Trớ trêu nghề hỗ trợ người 'lệch lạc tình dục'

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Ảnh: Lan Hương.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Ảnh: Lan Hương.
TP - Trong khi dư luận xã hội đánh đồng tội “xâm hại tình dục trẻ em” và “ấu dâm” thì Ths. Hà Thành khẳng định hai khái niệm đó không hẳn là một.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm chẩn đoán và định hướng tư vấn -  trị liệu các rối nhiễu tâm lý, Ths Tâm lý Nguyễn Hà Thành  coi những người “gặp vấn đề về hành vi tình dục” và nạn nhân  như những “thân chủ” đang cần hỗ trợ .

Chị có thể nói rõ thế nào là người mắc chứng lệch lạc về tình dục?

Trong đa số trường hợp tôi thường dùng từ “lệch chuẩn” thay vào “lệch lạc”. Những người mắc chứng bạo dâm, cuồng dâm, khổ dâm, thị dâm... trong mắt người bình thường là đồi bại biến thái nhưng nếu họ tìm được bạn tình tương thích thì mọi việc sẽ khác. Ví dụ: người phụ nữ bình thường ở với chồng bạo dâm sẽ là cực hình nhưng nếu người bạo dâm đó tìm được bạn đời mắc chứng khổ dâm thì họ sẽ hòa hợp. Tuy nhiên không dễ để hai nửa “dị biệt” đó gặp được nhau. Bi kịch vẫn xảy ra với những cặp đôi cưới nhầm. Riêng đối với người mắc chứng ấu dâm thì thuộc nhóm lệch lạc, thậm chí là một dạng bệnh tâm thần.

Rối nhiễu tình dục nào khiến thân chủ của chị lo lắng nhiều nhất?

Trong những người tìm đến tư vấn tâm lý có khoảng 20-30% trong số họ cần được tư vấn về tâm lý tình dục bao gồm cả những nạn nhân, người thân của họ khi bị đe dọa bởi người lệch chuẩn, tội phạm xâm hại. Không ít các thiếu nữ đã tìm đến chúng tôi khi bị kẻ phô dâm (bắt người khác nhìn bộ phận sinh dục của mình) quấy rối. Phụ huynh có con bị xâm hại, phụ nữ có bạn đời mắc chứng rối loạn cương dương, bạo dâm, cuồng dâm, chính những người mắc chứng bạo dâm, người mắc chứng ấu dâm. Tôi từng tư vấn cho một nghệ sĩ khá nổi tiếng, hồi nhỏ anh ấy bị xâm hại bởi một người đồng tính. Sau này bị ám ảnh, thỉnh thoảng  anh rơi vào trạng thái sang chấn tinh thần.

Xâm hại tình dục trẻ em và ấu dâm có phải là chứng bệnh không bao giờ chữa khỏi?

Đa số người trong cộng đồng vẫn nhầm tưởng “xâm hại trẻ em” và “ấu dâm” là một. Ngay cả truyền thông cũng dùng từ sai khi gọi Nguyễn Khắc Thủy (và những tội đồ xâm hại, hiếp dâm trẻ em khác) là kẻ ấu dâm. Trường hợp kẻ xâm hại, hiếp dâm trẻ em mà có vợ con, có nhu cầu quan hệ tình dục với người trưởng thành thì không gọi là “ấu dâm”. Ấu dâm nghĩa là “tưởng tượng những khuấy động tình dục mãnh liệt, ham muốn tình dục lặp đi lặp lại hoặc những hành vi liên quan đến trẻ em chưa đến tuổi thành niên. Người ấu dâm chỉ ám ảnh quan hệ tình dục với trẻ em, họ không thể lấy vợ, sinh hoạt tình dục với phụ nữ trưởng thành. Có những người mắc chứng ấu dâm phạm tội, xâm hại, hiếp dâm trẻ em nhưng có những người ấu dâm ý thức được bệnh của mình, họ đau khổ, dằn vặt, một số tự tử vì bế tắc.

Trớ trêu nghề hỗ trợ người 'lệch lạc tình dục' ảnh 1 Trẻ em không tự bảo vệ được nên dễ bị kẻ xâm hại tấn công.

Chuyên gia tâm lý hỗ trợ thế nào cho một người ấu dâm?

Theo hầu hết các chuyên gia quốc tế, ấu dâm không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp họ quản lý cảm xúc và không hành động một cách tự phát.

