Trở lại 'vụ án quỹ đen'

Trở lại 'vụ án quỹ đen'
TP - Dự kiến của TAND TP Cần Thơ, ngày 12/11, khai mạc phiên phúc thẩm xử vụ án Lập quỹ trái phép ở Nông trường Sông Hậu, gọi nôm na là “Vụ án quỹ đen”. Bài viết này xin cung cấp thông tin khái quát về vụ án.

>> Tiếp tục kháng cáo vì nghị án ngày khai mạc

Trở lại 'vụ án quỹ đen' ảnh 1

Ngày 3/7/2008, Công an TP Cần Thơ bắt tạm giam ba cán bộ của Nông trường Sông Hậu về tội Lập quỹ trái phép. Trong ảnh, từ trái sang phải, thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn, PGĐ Trương Hồng Nhung, kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng. - Ảnh: Sáu Nghệ

Khởi sự vụ án

Ngày 9/4/2008, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án Cố ý làm trái... Ngày 27/6/2008, khởi tố bổ sung hành vi Lập quỹ trái phép. Ngày 22/1/2009, có kết luận điều tra về hành vi Lập quỹ trái phép, còn hành vi Cố ý làm trái ... “chưa tập hợp được đầy đủ tài liệu, chứng từ xác định thiệt hại cụ thể là bao nhiêu để xử lý” nên tách ra “để điều tra, xử lý sau”.

Hồ sơ điều tra chuyển sang Viện KSND TP Cần Thơ, nhưng cáo trạng do Viện KSND huyện Cờ Đỏ ban hành và phiên sơ thẩm do TAND huyện Cờ Đỏ xét xử.

Vụ án khởi tố từ hồ sơ của Thanh tra TP Cần Thơ chuyển sang. Báo cáo Kết quả Thanh tra Nông trường Sông Hậu được ông trưởng đoàn ký ngày 5/10/2006 nhưng ngày 9/5/2007 mới chính thức công bố. Có nhiều tranh cãi nên chậm công bố, và còn tranh cãi gần một năm sau công bố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Cần Thơ Phạm Thanh Vận nói với PV Tiền Phong, tranh cãi chủ yếu ở quan điểm xem Nông trường Sông Hậu là doanh nghiệp hay đơn vị hành chính.

Thanh tra thời gian từ năm 1993 đến 2005, trong đó từ 1993 đến 2003 Nông trường làm cả chức năng quản lý hành chính của một xã. Từ tháng 1/2004, mới thành lập xã Thới Hưng. Điều này dẫn đến hoạt động của Nông trường có thể “là tội” mà cũng có thể “là công” khi viện dẫn luật hành chính hay luật doanh nghiệp. Báo cáo thanh tra chủ yếu coi Nông trường là đơn vị hành chính.

Nguồn “quỹ đen”

“Quỹ đen” không có trong kết luận thanh tra, là “phát hiện” của điều tra. “Vụ án quỹ đen” xem xét từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2007, thời gian bà Trần Ngọc Sương làm giám đốc. Các văn bản tố tụng cho biết, quỹ được tạo nên từ nhiều nguồn.

Trước hết là công đoàn phí, ông Nguyễn Xuân Quỹ nguyên Chủ tịch Công đoàn Nông trường cho biết, mỗi năm từ 50 đến 100 triệu đồng.

Ông Quỹ giải thích, cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng bảo, công đoàn phí và các nguồn thu sản xuất phụ khác, nhằm lo cho cán bộ công nhân viên, để chung một chỗ để dễ quản lý.

Các nguồn thu sản xuất phụ, có hơn 281 triệu đồng bán cá trong ao cá Bác Hồ và khai thác ở ao mương tự nhiên; hơn 2 tỷ đồng do Công đoàn Nông trường bán bạch đàn “tận thu” sau khi phần gỗ chính đưa vào xưởng chế biến.

