Trò thụ động là do thầy

Trò thụ động là do thầy
TPO - Ngày 17 và 18/1, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học” với sự tham dự của nhiều trí thức trong và ngoài nước.

Giảng viên Trần Kỳ Đồng (ĐHKHXH&NV TPHCM):

Có đến 66,4% sinh viên không yêu thích ngành mình đang học

Hiện tượng sinh viên không yêu thích ngành mình đang học là vấn đề đặt ra trong đào tạo ở bậc ĐH khi hiện tượng này không còn là hiện tượng cá biệt (theo như kết quả điều tra nghiên cứu của Khoa Xã hội học - trường ĐHKHXH&NV TPHCM đã được công bố thì có đến 66,4% SV từ năm thứ hai không thật sự yêu thích ngành mình đang theo học).

Chưa bàn đến nguyên nhân nhưng kết quả thì rất dễ dàng nhận thấy. Đây là sự lãng phí lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Sau những cuộc cải cách giáo dục không thành công, sinh viên Việt Nam đang có sức ì đáng sợ trong tư duy. Đa phần giảng viên ở bậc ĐH vẫn chưa tận dụng được ưu thế của công nghệ giảng dạy mới, nên giờ giảng theo giáo án điện tử trở thành giờ trình chiếu nội dung thay lời giảng.

Giải pháp chiến lược cho vấn đề này là phải xây dựng một triết lý sống mới về giáo dục theo như chủ đề mà cuộc hội thảo đang đặt ra mà nội dung phải đạt đến tầm nguyên lý của giáo dục trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập là “Học trong khi sống và sống trong khi học. Học để làm chủ cuộc sồng của bản thân. Học để làm người”.

Bà Nguyễn Thị Oanh (Thạc sĩ Xã hội học):

Trò thụ động là do thầy

Tôi chưa hề học một khóa học nào về sư phạm hay giáo dục học. Tôi cứ hồn nhiên giảng dạy như mình đã được học. Vô tình tôi đã thu lượm được một số kết quả bất ngờ…

Có thời gian, tôi đã hoàn toàn mất sự hồn nhiên khi phát hiện rằng cách làm của mình không phù hợp và phải soạn giáo án chi tiết, khi dạy không được đi ra ngoài nội dung đã “được duyệt”.

Tôi cũng hiểu ra là những em bé ăn “cơm mớm” ngại ăn cơm nguyên hạt và thịt không xay nhuyễn. Nhưng tôi biết là một khi nếm thử từ từ họ sẽ thấy ngon.

Do đó, tôi không thúc ép mà chuẩn bị cho các em từ từ bằng những cuộc trò chuyện ngoài hành lang, bằng những chuyện vui trong lớp, bằng những bài tập trên giấy nhỏ để các em không sợ bị người khác biết mình nghĩ gì…

“Không áp đặt” là nguyên tắc lớn trong tham vấn tâm lý như trong giáo dục, coi vậy mà không dễ áp dụng trong xã hội ta khi tư tưởng “tôn ti” còn ăn sâu.

Ông Bùi Trọng Liễu (GS ĐH Paris, Pháp):

Thi trắc nghiệm không mang tính khoa học!

Nghe nói hiện nay đang có đề án “Gộp thi kết thúc Trung học và thi tuyển vào Đại học”, còn gọi là “2 trong 1”. Đó là một đề án có thể gây ra những hậu quả rất tai hại, mắc vào đó thì sau này rất khó gỡ. Tốt hơn hết cho nước ta là không nên “gộp thi”.

Cái phi lý thứ nhất là gộp hai mục tiêu khác nhau: kiểm tra kết thúc THPT là sự kiểm tra hiểu biết về  các môn “phổ thông”; tuyển học Đại học là để bắt đầu học chuyên ngành (cần tuyển theo khả năng của học sinh trong một số ít môn thôi).

Cái phi lý thứ nhì là đại học “tự quản” mang nghĩa gì nếu không được chọn sinh viên của mình?

Lại có đề án của Bộ GD&ĐT “chuyển việc ra đề từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm.

Kiểu “thi trắc nghiệm”, theo tôi, không mang tính thuyết phục, bởi vì nó mang tính “thách đố”, kiểu những trò chơi thường thấy trên TV, nhiều hơn là sự kiểm tra về sự hiểu biết và tính suy luận….

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Phải có tự trị đại học

Có thể nói sự sa sút của giáo dục nhiều chục năm nay, đến nay trở thành mối lo lớn của toàn xã hội chính là bắt đầu từ sự sa sút của ĐH, vào một thời gian tôi nghĩ là về đại thể là có thể xác định được, và vì những lý do không quá khó lý giải.

Nhớ lại, quả đã từng có một thời kỳ chúng ta có một nền ĐH rất đàng hoàng. Nếu tính theo kiểu xếp hạng tốp này tốp nọ như ngày nay thì không đến nỗi vô danh, ít nhất là  trong khu vực, thậm chí cả trong châu lục.

Đó là thời kỳ ĐH của các thầy Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đình Hượu, Trương Tửu và nhiều bậc thầy đáng nhớ đáng kính khác.

Trường ĐH phải được coi như một vương quốc độc lập và tự do. Độc lập trong chương trình, trong phương pháp dạy và học, trong tổ chức giáo dục… Mỗi trường phải được tự chủ hoàn toàn trong các lĩnh vực đó. Và mỗi giáo sư cũng phải được tự chủ hoàn toàn trong con đường cùng tìm tòi với người bạn nhỏ, mà bình đẳng là người sinh viên cùng học với mình, do mình dìu dắt...

Nói tóm lại, có lẽ đã đến lúc không nên tránh né nữa, cần nói rõ và nói thẳng, phải có tự trị ĐH…

   Đăng Khoa ghi

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG