Trò quê phai nhạt

Hội Bài chòi Quảng Nam
Hội Bài chòi Quảng Nam
TP - Tôi vẫn nhớ nhiều trò chơi dân gian thuở nhỏ ở quê, theo thời gian nhạt dần và có những trò biến mất như một sự bốc hơi trên mặt phẳng của ngôi làng toàn cầu, hoặc bị bóp méo bởi hấp lực của đồng tiền.

Trò đánh đáo, dọi trì vẫn in bóng trong tâm thức tôi để mỗi lần về quê ngơ ngẩn nhìn sân đình vắng hoe lại chạnh lòng. Trọi gụ nay cũng thành những thước phim phủ bụi trong trí nhớ. Những chiếc gụ đẽo bằng gỗ tốt, ngâm dầu lên nước đỏ au như con gà trống lực lưỡng, đầu mũi đóng cái đinh chặt từ tăm xe máy; quấn bằng dây dù đánh xuống mổ sâu vào thân chiếc gụ nằm trong vòng dưới đất rồi vẫn quay tít, đôi đứa còn vớt lên xoay giữa lòng tay điệu nghệ. Ở quê trò ấy mất rồi. Tôi vẫn nhớ khoảnh sân lũ trẻ tụ tập mỗi xuân về, gửi vào đó đồng tiền mừng tuổi quý giá. Vẫn nhớ bóng cây cổ thụ với bao khuôn mặt thân thương giờ gặp lại không chừng biến dạng đến chẳng còn nhận ra bởi cơm áo vợ con bè bạn.

Tôi may mắn ngụ cư ở nơi phố xá chưa thật định hình xâm chiếm. Còn đó nhiều khu vườn rộng rinh với những ông bà già chiều chiều chăm luống rau trồng vài thứ lặt vặt và vui với nắm thóc vãi xuống nhìn đàn gà cục tác. Vẫn còn đó những khuôn mặt răn reo gợi nhớ chuyện xưa năm cũ. Có năm một mệ tự nhiên bảo tôi, con chở mệ xuống Cầu Ngói chơi bài chòi với, xuống mà coi vui lắm. Tôi từng biết đến trò chơi này trong dịp tết vốn rất trang hoàng ở cầu ngói Thanh Toàn. Chòi được làm bằng tre lợp tro đủ chỗ cho nhiều người đứng tránh nắng mưa cổ vũ. Mồng hai tết năm đó tôi chở mệ hàng xóm xuống tham gia chơi vừa dạo chợ quê ngắm nghía. Cuộc lục tìm ký ức mãnh liệt. Đứng trước thúng tò he, tôi lại như vô tình với sắc màu rực rỡ sinh động hiện tiền, lại nhớ về những con tò he tội nghiệp ở chợ quê hàng chục năm trước. Nó mất rồi. Nhận vài con tò he mẹ mang về, chao ôi sung sướng. Chúng được nặn bằng bột nếp, tôi nhớ là đã nướng lên thưởng thức khi chúng bị hư nát.

Ngụ cư chỗ mới, năm đầu từ bên ngoại về, tôi thật sự ngạc nhiên thấy mọi người đang chơi bài chòi ở cái lán mẫu giáo tuềnh toàng, vộn về cất xe bước xuống xem, sao thương quá đỗi. Bài chòi nào có chòi, chỉ là mượn ghế của trẻ học mẫu giáo. Tôi thích cái khung cảnh này, dung dị, đầy tiếng cười chọc ghẹo. Ở đây phần nhiều là ông mệ, một ít thanh niên và con nít đứng xem. Đôi thiếu nữ ngồi chơi như bảo chứng cho sự trong sáng thanh cao không vướng vào đám bài vụ nhốn nháo cách đó không xa; chỗ mà công an đuổi thì dạt ra, công an đi liền xúm vào. Những cô gái tuổi cập kê rạng rỡ ăn diện ngồi trên chiếc ghế dành cho em bé trông lại càng xinh, ra dáng con nhà lành. Có cô bạn trai ngồi bên suốt buổi, lâu lâu lại xách xe đi mua bánh kẹo về ăn với bầy trẻ nít. Mỗi ván chỉ mấy ngàn, ai cũng có thể tham gia. Niềm vui chính vẫn là tiếng nói cười, những câu chuyện tếu táo và câu hò của người cầm bài cùng tiếng trống giục chiêng khua lúc ai đó tới bài. Mấy cụ bảo bài chòi xóm này chơi tự phát từ hồi còn chiến tranh. Sau giải phóng tổ chức đàng hoàng hơn với sự đồng ý của chính quyền. Thường là một nhóm người trong xóm đứng ra bỏ tiền mua vật liệu làm chòi từ trong tết. Họ xuống Dạ Lê mua gót, thứ dân thường quây tròn lại đổ lúa, nay mang về cuốn vòm trên bốn cái cọc tre. Cả thảy mười một chòi. Mỗi bên năm chòi, còn chòi “trung ương” ở trên hết; chòi này không thâu tiền song trúng vẫn được ăn, nhằm gây quỹ. Ngoài chi phí, số tiền bàn trung ương nhận được trong suốt mùa chơi tết sẽ lưu lại dành thăm nom người đau ốm và phương việc xóm.