Nguồn thu lớn nhất là việc kinh doanh đất, diễn ra trước năm 1994. Nông trường dùng Quỹ đời sống mua hai miếng đất, sau năm 2003 bán được hơn 1,2 tỷ đồng nhập quỹ.

Cũng trước năm 1994, Nông trường dùng hơn 191 triệu đồng vốn của Nông trường, mua hai mảnh đất khác, sau năm 2003 bán được gần 1,6 tỷ, trả vốn cho Nông trường 200 triệu đồng, còn gần 1,4 tỷ đồng đưa vào quỹ.

Tổng cộng “quỹ đen”, cáo trạng xác định hơn 9,4 tỷ đồng, bản án sơ thẩm xác định hơn 8,5 tỷ đồng. Đó là quỹ được lập dưới thời cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng, được Giám đốc Trần Ngọc Sương duy trì.

Các luật sư tại phiên tòa phúc thẩm phát biểu: Trong thời gian xem xét vụ án, không có hành vi Lập quỹ trái phép, chỉ có hành vi “duy trì quỹ trái phép”. Luật sư Nguyễn Trường Thành ở Văn phòng Luật sư Vạn Lý còn phân tích: “Các nguồn tiền lập quỹ như trên, gọi “trái phép” là chưa có cơ sở vững chắc”.

Thiệt hại chưa rõ

Việc chi “quỹ trái phép”, giám định tài chính ngày 16/6/2008 của Giám định viên Sở Tài chính TP Cần Thơ kết luận, gây thất thoát gần 5,4 tỷ đồng.

Kết luận điều tra ngày 22/1/2009 thống nhất con số này, nhưng kết luận điều tra bổ sung ngày 8/5/2009 hạ xuống còn gần 4,8 tỷ đồng. Cáo trạng tại phiên tòa sơ thẩm nêu thiệt hại hơn 5,6 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm tuyên thiệt hại hơn 4,3 tỷ đồng.

Đại diện nguyên đơn dân sự tại phiên tòa sơ thẩm là ông Trần Như Đình Vũ, cán bộ pháp chế của Nông trường, cũng nói chưa biết cụ thể thiệt hại.

Ông Vũ nói: “Trong đơn gửi tòa án ngày 23/7/2009, Nông trường yêu cầu bồi thường theo xác định của điều tra, công tố và tòa án”. Nhưng các cơ quan tố tụng lại đưa ra nhiều con số khác nhau.

Cũng tại tòa sơ thẩm, ông Đặng Thế Quốc Hưng, nguyên Kế toán trưởng Nông trường, một trong năm người bị truy tố, khẳng định cáo trạng quy cho ông gây thiệt hại hơn 900 triệu đồng là không đúng.

Ông Hưng giải thích, trong đó ông có chi từ “quỹ đen” hơn 850 triệu đồng để nhập vào vốn của Nông trường. Công tố viên hỏi “tại sao kết luận của giám định tài chính đã ghi như thế?”. Ông Hưng trả lời “tôi cũng không biết, đề nghị hỏi giám định viên tài chính”.

Nhưng giám định viên tài chính không có mặt tại tòa. Ngày khai mạc 11/8/2009, các luật sư và một số bị cáo đề nghị mời giám định viên tài chính, đã không được Hội đồng xét xử chấp thuận. Với tình hình thu chi “quỹ đen” nhiều điểm chưa rõ ràng, không có giám định viên tài chính nên chưa được làm sáng tỏ.

Tòa tuyên, nguyên GĐ Trần Ngọc Sương 8 năm tù, nguyên PGĐ Trương Hồng Nhung 6 năm tù, nguyên Kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng 4 năm tù, nguyên thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn 3 năm tù, nguyên kế toán Hoàng Thị Bình 1 năm 6 tháng tù treo.

Cả năm người kháng cáo. Bà Sương có ba đơn kháng cáo, đơn kháng cáo lần thứ ba, sau khi phát hiện hội đồng xét xử sơ thẩm lập hai Biên bản nghị án, một biên bản lập ngày khai mạc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.