lai thì đành vậy chứ biết làm sao? Tiền Mén gửi về không khả quan như đã tính. Hỏi. Út trả lời do cái suy thoái nên ít được tăng ca. Nhưng Loan không tin. Cô rành chồng lắm.

Rành làm sao?

Trời đất. Vậy mà cũng hỏi. Thằng đàn ông trên thế gian nầy mà thiếu đàn bà mà chịu được đêm dài vắng lặng xin đi đầu dưới đất. Mấy tay nước ngoài làm ăn ở xứ ta mang cả vợ hoặc nhân tình đi theo mà còn nhảy dù đến phố mờ đèn. Thằng ta đi xứ người nào có thua chi. Xứ ta, nói ra nghe tự ái dồn cục, chứ trăm bạc thêm chai nước mười ngàn là có quyền ôm, thêm trăm nữa có quyền cùng một xinh mơ tới bến. Ở xứ người hả? Giá đó thì đừng mong nắm tay một đứng đường. Ít cũng ba mươi đô la Mỹ. Mén của Loan, Loan biết lắm, không có vợ kề bên thì sao chịu được, vậy nên tiền gửi về không như ý cũng chả có chi lạ.

Buồn, nhưng ánh mắt nụ cười và tiếng khóc của bé con cho Loan rất nhiều niềm vui sống. Và thời gian nó vùn vụt trôi. Một tháng trước kỳ hết thai sản. Loan nói với mẹ chồng:

- Má trông giúp con cu Phong, con đi làm nha má.

Bà má phải gật chứ biết làm sao. Nhờ, nhưng Loan ái ngại lắm. Má chồng cô hom hem lắm rồi, cả một đời chỉ biết chăm con và cháu, không biết lấy một lần đi đó đi đây. Đến cái quê miền Tây vài trăm cây số đường mà mỗi lần về thăm khó còn hơn đi Pháp. Loan phải nịnh bằng cách đưa bà về Tiền Giang thăm bà con cô bác. Và ở xứ nầy cô gặp Thu Hiền.

Chồng Hiền ở tù vì giết người trong một cơn say. Con gái sáu tháng tuổi cũng mất vì bạo bệnh. Cô gái sướt mướt khóc vì bất hạnh và đau nhức bởi hai bầu sữa căng cứng. Thấy cu Phong, Thu Hiền ôm cho đỡ nhớ con mình. Thằng cu liền rúc vô nách, thương quá Hiền vạch vú cho bú, cu con chả nề hà chi kẻ lạ người xa. Nó say sưa nút và ngủ. Loan nhìn và bâng khuâng nghĩ, nếu cô Thu Hiền nầy mà chịu ở với mình thì vẹn cả đôi đường. Đang thì thất nghiệp, sông nước kiếm tiền vất vả quá, nghe đề nghị Hiền gật đầu cái một và ngay lập tức khăn gói lên miền Đông.

Ở Đài, Mén ta nghe vợ đầu đuôi sự kiện, liền quyết định:

- Để anh điện cho thằng phó Lộc giúp một suất, em qua đây với anh.

Thực là hết sức tốt. Cô giao việc nuôi con lại cho Thu Hiền. Vợ chồng Mười Giáo mừng rơn. Thu Hiền nghiễm nhiên là mẹ cu Phong. Cho nó bú không mẹ thì là gì? Vừa được làm mẹ, vừa có tiền gửi về quê giúp cha mẹ già. Ổn định cả ba năm ròng, vậy mà nỡ bắt con, ăn cắp tiền, lấy luôn chiếc Wave ra đi.

Nghĩ sao mà làm vậy hả trời đất?

