Trở lại thương cảng Phố Bến

Trở lại thương cảng Phố Bến
TP- Sáng sớm, xe rời Hà Nội. Chỉ qua cầu Thanh Trì, xa trung tâm Kinh kỳ 20km mà cảnh sắc khác hẳn: sông nước bàng bạc, cây trái lúc lỉu, quất cảnh xanh tốt trở lại sau trận lụt cuối tháng 10.
Trở lại thương cảng Phố Bến ảnh 1
Đền Đa Hòa nằm trong không gian thoáng đẹp – điểm đến cuối tuần thú vị  Ảnh: Đ.T.T

Đồng bãi Mễ Sở - Văn Giang - Hưng Yên yên ắng lạ. Khách Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt thích thú khi tới vùng sông nước đầy hoa trái và nhiều huyền thoại.

Thôn Phú Thị của xã Mễ Sở xưa thuộc vùng Kinh Bắc, gắn với thiên tình sử Chử Đồng Tử- Tiên Dung, nay vẫn hiển hiện di tích đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, đầm Nhất Dạ, bãi Tự Nhiên...

Thời Trần, Phú Thị là nơi đặt kho gạo lớn của triều đình, tên Phú Thị tương truyền do vua Trần Nhân Tông đặt.

Phố Bến tấp nập thuyền bè, chợ Mễ rộng lớn (dân gian có câu Dài như chợ Mễ). Phố Bến xưa là cảng sông quan trọng ven sông Hồng, nối trung tâm Sơn Nam với kinh thành Thăng Long nơi giao thương các sản phẩm thuốc Nam, thuốc Bắc, tơ lụa, tương Bần, đậu phụ...

Năm 1972, do chiến tranh và dòng nước sông Hồng trở nên hung dữ, người dân rời bờ sông vào làng ở, thương cảng Phố Bến mất đi. Phú Thị thiếu “Thị” (chợ) lớn, nhưng vẫn rất “Phú” nhờ nghề trồng hoa, cây cảnh và sản xuất ruốc thịt cung cấp cho cả nước.

Vừa đỗ xe ở đền Đa Hoà thờ Chử Đồng Tử thì mấy chiếc tàu du lịch đường thủy của Cty Sông Hồng cũng cập bến, đổ khách lên bờ. Đền Đa Hoà nằm giữa một không gian đẹp, ngoảnh mặt ra sông Hồng. Rêu và cây mọc trên mái ngói.

Vào điện thờ thắp nhang cho Tiên Dung, Chử Đồng Tử và Tây Sa (bà vợ thứ hai của đấng bất tử này) phải đi qua 4 dãy nhà cổ. Nhà nào cũng thanh tịnh, đẹp nao lòng. Người thưa, cảnh vắng, không khí thanh sạch, chả trách đây là nơi gặp gỡ của một mối tình thiên thu.

Trước đó, khách vãn cảnh chùa Mễ Sở, ngắm tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Văn Giang hồi trước có một làng chuyên nghề ăn trộm. Tượng Phật Bà ở chùa Mễ Sở bị mất trộm, rồi sau kẻ trộm đưa trả lại.

Đền Đa Hoà cũng thế, ba bức tượng thiêng bị bọn đào ngạch thôn tính, dân làng phải làm lại tượng mới, làm xong thì bọn trộm đem trả tượng gỗ. Nay, cụ từ tính kế chắc ăn cho tượng gỗ vào hậu cung, khách vào chỉ thắp nhang cho tượng mới.

Khách rong ruổi đi bộ theo đường quê vào thăm nhà cổ 100 năm tuổi, xem người dân làm ruốc, đi đền Dầm thờ Mẫu Thoải, đền Đại Lộ thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, câu cá bên hồ giữa vườn cây ăn trái hay giữa đồng ruộng yên tĩnh, rồi ghé làng Bát Tràng trên đường về...

Trưa, điểm nghỉ chân là nhà dân mà người làm tour đã lựa chọn. Chủ nhà dọn cơm, bánh răng bừa, ruốc, gân thịt lợn và đậu phụ. Nhất là bánh cuốn Phú Thị thì khác hẳn bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn trứng chan nước Cao Bằng hay bánh mướt xứ Nghệ.

Cũng làm từ gạo tẻ, nhưng gạo để làm bánh cuốn Phú Thị phải “chuẩn”, phải là gạo tám xoan ngâm nước, vớt ra để ráo rồi cho váo cối đá xay kỹ với chút nước quyện thành bột ướt. Có người cho vài hạt muối hoặc chút gia vị cho bánh thêm đậm đà. Thịt nạc vai được chọn làm nguyên liệu chính cho nhân bánh.

Thịt thái miếng, xào cùng nước mắm ngon, bột ngọt, hành củ xắt nhỏ, mộc nhĩ... Khi se lại được băm thật nhỏ, nhuyễn. Bánh cuốn Phú Thị dày dặn và trắng bóc, không điểm xuyết hành khô hay mộc nhĩ. Ăn bánh cuốn Phú Thị phải dùng tay mới đúng kiểu.

Nếu tò mò, khách sẽ chọn một ngày nào đó vào tháng 4 đến tháng 7 để về Phú Thị. Trong 3 tháng này sẽ có hai ngày được thưởng thức đặc sản con vờ. Con vờ nửa giống ong vàng, nửa giống con mối. Vờ sống trong ngách hang, khi nước sông Hồng dội vào làm vỡ ngách, vờ bay ra mặt sông. Dân Mễ Sở lấy vợt bắt về để bán cho người Phú Thị.

Đây là thôn duy nhất biết “xài” món này. Con vờ rang lên thơm ngậy, khách tốn rượu phải biết. Vờ cũng có thể làm canh. Nghe nói, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát bận mấy thì bận, cứ đoán dịp nào có món vờ là chị tức tốc về ăn một bữa rồi lại đi. Phố Bến là quê hương của thi sỹ Chu Mạnh Trinh- người cho dựng đền thờ Chử Đồng Tử, nhà giáo lỗi lạc Dương Quảng Hàm, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý...

Theo ông Nguyễn Khắc Huy- Giám đốc Cty Gao Travel, tour du lịch Phố Bến- Bát Tràng đón khách chủ nhật hàng tuần, đi bằng ô tô, giá trọn gói là 210.000 đồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.