Trở lại “thủ phủ” cây thuốc phiện

Trở lại “thủ phủ” cây thuốc phiện
Ngược đường lên miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi ghé thăm Mường Lống...là xã nằm cách trung tâm huyện lỵ biên giới khoảng gần 50 km.

“Mường Lống” hiểu theo tiếng Thái là “Lống Tang”có nghĩa là“lạc đường”, nơi đây đường rừng nhiều nên đồng bào đi rừng thường hay bị lạc”... Đó là lời của ông Và Bá Tểnh-Bí thư Đảng uỷ xã Mường Lống.

Ông Tểnh sinh năm 1948 ở Lào, trong một gia đình người dân tộc Mông, sau đó theo bố mẹ trở về Việt Nam. Trên đường  về quê hương, bố mẹ của ông đã quyết định dừng lại ở mảnh đất Mường Lống để sinh cơ lập nghiệp.

Hỏi: “Vì sao không chọn nơi khác mà thân sinh ông lại chọn vùng núi này?”. Ông Tểnh cười: “Các anh không biết à! Ông cụ tôi ngày xưa qua đây một thoáng là biết ngay vùng đất tốt cho việc trồng cây thuốc phiện”... Và Mường Lống có nhiều thuốc phiện cũng bắt đầu từ đó.

Mặc dù nơi đây khi thân sinh ông Tểnh đến ở đã có nhà cửa, có người ở rồi, nhưng lác đác không đông đúc như bây giờ. Bố mẹ ông Tểnh có 6 người con trai, 3 chị em gái. Cả gia đình thân sinh đều làm nghề trồng cây thuốc phiện.

Cứ đến mùa thu hoạch là các lái buôn từ đâu đâu tìm đến từng hộ gia đình thu mua, rồi gom lại, sau đó đưa đi đâu không ai biết. Đồng bào vùng Mường Lống nói chung, gia đình ông Tểnh nói riêng, họ phải bán thuốc phiện để lấy tiền mua gạo và mua sắm các vật dụng trong nhà.

Cả vùng Mường Lống có 600 hộ dân thì 100% hộ đều trồng cây thuốc phiện, có nhà trồng hàng chục sào. Mỗi năm thu hoạch thuốc phiện bán ra được khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng/mùa.

Nhiều năm được mùa cây thuốc phiện nhưng nghèo đói vẫn đeo bám mãi. Điều dễ hiểu bởi, ngoài cây thuốc phiện ra họ không có bất cứ một loại cây gì để cung cấp lương thực cho cuộc sống. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước, Mường Lống giờ đã không còn là vùng đất của thuốc phiện.

Học xong lớp 4 ông Tểnh đi làm công an huyện Kỳ Sơn, sau đó đi dạy học ở Tây Bắc rồi về tham gia công tác đoàn, thư ký văn phòng ở xã, tiếp tục làm Chủ tịch xã Mường Lống 2 khoá và sau đó làm Bí thư cho đến tận bây giờ. Sau đó kết hôn với bà Vừ Y Mỵ cũng là người dân tộc Mông, quê ở Mường Lống. Hai ông bà sinh được 9 người con, 2 trai, 7 gái.

Hiện gia đình ông đang được đồng bào Mông cho là gia đình thành đạt nhất của họ. Có 3 cô “sơn nữ”đã lấy chồng tại Mường Lống, 2 cô gái khác đang đi học ở trường cấp 3 Mường Xén, 2 cô nữa đang học phổ thông ở vùng cao Việt Bắc, 1 cậu con trai đang học trường CĐSP Thái Nguyên.

Riêng người con trai đầu lòng mới được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới đó là liệt sỹ Và Bá Giải. Anh đã hy sinh ở đồn 551-Tam Hợp - Tương Dương(Nghệ An).

Ông Tểnh kể: Nhận được tin cháu hy sinh ngay sau buổi tọa đàm ngày thương binh liệt sỹ, buổi tọa đàm hôm ấy do ông làm chủ trì. Biết Giải đã hy sinh, đồng bào Mường Lống đau xót vô hạn.

Đã bao lần ông bà nhắc nhở Giải tìm một “mảnh tình” để xây dựng gia đình, nhưng lần nào Giải cũng chỉ cười: “Con như con gà, con chim, đang phải bay, phải nhảy, bây giờ để lo sự nghiệp cái đã...”.

Đó là lúc về nhà, còn những lần anh em bạn bè hay ai đó có hỏi chuyện riêng tư thì chàng chiến sỹ trẻ trả lời, “thương bố mẹ, sợ lấy vợ sớm làm bố mẹ vất vả, vì hai ông bà còn mang gánh nặng nuôi các em đi học....’’ Anh đã hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ thanh niên đất Việt.        