***

Và một cuộc rượt đuổi ngoạn mục xẩy ra. Công an về đến Tiền Giang thì kẻ bắt cóc đã phi về bà con đâu đó ở Trà Vinh. Hết Trà Vinh lại rong ruổi qua Đồng Tháp. Đến đâu cũng nghe câu trả lời nó mới đi có hai tiếng. Hai tiếng trên phân khối lớn thì đúng là bóng chim tăm cá. Hết mấy tỉnh miền Tây thì cô em đã phi lên thành phố chục triệu dân trú ngụ. Giữa cái biển người mênh mông nầy mới thiệt sự nhức đầu. Thiên hạ:

- Phải tìm ra cho lẹ, bằng không nó mang qua K là xong phim.

Vụ bắt cóc xẩy ra lúc Loan về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Vừa mở máy liên lạc đã nghe anh chị em bên chồng báo sự cố. Cô điếng người, chồng Út Mén cũng rụng rời tay chân:

- Em bình tĩnh, anh về liền đây.

Không về ở bển mà tế ông nội mầy à? – Thiên hạ lại bĩu môi – Bà mẹ tụi bây tham vừa vừa thôi, con cái mới là tài sản quan trọng nhất. Té ra cái vụ nầy cho bây biết lệ đổ đổ lệ ra làm sao. Con cái hơn hay tiền hơn? Mà vụ nầy cũng không trách được con Hiền. Tao kề bên nhà tao rành sáu câu…

- Rành làm sao chú Hai?

- Bây biết không? Con Loan quăng con cho con Hiền, con nít ai chăm sóc kỹ, gần bên là nó theo ngay, lại thêm cái bình sữa đầy ặp. Con Hiền nuôi thằng nhỏ gần ba năm, tình như ruột thịt, nó không chồng, không con… máu của thằng Phong toàn sữa con Hiền, bây nghĩ có tội nghiệp không?

- Nhưng đâu phải vậy mà chôm tiền cướp xe bắt cóc con người ta chú Hai? Người ta cũng trả công cán mình đàng hoàng mà.

- Tao đồng ý với mày cả hai tay hai chân. Nhưng hiểu cho cái mẫu tử tình thâm ở đây dùm tao. Mày không nghe câu công sanh không bằng công dưỡng sao?

- Cho con xin đi ba… tiền công đàng hoàng rồi nghe, nhớ dùm cho cái đi.

- Nhưng thằng nhỏ nó đâu cần biết chuyện đó. Nó chỉ biết con Hiền là mẹ và con Hiền hiểu điều đó hơn ai hết…

- Chắc nó cũng hiểu vậy là bắt cóc, là chết ông hiểu không ông Hai? Mà sao tui thấy ông binh nó vậy, bộ nó bà con với ông hả? Hành vi của nó là phạm tội rành rành, ủ tờ dài hạn luôn, khôn hồn nó đầu thú thì may ra… mà sao nó ngu quá vậy kìa?

Có chi khó hiểu đâu? Ông già Hai nói rằng mỗi năm Loan về thăm con hai lần. Ngay lần đầu tiên thằng Phong đã không còn nhớ mẹ là ai, nó đeo quyết con Hiền. Về Trung thăm cha mẹ ruột Loan phải đưa cả Hiền đi theo. Thấy vậy già Hai nói:

- Con mày mới một năm tuổi, mày nên ở nhà mà chăm sóc con, đi miết nó không nhận ra mày nữa cho coi.

Loan cũng nhận ra điều đó, nhưng đã chung cả trăm triệu bạc cho suất đi, đâu thể để xôi hỏng bỏng không được, với lại cô nghĩ gì gì nó cũng con cô, có lên trời nó vẫn cứ là con nên yên tâm đi tiếp. Những lần sau đều vậy, thấy tình hình không yên nên chuyến nầy cô quyết định về ở luôn để gần con cái. Cô gọi điện cho mẹ chồng và có ý định sẽ cho Thu Hiền nghỉ việc khi cô về.

Nghe trộm được cuốc điện thoại ấy, Hiền có qua nhà già Hai vắn dài tâm sự, và có lẽ sợ mình sẽ bị đuổi, nghĩa là không còn có cơ hội chăm sóc thằng cu, tuy không phải con mà còn hơn là con nên Hiền đã hành động chăng?