Trò quê phai nhạt ảnh 1

Hô câu thai bài chòi cổ tại Hội xuân Chợ Gò - Tuy Phước - Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Huế, cụ thể ở làng Sình là nơi xuất phát làm bộ bài tới (được dùng để chơi bài chòi), sau này nghề này mất; bài tới được làm ở làng Địa Linh (nơi bây giờ chuyên làm ông Táo). Nhiều làng quê ở Huế, ký ức về những hội bài chòi luôn được các cao niên lưu giữ rõ nét. Họ nhớ về như một nét văn hóa tinh khôi. Thật khác xa các trò chơi dân gian đang từng ngày bị đồng tiền thâu tóm. Lớp người già nay vẫn thèm được quay về quây quần chơi bài cọc đầu xuân mưa phùn đậu trên mai vàng trước ngõ, xôm tụ với chiếu bài oi rôm rả thanh tao bên ly trà đậm. Hồi đó bọn trẻ nít chúng tôi chơi xong ba ngày tết thì tuyệt không còn nhớ đến bài bạc nữa. Người lớn cũng không trì níu cuộc xuân, mà phủi tay bắt đầu chân trần lên đồng thăm lúa mạ đương xanh. Nay ngoài bài chòi vốn là sân chơi mang tính vui vẻ của ông mệ, các trò nặng về cờ bạc bác thằng bần như bài vụ, xì tẩy, phỏm… bị chính quyền cấm lại chuyển vào hoạt động ẩn kín cho đến rằm tháng hai. Lắm gia đình cả năm gom được chút ít sắm cái xe xịn nở mày mặt diện tết ra năm bỗng trắng tay. Có lúc tôi đứng xem người ta chơi xuân mà tâm thì lội về quá khứ, nơi khoảnh sân đình sần sùi xóm làng chong những ngọn đèn dầu và đến khuya vẫn còn nghe tiếng trẻ trong vắt huyên thuyên chuyện tết.  

Lại nhớ hồi ở quê lũ chúng tôi được mẹ cho hào tiền lẻ, đầu xuân đèo nhau hàng chục cây số đến một ngôi đền để coi Xăm. Nhập cư thành phố, một dịp tết nghe có ngôi chùa làng gần đó vẫn duy trì trò chơi này thu hút rất nhiều người, tôi liền tìm đến như sự dẫn dắt của ký ức. Năm 1945 vua thoái vị, Hoàng hậu Từ Cung thỉnh ống Xăm lên chùa Ba Đồn cho thập phương xin quẻ. Người dân vào lễ tết đến rút xăm thừa nhận rất linh, nên ngày càng đông. Ông Giải rồi ông Nguyên ở bên xóm đảm trách việc giải xăm. Xăm phổ biến trong dân gian có nhiều loại như xăm quan Thánh, xăm Mẫu, xăm đức Trần Hưng Đạo... Hình thức coi xăm ở chùa Ba Đồn cũng giống một trong số đó (chỉ khác và có giá trị ở việc nó xuất phát từ cung vua, độc nhất). Có 100 thẻ đựng trong một cái ống và một quyển sách 100 bài “thơ”. Ai muốn xin thì cầu nguyện, rồi cầm ống lắc cho đến lúc cái thẻ đầu tiên văng ra, lấy thẻ đó đối chiếu vào bài thơ đã được đánh dấu, câu nào chữ nào không hiểu thì nhờ người giải. Ngôi chùa này chưa nằm trong danh sách chính thức của giáo hội; một thời gian những người ở từ quá lạm dụng xăm thu tiền nên chính quyền đang tạm ngưng. Chợt nghĩ nếu cứ đầu xuân người ta đến lễ Phật cầu an, họ xem rồi tùy nghi đặt dĩa ít đồng gọi là, hẳn là một “trò chơi” thú vị.

*

Nhưng, từ góc độ tâm lý mà nhìn, những trò chơi dân gian hiện không còn người chơi và khán giả, thực tế nó vẫn ẩn hiện trong mỗi chúng ta. Nhiều lúc tôi vẫn chìm vào dòng suy tưởng để tiếp tục những trò chơi tuổi nhỏ ngày xuân. Nhiều lúc tôi vẫn mơ thấy mình đắm trong một trò chơi dân gian đầy cảm xúc, cũng hân hoan dâng trào không khác cuộc sống đang tiếp diễn. Thế nên với tôi trò chơi đó hoàn toàn chưa mất đi. Một trò chơi dân gian chỉ biến mất khi người từng chơi hay từng cổ vũ cho cuộc chơi ấy biến mất. Những trò chơi dân gian nó ẩn trong tiềm thức để nhắc thức chúng ta về một miền hoang chưa thật được khai phá trong cõi người mênh mông. 

Tôi cũng nhớ tiếc cái không gian ở sân đình hồi còn nhỏ ở quê người người chen chúc đặt tôm cua bầu cá, chỉ là những đồng tiền lẻ, tính ăn thua rất nhẹ mà chủ yếu vui ba ngày tết. Bây giờ thì khác hẳn, cũng trò bầu cá đó song mức ăn thua quá lớn, lộ tướng bài bạc hăng say mê muội; đánh trong sự chùng lén ganh đua, xảo trá.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.