Từ bỏ cây thuốc phiện...

Trở lại “thủ phủ” cây thuốc phiện ảnh 1
Một góc bản làng của đồng bào Mông

Ông Hờ Bá Chù- một đại gia trồng cây thuốc phiện ngày xưa kể lại: “Hồi trước nhà tôi trồng cả chục sào thuốc phiện nhưng  hằng năm thu hoạch được khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Còn từ ngày đưa mận Tam hoa vào, mỗi mùa thu hoạch được khoảng 6 đến 7 triệu đồng.

Ông Chù còn vào nhà lôi ra một đạy thuốc phiện loại xịn, loại thuốc ngày xưa ông trồng còn giữ lại. Xong rồi ông gọi hai thanh niên của bản vào đóng cảnh hút thuốc phiện ngày xưa cho chúng tôi xem.

Hai anh Hờ Bá Chô và Vừ Xơ Chi liền cởi áo, nằm xuống chiếu kéo dài hơi thuốc cho mọi người xem. Anh bạn đồng nghiệp ngạc nhiên thốt lên: “Hút thế mà không sợ nghiện à?.” Cả mấy người cười rồ lên: “Ngày xưa hút nhiều, anh em chúng tôi còn bỏ được, thử thế này đã ăn thua gì”.

Trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào, Nhà nước cùng nhân dân đã mở con đường huyện lộ từ thị trấn Mường Xén chạy vào các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống rồi qua Bảo Nam, Bảo Thắng... dài gần trăm km.

Ông Lầu Giống Cải- Chủ tịch xã Mường Lống kể: Ngày còn trẻ, ông không những tích cực trồng cây thuốc phiện mà còn thỉnh thoảng làm đầu mối cho những đầu nậu đi buôn thuốc phiện. Sau khi có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, ông Cải về nhà bảo vợ con lên đồi phá sạch và chuẩn bị trồng cây mận Tam hoa, trồng đào úc, đào Pháp... nhưng vợ con không ai tuân thủ.

Mọi người cho rằng, khi không trồng cây thuốc phiện nữa thì lấy gì mà sống, vì Mường Lống xưa nay chẳng biết trồng cây gì cho phù hợp với đất đai và khí hậu đầy khắc nghiệt. Thuyết phục mãi, cuối cùng bà con  đã thực hiện 100%. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Mường Lống đã trồng được gần 3.000 cây mận Tam hoa và hàng trăm loại cây ăn quả khác.

Vào mùa trổ hoa, Mường Lống trở nên một màu trắng ngút ngàn trong thung lũng trông rất đẹp. Bao người lên đây đã ví như đi trong một thung lũng của Sa Pa hay một Đà Lạt... Mấy vụ thu hoạch đầu có các thương gia ở Lào về mua nên giá cả bán ra khá cao, hoặc những năm thời tiết thuận lợi, khô ráo, khách mua đào đông đúc nên đồng bào thu hoạch rất phấn khởi.

Anh Lầu Bá Cha, trước đây là một tay buôn thuốc phiện khét tiếng trong vùng, đồng thời là con nghiện nổi tiếng. Nhưng từ khi Nhà nước có chính sách xoá bỏ trồng loại cây thuốc độc hại, Bá Cha đã chuyển sang buôn mận. Cứ đến mùa thu hoạch là thu mua cho đồng bào, sau đó một số đem nhập cho đồng bào miền xuôi, số nữa đem đi nhập cho khách hàng ở Lào.

Điều đáng nói là hai năm nay, Lầu Bá Cha đã bỏ đứt được cơn nghiện hút vì đồng bào dân tộc Mông không ai trồng cây thuốc phiện nữa.

Mấy năm nay trồng mận nếu được mùa thì thu nhập được từ 5 đến 6 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, riêng năm vừa qua đồng bào đã bị đối mặt với thực trạng ế ẩm. Mận trồng ra không có người mua, vì cước vận chuyển ra các vùng trung tâm quá đắt đỏ, riêng chuyến xe ôm vào, ra thị trấn Mường Xén, chưa kể chở hàng đã ngót gần 300.000 đồng.

Do thời tiết mưa gió nên giá mận chỉ bán được từ 1000 đến 1500 đồng/kg, chính vì thế tâm lý đồng bào bắt đầu chán nản trồng mận.

Rời Mường Lống, điều làm mọi người đang day dứt là ngoài điều kiện thông tin liên lạc, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào nơi đây còn thường xuyên phải đối mặt với thực trạng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Mùa khô có khi phải đi cả ngày đường mới cõng được ít nước về.

Người dân Mường Lống lâu nay ai ai cũng mơ có điện thắp sáng, có đường nhựa đi vào...và bao đổi thay khác, nhưng giấc mơ đang chỉ là giấc mơ...! 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.