- Chắc là vậy quá - Già Hai kết luận.

***

Loan về đến nhà. Thôi thì khóc, ròng rã khóc cả ba ngày, cho đến khi chồng về. Út Mén đi ra đi vô trong căn nhà những người là người, năm cặp vợ chồng anh chị Út, vợ chồng Mười Giáo, cháu, tha hồ cháu và bà con xóm giềng. Cái nhà ồn như chợ vỡ. Thiên hạ bàn cho vơi bớt âu lo. Ai cũng tin vô sự thần sầu của công an. Họ kể một thằng cũng bắt cóc, ghê gớm hơn con Hiền nhiều mà bị túm không quá hăm bốn tiếng. Nói chung phải tạo hy vọng cho nạn nhân có niềm tin.

Y như rằng, chiều ngày thứ ba có điện thoại của công an huyện báo tội phạm đã bị túm ở thành phố Bác. Thị đang ngụ trong một nhà trọ ở Bàu Cò Láng Le. Cái tên nghe là ra cả một trời lạnh lẽo:

- Láng Le ở đâu?

- Ai biết, biết chết liền.

Ra cái địa danh nầy ở Bình Chánh, Vậy là cặp vợ chồng trẻ vội vàng lên honda ôm phi nhanh lên nơi đang tạm giữ thằng cu và cô ô sin. Già Hai cũng rồ ga chiếc City cà là mèng:

- Chớ đi đâu vậy ông Hai? – Bà Hai hỏi.

- Tui lên trển coi nhỏ Hiền ra sao. Dù gì nó cũng coi mình như cha mẹ.

Cặp vợ chồng trẻ mừng hết lớn luôn. Vậy là thôi nghe, đã nói ba cái vụ bắt cóc nầy không thể nào lọt lưới được đâu.

Ở phòng công an huyện. Đôi vợ chồng trẻ nhận lại tất cả tài sản đã mất, thủ phạm không tiêu lấy một đồng. Thằng cu về với vòng tay mẹ. Nhưng cu không chịu. Nó khóc. Trời ơi nó khóc và giẫy dụa, luôn miệng gọi mẹ Hiền của nó. Mà xưa nay con khóc thì chả có bậc cha mẹ nào chịu được.

Trong phòng tạm giam Thu Hiền cũng rũ rượi khóc. Khẩn khoản lắm già Hai mới được phép vào thăm cô gái mà ông khai là con nuôi. May quá, dù sao cũng chỉ là tạm giam. Cô gái dại dột ôm ông già.

- Sao mà dại vậy con?

Cô gái bất hạnh vì chồng tù con mất nay phạm tội khóc mùi khóc mẫn:

- Con sợ không được nuôi cu Phong. Con nghe chị Loan nói sẽ cho con về quê, con dại dột quá giờ làm sao chú Hai ơi, chú cứu con với. Con nuôi cu Phong ba năm nay, giờ mất nó con chết mất chú ơi…

Ở bên ngoài tiếng khóc cu con ngằn ngặt vọng vào, cặp trẻ dỗ bao nhiêu cũng không được. Họ đưa mắt nhìn nhau.

Làm sao bây giờ hả trời đất?

Nguyễn Trí rất có tài hoạt kê. Dưới ngòi bút của ông, thiên hạ hiện ra như một tổ mối vỡ với những con mối biết nói. Có cảm giác, đối với nhà văn từng trải đời sống này, mọi chuyện xảy ra trên đời chẳng còn dường bao quan trọng. Cái quan thiết còn lại, là cái tình đời. Dĩ nhiên, Nguyễn Trí không tri hô lên thế, ông chỉ tưng tửng kể, và tưng tửng dừng, rất đúng lúc - như trong truyện ngắn dưới đây.

L.A.H