Trở lại TPHCM làm việc từ 1/10, người lao động phải đáp ứng điều kiện gì?

0:00 / 0:00
0:00
Trở lại TPHCM làm việc từ 1/10, người lao động phải đáp ứng điều kiện gì?
TPO - Đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn TPHCM bao gồm công nhân, chuyên gia tại các tỉnh, thành phố cần trở lại TPHCM.

Ngày 24/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã trình UBND TPHCM phương án phối hợp đón người lao động tại các tỉnh, thành phố trở lại thành phố.

Theo đó, từ tháng 7/2021, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với các địa phương đưa khoảng 33.000 người về 34 tỉnh thành an toàn theo nguyện vọng của người dân.

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc trong thời gian TPHCM khôi phục hoạt động kinh tế, Sở GTVT thành phố đã phối hợp với sở ngành... xây dựng phương án để đảm bảo an toàn và thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch.

Đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn thành phố bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố cần trở lại TPHCM.

Trở lại TPHCM làm việc từ 1/10, người lao động phải đáp ứng điều kiện gì? ảnh 1

Từ tháng 7/2021, TPHCM đã phối hợp với các tỉnh đưa hơn 33.000 lao động về quê

Theo phương án của Sở GTVT, để trở lại, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như: Phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo.

Người lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế, có xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định.

Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với việc đi lại bằng đường bộ, Sở GTVT TPHCM đưa ra 3 phương thức.

Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao...) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT xem xét triển khai.

Sở sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT TPHCM cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.

Trở lại TPHCM làm việc từ 1/10, người lao động phải đáp ứng điều kiện gì? ảnh 2

Lao động trở lại TPHCM làm việc phải tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày và có giấy xét nghiệm kết quả âm tính

Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty cổ phần xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.

Về quy định chung đối với người lao động trở lại TPHCM, khi mua vé và lên xe phải xuất trình bản chụp giấy đề nghị kèm danh sách người lao động của đơn vị tiếp nhận người lao động; bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID -19 trong vòng 72 giờ; giấy xác nhận đã được tiêm vắc xin mũi 1 đã được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID -19.

Sở GTVT TPHCM sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TPHCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến. Các đơn vị vận tải đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TPHCM thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan cấp giấy nhận diện trước khi thực hiện. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.

Về thời gian thực hiện, giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10), TPHCM sẽ triển khai vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 trở đi) thực hiện triển khai cả 3 phương thức nêu trên.

Đối với phương thức đón người dân bằng đường sắt và đường hàng không, TPHCM thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.

Đề xuất khôi phục hoạt động xe buýt, xe khách hợp đồng từ 1/10

Cùng ngày, Sở GTVT TPHCM có công văn khẩn lấy ý kiến các Sở, ban ngành và đơn vị liên quan về dự thảo phương án tổ chức giao thông trong tình hình mới.

Theo đề xuất của Sở GTVT, tổ chức giao thông được chia theo 3 khu vực gồm phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.

Tại các khu vực phong tỏa, các loại phương tiện gồm xe công vụ, xe chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế, điện, nước), xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị, xe tang lễ được phép hoạt động.

Ngoài ra, xe chở nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người kết thúc thời gian cách ly, người bệnh COVID-19, người xuất viện về nơi cư trú cũng được phép hoạt động tại khu vực này.

Tại các khu vực nguy cơ, ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa, các loại phương tiện khác được di chuyển gồm môtô công nghệ giao nhận hàng hóa (shipper); xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp.

Xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; taxi được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR); xe đưa người dân TP HCM về quê và xe đón người dân từ quê trở lại TP HCM theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR) cũng được đề xuấy hoạt động ở các khu vực nguy cơ

Tại các khu vực bình thường mới, ngoài các loại xe được phép lưu thông, khu vực nguy cơ bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy.

Trở lại TPHCM làm việc từ 1/10, người lao động phải đáp ứng điều kiện gì? ảnh 3

Sở GTVT TPHCM đề xuất cho phép xe buýt và xe khách hợp đồng được hoạt động lại từ ngày 1/10 tại khu vực bình thường mới

Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng. Xe buýt chỉ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể.

Về hoạt động vận tải hàng hóa, tại khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới cho phép xe tải nhẹ có khối lượng chuyên chở đến 2.500 kg chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ.

Các xe tải nặng có khối lượng chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô hoạt động theo quy định của UBND TPHCM.

Sở GTVT đề xuất vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch… được hoạt động từ ngày 1/10 với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế. Các xe vận chuyển công nhân, chuyên gia vẫn được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR.

Trường hợp người dân các tỉnh được đến TP HCM khám chữa bệnh cần phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Bên cạnh đó, người dân đến TPHCM khám bệnh còn phải có giấy chuyển viện của các bệnh viện từ các tỉnh, TP đến bệnh viện TPHCM hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TPHCM; có xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP HCM để khám chữa bệnh.

TPHCM tiếp tục duy trì hoạt động chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ nhằm kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa đối với xe tải chở hàng, kiểm tra giấy nhận diện có mã QR của xe vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ du lịch, xe taxi….

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.