1 tỉ USD so với tổng trị giá tài sản 16 tỉ USD của ông Harold Hamm không phải là nhiều nhưng đó quả thực là một số tiền quá lớn cho người phụ nữ 58 tuổi này. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, Sue Ann Hamm vẫn khẳng định bà không hài lòng với phán quyết này và có thể kháng cáo. Trước đó, các luật sư của bà Sue Ann Hamm mong muốn đạt được mức bồi thường là gần 3 tỉ USD và được chia cả cổ phiếu của Continental Resources Inc. Vợ chồng nhà Hamm kết hôn năm 1988 và không có thỏa thuận tiền hôn nhân. Bà Sue Ann Hamm cũng đã từng giữ chức vụ điều hành trong Continental suốt nhiều năm. Quan hệ của họ rạn nứt cách đây 6 năm vì bà Sue Hamm đã cảm nhận được sự không chung thủy của chồng và sử dụng các thiết bị điện tử bí mật gắn trong nhà để theo dõi hành vi của ông.
Theo Hãng tin Reuters, chuyện nhà Hamm là vụ ly hôn đình đám thứ 3 trong năm nay. Trước đó, hồi tháng 8, dư luận thế giới đã xôn xao trước việc Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Longfor Wu Yajun bị mất ngôi vị người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Nguyên do là bởi bà Wu Yajun đã ly dị người chồng Cai Kui. Cuộc ly hôn này đã khiến tài sản của nữ tỉ phú sụt giảm nghiêm trọng, từ mức 7,3 tỉ USD xuống còn 4,2 tỉ USD. Đồng thời, bà Wu Yajun mất luôn cổ phiếu ở Longfor, chỉ còn nắm giữ 43% cổ phần tại tập đoàn này so với mức 72% mà bà nắm giữ trước đó.
Tuy nhiên, số tiền mà ông Harold Hamm hay bà Wu Yajun chia cho vợ hoặc chồng không thấm vào đâu so với tổn thất 4,4 tỉ USD mà tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev phải chi sau 6 năm theo đuổi cuộc ly dị người vợ đã cùng chung sống 23 năm Elena Rybolovlev. Theo Hãng tin Reuters, phán quyết của tòa án tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 5/2014 đã yêu cầu ông Dmitry Rybolovlev chia cho vợ 4,4 tỉ USD trong tổng số tài sản 8,8 tỉ USD của ông.
Chưa hết, bà Elena Rybolovlev còn giành được quyền nuôi cô con gái út 13 tuổi và một nửa diện tích đất của ngôi nhà cũ của họ tại Coligny, một khu vực cao cấp của Geneva. Được biết, ông Dmitry Rybolovlev đang xếp thứ hạng 147 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới và thứ 16 trong số những người Nga giàu nhất thế giới.
Vụ ly dị của tỉ phú người Nga Dmitry Rybolovlev với vợ Elena Rybolovlev đứng đầu danh sách những vụ ly dị tốn kém nhất trong lịch sử. Ảnh: Franceinfo.
Năm 1992, Dmitry Rybolovlev mở một quỹ đầu tư, và cũng giống như những "ông trùm" của Nga sau này, ông đã mua cổ phiếu các công ty công nghiệp. Sau các thương vụ mua bán, đến năm 1995 ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Uralkali, nhà sản xuất phân kali lớn nhất của Nga, thành lập từ những năm 1930. Đến năm 2007, công ty này được niêm yết và thu về 1 tỉ USD. Thay vì tiếp tục đầu tư, tỉ phú này lại thích tiêu tiền, mua sắm bất động sản nên đã bán hãng phân bón, thu về 6,5 tỉ USD và mua các biệt thự và cả CLB bóng đá Monaco…
Còn bà Elena Rybolovlev, sau khi nhận được phán quyết của tòa án ở Thụy Sĩ, bà đã trở thành người phụ nữ giàu nhất nước Nga, vượt qua cả phu nhân cựu Thị trưởng Moskva Yury Luzhkov, bà Yelena Baturina - người đã 3 năm liên chiếm giữ vị trí này.
Người chịu thiệt hại ít nhất trong việc ly hôn so với các tỉ phú trên thế giới là ông trùm ngành truyền thông Rupert Murdoch. Do có khế ước hôn nhân được hình thành trước khi kết hôn nên người vợ thứ 3 của tỉ phú này chỉ nhận được một biệt thự trị giá hàng triệu USD liền kề Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và được sống ở căn hộ 3 tầng tại Đại lộ 5, Mahattan, New York. Đổi lại, hai con gái của họ là Grace và Chloe, mỗi người được nắm giữ cổ phần hạng A trị giá 8,73 triệu USD trong các công ty của ông Rupert Murdoch.