Từng có một anh bạn người Thụy Điển tìm đến tôi để nhờ tư vấn. Anh này rất khổ sở với chứng ấu dâm, nên đã đến Việt Nam làm dự án “Xóa đói giảm nghèo” với hy vọng quên đi những “ham muốn tội lỗi” thường trực trong đầu. Bỗng một ngày anh ấy gặp được một cô gái Việt bẩm sinh bé nhỏ, nặng có 32 kg và cả hai mừng hú như tìm thấy một nửa của nhau. Cô gái đó từng mặc cảm vì thân hình “học sinh cấp 2”, ế kinh niên vì bị chê “bé thế thì sinh con sao được”. Anh bạn Tây hoàn toàn  mãn nguyện khi người yêu có ngoại hình trẻ con. Họ cưới nhau và về Thụy Điển sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ. Người mắc chứng ấu dâm luôn phải đấu tranh tư tưởng để không phạm tội. Có một số mẹo chuyên gia chia sẻ với họ ví dụ như tìm bạn tình có hình dáng bé nhỏ, cạo sạch lông mu…Sự thay thế này ít nhất giúp họ bỏ ý định phạm tội với các bé gái ngoài đời.

Không thể phủ nhận, số vụ xâm hại, hiếp dâm tăng vọt những năm gần đây?

Tôi cho rằng số vụ án liên quan đến tình dục ngày xưa cũng nhiều như bây giờ chỉ có điều ngày nay có mạng xã hội, dân trí cải thiện, người ta dám nói ra, cộng đồng biết nhiều, lan truyền mạnh hơn. Cưỡng hiếp, xâm hại tồn tại cùng lịch sử loài người. Ở các nước văn minh, các vụ án này được xử kỹ, nghiêm khắc. Ở xã hội chậm phát triển, đàn ông tự cho mình coi phụ nữ là phận dưới, phải có nghĩa vụ cam chịu, luật pháp không đủ sức mạnh cảnh tỉnh kẻ phạm tội.

Có biện pháp nào giảm thiểu tội phạm xâm hại tình dục?

Với tình trạng đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là đàn ông lớn tuổi ngày càng tăng, tôi cho rằng nguyên nhân sâu sa là do họ còn nhu cầu mạnh nhưng không được đáp ứng tình dục trong hôn nhân (vợ từ chối, ngủ riêng, vợ mải trông cháu…) nên họ tìm đến đối tượng là các bé gái. Các bé không biết tự bảo vệ, dễ bị dụ dỗ bằng kẹo, tiền còn kẻ xâm hại kém kiểm soát bản thân, sẵn sàng phạm tội lặp đi lặp lại nhiều lần. Không chỉ đàn ông mà các bà vợ cũng cần được truyền kiến thức, về việc xâm hại, dâm ô trẻ em là phạm tội, mặt khác đời sống tình dục trong hôn nhân của nam giới cần phải được cải thiện, cân bằng. Tất nhiên với những đối tượng “yêu râu xanh” mãn tính tới mức bệnh lý thì phải được xử công khai (nhưng giữ kín danh tính nạn nhân) để cộng đồng tránh xa, cảnh giác kể cả sau khi họ mãn hạn tù.

Hình phạt nào đủ để răn đe kẻ xâm hại trẻ em?

Tại các nước hiện có nhiều tranh cãi. Ở Nhật, kẻ xâm hại ngoài bị phạt tù nặng thì bị dư luận lên án dữ dội và dai dẳng. Mặt trái của án phạt quá nặng là những kẻ hiếp dâm sợ bị phát hiện nên đã giết luôn nạn nhân để “bịt đầu mối” như trường hợp bé Nhật Linh bị hãm hại tại Nhật mới đây. Nhân đây một số nước đề nghị phạt tiền thật cao chứ không phải tăng số năm tù. Cá nhân tôi cũng thiên về mức án đủ răn đe để kẻ phạm tội không ra tay tàn độc với nạn nhân.

Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành Tâm lý học tại Đại học Quốc Gia HN, thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Hà Thành đã từng đi tu nghiệp 1 năm tại Đức và có 16 năm kinh nghiệm làm đào tạo, tư vấn và giám sát thực hành tâm lý. Hiện chị là chuyên gia tâm lý tại Đại học FPT.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.